HLV Guillaume Graechen: “Đào tạo trẻ phải yêu trẻ”

(Dân trí) - Nếu hỏi HLV Guillaume Graechen đâu là tiêu chí cần nhất nơi một chuyên gia đào tạo trẻ, thì câu trả lời sẽ là phải yêu trẻ. Với nhiều cầu thủ của đội U19 Việt Nam hiện nay, vị HLV người Pháp không chỉ là người thầy, mà đôi khi còn giống như người bạn.

Người viết còn nhớ mãi câu chuyện của 6 năm trước, khi HLV Graechen Guillaume mới sang Việt Nam, khi học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG mới hình thành, giới bóng đá Việt Nam đã được thấy một phong cách huấn luyện bóng đá trẻ rất khác từ vị HLV người Pháp, mà chúng ta ít thấy trước đó.

Ngay cả trong các bài tập, ngay cả trong các bài kiểm tra để đánh giá năng lực của cầu thủ, ông Graechen dường như cũng muốn hòa mình vào sân chơi của các cầu thủ nhí do chính ông huấn luyện.

Có lúc, người ta thấy vị HLV người Pháp nhảy vào chơi chung các trò chơi vận động với các cầu thủ nhí (ngày ấy lứa cầu thủ hiện nay mới 10 – 11 tuổi), chịu chung những hình thức bị phạt giống hệt như các học trò, nếu ông thực hiện sai động tác kỹ thuật (mà có khi chính ông Graechen cố tình thực hiện sai, để được… chịu phạt).

HLV Graechen Guillaume hồn nhiên...

HLV Graechen Guillaume hồn nhiên...

Khi khác, người ta thấy ông này quỳ hẳn xuống mặt cỏ, để có chiều cao cơ thể ngang với các cầu thủ nhí xung quanh ông, cho dễ nói chuyện, cho cân bằng về tầm vóc trong các trò chơi.

Với vị HLV người Pháp, những cầu thuộc lứa U19 hiện nay do ông huấn luyện tại học viện HAGL-Arsenal.JMG không chỉ là các học trò, mà đấy còn là những người bạn nhỏ, sẽ theo ông trong suốt hành trình 7 năm của mỗi khóa đào tạo.

Để làm được như vậy, theo HLV Graechen Guillaume, thì “người chuyên đào tạo bóng đá trẻ ngoài yếu tố chuyên môn, còn cần nhất là tình yêu trẻ!”. Vì chỉ có yêu trẻ mới phần nào hiểu được tâm tư của các cầu thủ nhí, mới đủ sức gắn bó với bọn trẻ lâu đến thế.

... sẵn sàng chơi đùa cùng các cầu thủ nhí của 6 năm trước

... sẵn sàng chơi đùa cùng các cầu thủ nhí của 6 năm trước

Ở học viện bóng đá HAGL-Arsenal.JMG trên núi Hàm Rồng (Pleiku), bọn trẻ gọi HLV Graechen Guillaume bằng cái tên thân mật “Jom”. Thầy Jom từng từ chối sống ở khách sạn HAGL sang trọng bậc nhất phố núi, mà chọn cuộc sống nơi căn nhà nho nhỏ ngay phía sau học viện, để được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với bọn trẻ suốt từ ngày chúng mới về Hàm Rồng cho đến giờ.

Thầy Jom vốn từng là cầu thủ chuyên nghiệp tại Pháp, vì chấn thương nặng nên phải rẽ ngang sự nghiệp. Nhưng để dạy các em đá bóng trên đôi chân trần trong 3 năm đầu của khóa đào tạo, thầy Jom cũng đi chân đất rồi đá bóng y hệt như các em.

Ngày mới sang Việt Nam, vị HLV người Pháp này đâu có biết dùng đũa khi ăn cơm, vậy là ông cố tập, ông phải tập sử dụng đôi đũa cũng giống như các học trò của ông phải học bóng đá.

Cũng có lần, khi mới sang Việt Nam, xem một trận đấu trong khuôn khổ giải bóng đá nhi đồng toàn quốc khoảng 6 năm trước, thầy Jom và một người bạn Pháp của ông (vốn cũng là một chuyên gia săn tìm tài năng của hệ thống học viện JMG toàn cầu) từng cật lực phản đối cách chơi của một số đội bóng.

Khi xem đến đoạn thủ môn của đội này khi có bóng không chuyền cho đồng đội ở phía trước mặt, mà đá thẳng vào khung thành đối phương trong môn bóng đá mini, và cách chơi này cứ lặp đi lặp lại, HLV Graechen Guillaume đã xua tay liên tục, tỏ thái đội không đồng ý.

Ngày đó, vị HLV người Pháp này nói: “Đấy không phải là bóng đá, bóng đá không thể có chuyện thủ môn ghi bàn bằng cách đá bóng thẳng từ cầu môn này sang cầu môn kia. Muốn ghi bàn thì phải phối hợp, phải mang bóng lên phía trước rồi mới dứt điểm. Dạy các em đá kiểu đó là hại các em!”.

6 năm đã trôi qua, cũng là khoảng thời gian đủ để thầy Jom dạy các cầu thủ thuộc lứa U19 Việt Nam hiện nay biết phối hợp là gì, dạy các em biết bóng đá và biết thế nào là đời cầu thủ.

HLV Graechen Guillaume trẻ trung ngày nào giờ đã là rể Việt Nam, đã chọn cuộc sống gắn bó với mảnh đất này, hệt như cách ông gắn bó với học viện HAGL-Arsenal.JMG. Năm tháng qua đi, có thể Graechen nhiều tuổi hơn, thâm trầm hơn vì sau lưng là gánh nặng gia đình, gánh nặng cuộc sống, nhưng tình yêu với bóng đá trẻ, tình yêu với bọn trẻ cùng sự hồn nhiên khi được tập luyện ở bên các cầu thủ dường như vẫn còn nguyên với người đàn ông đến từ đất nước nằm bên bờ Địa Trung Hải.

Kim Điền