Giới cầu thủ duy trì phong độ trong mùa dịch Covid-19 như thế nào?
(Dân trí) - Cầu thủ Việt Nam gặp trở ngại trong việc duy trì phong độ. Nhưng nhìn rộng ra, cả thế giới bóng đá hiện đều như thế, nên khi quay trở lại, các đội nước ngoài cũng chưa chắc có lợi hơn chúng ta.
Và thời điểm bóng đá toàn cầu quay trở lại rất khó nói trước, bởi chưa rõ bao giờ dịch Covid-19 mới được dập tắt hoàn toàn? Và khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, làng cầu toàn thế giới mới yên tâm quay lại với công tác tổ chức các giải đấu, còn giới cầu thủ mới an tâm quay lại với cuộc chơi.
Bởi vì chưa an tâm nên các giải bóng đá tại châu Âu và cả châu Á cứ dời tới dời lui, chờ cho đến khi hết dịch, vì không dám mạo hiểm với sức khoẻ, thậm chí tính mạng của những người tham gia cuộc chơi và các lực lượng làm nhiệm vụ để duy trì cuộc chơi.
Điều đó cũng có nghĩa là các cầu thủ toàn thế giới hiện không có bất kỳ trận đấu chính thức nào trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng qua.
Chí ít là các đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á, gồm Thái Lan, Malaysia, UAE và Indonesia cũng không được thi đấu, và tự tập để duy trì phong độ là chuyện của cầu thủ toàn cầu, chứ không riêng gì cầu thủ Việt Nam.
Dĩ nhiên, cầu thủ của chúng ta sẽ gặp vấn đề về phong độ khi quay lại đội tuyển quốc gia ở các giải đấu quốc tế, do thiếu các trận đấu ở giải trong nước để duy trì. Nhưng chắc chắn cầu thủ toàn thế giới nói chung, và cầu thủ của các đội là đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup nói riêng, cũng rơi vào cảnh tương tự.
Nên lo lắng về việc chúng ta thiệt thòi hơn họ, cầu thủ Việt Nam mất phong độ, sẽ… tăng cân vì thiếu giải đấu để cọ xát là lo lắng có vẻ… hơi thừa. Bởi, khó khăn là khó khăn chung, cầu thủ Việt Nam gặp khó như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thì cầu thủ toàn thế giới cũng gặp khó khăn tương tự.
Riêng chuyện giữ phong độ, thể lực và giữ “phom” lý tưởng để có thể trở lại thi đấu chuyên nghiệp ngay khi cần, là việc mà có lẽ giới cầu thủ hiểu hơn ai hết.
Vả lại, việc giữ được phong độ và giữ được thể lực trong giai đoạn không thi đấu hiện tại, cũng là cách thể hiện sự chuyên nghiệp của giới cầu thủ, là thước đo để đánh giá tính chuyên cần và mức độ chuyên nghiệp cầu thủ thuộc nền bóng đá này so với cầu thủ thuộc nền bóng đá khác.
Giới cầu thủ Việt Nam trong những năm gần đây được đào tạo bởi các học viện bóng đá có tiếng tăm, có chất lượng, ý thức và khả năng tự rèn luyện của họ chuyên nghiệp hơn hẳn trước.
Cầu thủ Việt Nam bây giờ, nhất là nhóm các tuyển thủ quốc gia, về lý thuyết là những người đá bóng ưu tú nhất nước, có lẽ thừa hiểu họ phải làm gì để duy trì phong độ và thể lực, ngay cả khi không được đá giải. Vì phong độ và thể lực chính là nguồn sống lâu dài của chính họ.
Họ chắc cũng thừa hiểu khó khăn hiện giờ là khó khăn chung ở phạm vi toàn thế giới, khó ta thì khó người, cầu thủ toàn thế giới hiện cũng không hề trải qua các giải đấu quốc nội y hệt như cầu thủ Việt Nam, nên đây không phải là vấn đề khiến giới bóng đá trong nước phải căng thẳng, càng không nên cường điệu hoá!
Không cường điều hoá những khó khăn chung để bình tĩnh tự tập luyện (cầu thủ chuyên nghiệp thì tự tập tại nhà cũng là rèn luyện) giữ phong độ, chờ cho dịch Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát, rồi từ tốn quay lại với sân cỏ, chứ không có gì phải vội.
Chắc chắn một điều rằng, thế giới bóng đá nói chung cũng sẽ chờ như chúng ta, tức là chờ hết dịch mới thi đấu, chứ chẳng ai dám mạo hiểm với dịch bệnh đâu!
Thiện Nhân