Hải Phòng tập trung trong đầy rẫy nỗi âu lo

(Dân trí) - Hôm qua, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã chính thức tập trung để chuẩn bị cho mùa giải mới. Hải Phòng đang rất quyết tâm ở mùa giải mà họ nhận được sự đẩu tư lớn từ lãnh đạo thành phố và lãnh đạo đội bóng, nhưng đằng sau đó là những nỗi lo...

Bóng đá Hải Phòng đã trở lại V.League một cách ngoạn mục, bằng cách mua lại suất của Khánh Hòa. Dù bắt buộc phải đổi tên theo quy định của VFF, nhưng về cơ bản cái tên Xi măng Vicem Hải Phòng chẳng khác gì nhiều so với  Vicem Hải Phòng. Như vậy là quyền lợi của nhà tài trợ vẫn được đảm bảo, còn Hải Phòng vẫn giữ được cái tên gốc.
 
 
Nhiều thách thức chờ đón Hải Phòng trước mùa giải mới

Nhiều thách thức chờ đón Hải Phòng trước mùa giải mới

 

Tất nhiên, cái tên dù như thế nào cũng không phải vấn đề quá lớn. Điều mà người hâm mộ và cả lãnh đạo thành phố quan tâm hơn lúc này, chính là đội bóng sẽ vận hành như thế nào, khi “phần xác” và “phần hồn” sẽ phải mất một thời gian dài để khớp lại với nhau.

 

Bóng đá Hải Phòng và Khánh Hòa nổi tiếng là những địa phương thể hiện được thứ bản sắc trong lối chơi của mình. Với 14 cầu thủ từ phố Biển, lại cả chiến lược gia Hoàng Anh Tuấn, thì liệu lối chơi mang bản sắc Khánh Hòa cũ, có lấn át đội bóng đóng quân tại đất Cảng, thi đấu vì người hâm mộ đất Cảng?

 

Đó là bài toán rất khó giải lúc này và ngay cả là một HLV khôn ngoan, có nhiều năm kinh nghiệm như HLV Hoàng Anh Tuấn, cũng rơi vào cảnh khó xử. Bản thân ông Tuấn khi nhận lời tới Hải Phòng, đã bị đặt vào tình thế gượng ép, nên tâm huyết với đội bóng mới, chắc chắn không như với đội bóng ruột của mình. Vì thế mà ông Tuấn sau khi được lãnh đạo CLB Hải Phòng mời ký hợp đồng trong 3 năm, HLV này chỉ nhận lời ký năm một rồi tính tiếp.

 

Gần như chắc chắn, các cầu thủ gốc Khánh Hòa sẽ nhìn vào thầy mình để mà thể hiện, còn HLV Hoàng Anh Tuấn, sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng, hợp tình hợp lý khi sử dụng cầu thủ của mình hay cầu thủ Hải Phòng. Đội bóng là của chung, nhưng ở hoàn cảnh hiện tại, cái chung đó không có ai đảm bảo.

 

Các CĐV Hải Phòng cũng tỏ ra nghi ngờ về khâu tổ chức nhân sự mùa tới của đội bóng. Hải Phòng nổi tiếng là đội bóng có lối chơi máu lửa và ở hoàn cảnh nào thì CĐV cũng không bỏ rơi đội bóng. Nhiều CĐV cho rằng Hải Phòng nên biết cách chấp nhận thực tế xuống hạng làm lại từ đầu. Với sự đầu tư, con người và đặc biệt là sự ủng hộ của người hâm mộ, sẽ chỉ mất 1 năm là có thể trở lại V.League. Năm tới, hạng Nhất có tới 3 đội lên hạng, trong khi chỉ có 8 đội tham dự, thì nếu Hải Phòng không mua suất của Khánh Hòa, coi như chỉ chậm mất 1 năm, nhưng đó lại là khoảng thời gian rất quý báu để tất cả nhìn lại mình.

 

Thế nhưng, chính vì cách làm bóng đá nặng thành tích và xen lẫn chợ búa, Hải Phòng đã trở lại trong sự đón chào nửa vời của người hâm mộ.Trước những phản ứng, dù không gay gắt nhưng cũng chưa chấp nhận đội bóng “lai tạp”, thì liệu mùa tới CĐV Hải Phòng còn đến sân đông như những mùa giải vừa qua? Cả cầu thủ và người hâm mộ, đều phải mất một thời gian để quen nhau, tình cảm sẽ được gây dựng từ con số 0 đi lên.

 

Từ chuyện sắp xếp nhân sự thế nào để không mất lòng người cũ, kẻ mới. Từ chuyện đá làm sao để kéo khán giả tới sân, và còn rất nhiều vấn đề khác nảy sinh khi trái bóng lăn, rõ ràng là không lo không được với đội bóng đất Cảng. Mà chẳng cần phải nhìn đâu xa, QK4 sau khi chuyển thành Navibank SG giờ tan tác, Thể Công sau khi được Thanh Hóa mua, cũng gặp khối chuyện “ma mới, ma cũ”, Hòa Phát sau khi sáp nhập với CLB Hà Nội, cũng xảy ra bao mâu thuẫn, khiến HLV Thành Vinh phải ra đi... Đó thực sự là những bài học xương máu để lãnh đạo CLB Hải Phòng nhìn vào để rút kinh nghiệm, còn rút kinh nghiệm như thế nào, kết quả đến đâu, lại là câu chuyện khác.

 

An An