HLV Hoàng Anh Tuấn: Nhà cầm quân hết thời hay quá tân thời?

(Dân trí) - Ông Tuấn là một trong những nhà cầm quân gây tranh cãi nhiều nhất bóng đá nội. Là nhân vật bị chỉ trích rất nhiều sau thất bại ở giải trẻ khu vực, nhưng cũng từng là người hùng ở giải cấp độ thế giới.

Thất bại vì hết thời hay quá tân thời?

Bóng đá Việt Nam có lẽ không nhiều HLV đón nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều như HLV Hoàng Anh Tuấn. Sau thất bại của đội tuyển U18 Việt Nam tại giải Đông Nam Á năm ngoái, vị HLV này bị chỉ trích không thương tiếc.

Nhưng chỉ trước đó chừng 2 năm, cũng chính ông Tuấn là người hùng của bóng đá nội, của chính các đội bóng đá trả Việt Nam, với thành tích hạng ba giải U19 châu Á năm 2016 và lọt vào VCK World Cup U20 năm 2017. 

Dĩ nhiên, chuyện thành công hay không thành công trong bóng đá là điều thường với một nhà cầm quân. Chuyện được khen hay bị chê với các nhà cầm quân cũng vậy.

HLV Hoàng Anh Tuấn: Nhà cầm quân hết thời hay quá tân thời? - 1
Chỉ trong vòng ít năm nắm các đội bóng trẻ Việt Nam, HLV Hoàng Anh Tuấn nhận đủ vinh quang lẫn cay đắng (ảnh: Trọng Vũ)

HLV càng giàu cá tính thì càng dễ nhận những luồng ý kiến đánh giá khác nhau, bởi cá tính của họ làm nên sự khác biệt cho các đội bóng mà họ dẫn dắt, trong khi sự khác biệt không phải lúc nào cũng dễ dàng được chấp nhận ngay.

Hoàng Anh Tuấn là mẫu HLV như thế, ông giàu cá tính và dù muốn dù không, dù khen hay chê vị HLV này, nhiều người vẫn sẽ đồng quan điểm ở chỗ, các đội bóng do ông Tuấn xây dựng có phong cách riêng và lối chơi riêng.

Thật ra, khi đội tuyển U18 Việt Nam thất bại ở giải Đông Nam Á các năm 2018 và 2019, lối chơi của họ không khác với những gì mà chúng ta áp dụng tại VCK giải U19 châu Á năm 2016 hoặc giải U20 thế giới năm 2017.

Nhưng năm 2016 và 2017, ông Tuấn được khen, trong khi năm 2018 và 2019 ông bị chê, xuất phát từ hoàn cảnh giải đấu, vị thế của đội tuyển U18 (hay U19 và U20) Việt Nam ở từng giải mà chúng ta tham dự, cũng như dựa trên chất lượng cầu thủ mà ông Tuấn có trong tay.

Ở giải châu Á năm 2016 và World Cup U20 năm 2017, lối chơi phòng ngự phản công của các đội tuyển trẻ Việt Nam được khen ngợi, bởi với các giải đấu có đẳng cấp từ châu lục trở lên, nhiều người nghiễm nhiên hiểu lối chơi đấy là tất yếu.

Nhưng cũng lối chơi tương tự sử dụng tại giải Đông Nam Á các năm sau đó, người xem lại khó chấp nhận, vì ở cấp độ khu vực, nhiều người hâm mộ đòi hỏi các đội trẻ của chúng ta không chỉ thắng, mà còn phải thắng đẹp.

Đi tìm thành tích tức thời hay tầm nhìn xuyên suốt?

Thành ra, có người bảo HLV Hoàng Anh Tuấn hết thời khi không thể làm mới các đội tuyển trẻ Việt Nam, qua chừng đó năm, vị HLV này cũng chỉ rập khuôn một lối chơi như thế.

HLV Hoàng Anh Tuấn: Nhà cầm quân hết thời hay quá tân thời? - 2
Ông Tuấn thất bại vì hết thời hay vì tân thời đến mức đi ngược lại xu thế của những người làm bóng đá nội: Thay vì tìm thành công trước mắt, ông Tuấn xây dựng tương lai lâu dài cho cả hệ thống các đội tuyển trẻ từng qua tay mình huấn luyện? (ảnh: Trọng Vũ)

Nhưng ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng ông Tuấn không còn đất diễn bởi ông quá tân thời: Sớm vạch ra kế hoạch đường dài, trong khi làng cầu nội, thậm chí ngay cả nhiều cấp trên của ông Tuấn ở cấp độ các đội tuyển chỉ mong thành tích tức thời, hòng xoa dịu dư luận.

Ông Tuấn muốn thổi vào các đội bóng trẻ Việt Nam thứ bóng hiện đại, nhanh, mạnh, dứt khoát, không màu mè và không rườm rà, hướng quả bóng đến khung thành đối phương theo phương thức nhanh nhất và đơn giản nhất.

Tuy nhiên, muốn thế thì bóng đá nội, nhất là các thế hệ cầu thủ trẻ vốn thiếu chiều sâu về kỹ thuật cơ bản, chưa định hịnh rõ nét tư duy chơi bóng cần có thời gian và cần có những con người phù hợp.

Ngặt nỗi, sau thế hệ của những Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Linh, Đoàn Văn Hậu… từng thành công với HLV Hoàng Anh Tuấn tại giải U19 châu Á năm 2016 và World Cup 20 năm 2017, bóng đá trẻ Việt Nam không sản sinh ra tiếp những cầu thủ hay như thế. 

HLV Hoàng Anh Tuấn thất bại với những cách tân trong lối chơi, và trong cách nghĩ mà ông dành tâm tư cho bóng đá trẻ Việt Nam: Thay vì tìm kiếm thành tích ngắn hạn, thì cần xây dựng chiến lược dài hạn và lối chơi hiện đại xuyên suốt nhiều thế hệ. Ông thất bại vì thiếu những con người để hiện thực hoá những cách tân của mình.

Nhưng có mấy ai để ý rằng chính HLV Park Hang Seo ở cấp độ đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 cũng đang lâm vào khó khăn tương tự. Rằng khi không còn những nhân tố phù hợp, đội tuyển U23 Việt Nam vốn từng tạo nên kỳ tích tại giải U23 châu Á 2 năm về trước cũng thua liểng xiểng tại chính giải đấu này đầu năm nay?

Vì thế, câu chuyện của HLV Hoàng Anh Tuấn không phải là câu chuyện cũ, mà là vấn đề thời sự của bóng đá Việt Nam hiện tại: Rằng chúng ta cần những người dũng cảm, biết xây dựng chiến lược và tầm nhìn cho các đội tuyển, hay cần thành tích nhất thời, theo kiểu “mưa lúc nào mát mặt lúc đó”?

Kim Điền