“Hàng rào kỹ thuật” che chắn cho giới trọng tài Việt Nam?
(Dân trí) - Giới trọng tài trong nước thường cho biết FIFA quy định không được công bố kết quả làm việc của các ông “vua sân cỏ”, xung quanh các sự cố. Thế nhưng, khi mới đây UEFA công bố trọng tài châu Âu sai, nhiều người mới vỡ lẽ bóng đá thế giới chẳng có cái quy định đấy.
Khi trọng tài Deniz Aytekin gây phẫn nộ sau trận lượt về vòng 1/8 Champions League cách nay không lâu, trưởng Ban trọng tài UEFA, cũng là cựu trọng tài hàng đầu thế giới Pierluigi Colina công khai tuyên bố thuộc cấp của mình không hoàn thành nhiệm vụ, và hình thức xử lý bước đầu của UEFA có thể là “treo còi” ông Aytekin tại Champions League.
UEFA là tổ chức bóng đá mạnh nhất, phát triển nhất trong số các liên đoàn bóng đá cấp châu lục, là thành viên mạnh nhất trong ngôi nhà chung FIFA, nên khi người của UEFA công khai kết quả làm việc của giới trọng tài, thì người ta cũng thầm hiểu bóng đá quốc tế, hay nói chính xác hơn là luật FIFA hoàn toàn không có cái quy định không được phép công khai chất lượng của trọng tài, không được phép công bố sai lầm của giới “vua sân cỏ”.
Ấy thế mà cái quy định tưởng tượng đấy thường xuyên được giới trọng tài nội đem ra để “doạ” dư luận trong nước, bao biện cho cái sai của các trọng tài, xung quanh những sự cố, khiến người xem chưa bao giờ có được câu trả lời thoả đáng là một trọng tài cụ thể có hoàn thành nhiệm vụ hay không, sau những trận cầu gây tranh cãi?
Trao đổi với cựu trưởng Ban trọng tài VFF Dương Vũ Lâm về vấn đề vừa nêu, ông Lâm cho biết cách làm việc của giới trọng tài nội thời gian vừa rồi là dựng lên các “hàng rào kỹ thuật” được gắn mác FIFA, để “che chắn” cho những sai phạm của trọng tài.
Thời ông Lâm là trưởng ban, giới trọng tài trong nước không có những “hàng rào” đấy. Ông Lâm khi đó sẵn sàng nhận xét trọng tài nào đúng, trọng tài nào chưa đúng, ai hoàn thành nhiệm vụ và ai không sau từng trận đấu cụ thể được dư luận thắc mắc. Dĩ nhiên là sau khi ông cựu trưởng ban và bộ phận chuyên môn trong giới trọng tài đánh giá lại băng ghi hình, và tổng hợp, phân tích các báo cáo.
Cũng cần biết rằng trong thời gian làm trưởng Ban trọng tài VFF, ông Dương Vũ Lâm cũng song song giữ vị trí trưởng Ban trọng tài AFF (Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á), nên ông Lâm chắc chắn không lạ thông lệ quốc tế và các quy định liên quan đến giới trọng tài, theo luật FIFA.
Chính cái “hàng rào kỹ thuật” vô hình vừa nêu gần như ngăn cách giới trọng tài với các thành phần còn lại của nền bóng đá. Người ta thiếu thông tin về giới trọng tài, người ta cũng không được công khai về kết quả làm việc trong khâu điều hành Ban trọng tài, thành ra giới bóng đá cũng không thể giám sát và kiểm tra khâu điều hành, phân công trọng tài như lẽ ra phải có.
Cái “hàng rào” tưởng tượng đấy cũng gióp phần bảo vệ cho nhiều trọng tài và giám sát trọng tài ngay cả khi họ không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí làm sai nguyên tắc.
Ví dụ như trọng tài Nguyễn Trọng Thư gây bất bình ở sự cố lịch sử trên sân Thống Nhất, tối 19/2, Ban trọng tài cũng không buồn kết luận là ông Thư có mắc lỗi hay không, mà vẫn xếp trọng tài này làm nhiệm vụ ngay ở vòng tiếp theo, như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Hay như ông giám sát kiêm phó Ban trọng tài Dương Văn Hiền bỏ qua tình huống vào bóng thô bạo của Samson (Hà Nội FC) nhằm vào Ngọc Quang (HA Gia Lai), nhưng sau đó lại “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tham gia mổ băng ghi hình, rồi tự kết luận rằng mình đúng, thông qua câu chữ “Samson chỉ vào bóng liều lĩnh” (kết luận này sau đấy bị “tuýt còi”, khi VFF phạt nguội Samson trước phản ứng mạnh từ nhiều giới).
Nếu thông tin về giới trọng tài được công khai, có sự giám sát của các bộ phận khác tham gia trong nền bóng đá, thay cho cảnh trọng tài tự đóng cửa giải quyết riêng một mình một cõi, xung quanh được bao bọc bởi lớp “hàng rào kỹ thuật” do chính họ dựng nên, có lẽ đã không xảy ra những sự việc sai nguyên tắc và gây bất bình trong dư luận đến vậy!
Nói như dân chuyên môn bóng đá trong mấy ngày vừa rồi thì nếu không công khai thông tin, lấy ai giám sát giới trọng tài, lấy ai kiểm tra và phản biện công việc của giới trọng tài?!
Kim Điền