Giấc mơ World Cup xa vời của bóng đá Việt Nam và Thái Lan
(Dân trí) - Đội tuyển Việt Nam thua liên tục trong các trận gần nhất, Thái Lan thảm bại 0-8 trước Georgia. Những thất bại này khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng Đông Nam Á liệu đã sẵn sàng cho World Cup.
Một loạt nền bóng đá ở Đông Nam Á đặt mục tiêu dự vòng chung kết (VCK) World Cup 2026, gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Cơ sở để các quốc gia Đông Nam Á đặt hy vọng vào việc góp mặt tại VCK World Cup đó là số suất tham dự VCK được tăng từ 4,5 lên 8,5 suất (8 suất vào thẳng World Cup, một suất thi đấu trận play-off liên lục địa để tranh vé vớt với đại diện của châu lục khác).
Tuy nhiên, việc giành vé dự VCK giải vô địch bóng đá thế giới liệu có đơn giản như phép tăng số học từ 4,5 lên 8,5 hay không lại là chuyện khác. Thực chất, bóng đá châu Á có đến 8,5 suất dự VCK World Cup 2026, nhưng 5 suất gần như đã chắc chắn thuộc về nhóm 5 đội hạng A gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia và Australia.
3,5 suất còn lại là sự cạnh tranh của nhóm các đội hạng B như Qatar, UAE, Uzbekistan, Oman, Trung Quốc, Iraq, Lebanon, Syria, Bahrain với các đội xếp dưới nhóm B như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Triều Tiên, Kuwait.
Khoảng 15-16 đội tuyển tranh 3,5 suất, không hề đơn giản. Đặc biệt, khi các nền bóng đá hàng đầu Đông Nam Á trong vài năm qua, gồm Thái Lan và Việt Nam thua nặng nề trong các trận gần đây, người ta càng hoài nghi về cơ hội của các đội Đông Nam Á.
Ai cũng hiểu thua trong các trận giao hữu là điều không hiếm, nhưng thua theo kiểu của đội tuyển Việt Nam, theo một phương thức bế tắc trong khâu phối hợp cứ lặp đi lặp lại từ trận này qua trận khác thì chẳng bình thường chút nào. Ngay cả trong các trận thắng, tính từ đầu năm đến giờ, đội tuyển Việt Nam vẫn bế tắc, sự việc càng trở nên đáng lo hơn.
Với Thái Lan, đội bóng đất Chùa Vàng thua đậm Georgia đến 0-8. Georgia đứng hạng 79 thế giới, chỉ là đội rất yếu tại châu Âu. Đội này cũng không hề được đánh giá cao hơn UAE (hạng 70 thế giới), Qatar (hạng 61), Iraq (69), Uzbekistan (75) tại châu Á.
Georgia cũng chưa lần nào được dự VCK World Cup. Về mặt này, họ cũng thua các đội có trong nhóm B tại châu Á như Qatar (dự World Cup 2022), Trung Quốc (dự World Cup 2002), UAE (1990), Triều Tiên (1966).
Thế nhưng Thái Lan vẫn thua quá đậm Georgia, vậy thì liệu có thiết thực khi Thái Lan muốn vượt lên trên các đội thuộc nhóm B tại châu Á như Oman, Uzbekistan, Qatar hay UAE?
Có thể các kết quả vừa qua của đội tuyển Việt Nam hay Thái Lan chỉ mang tính thử nghiệm. Họ hoàn toàn có khả năng thay đổi khi vào đến giải chính thức, đó là vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, sẽ khởi tranh từ ngày 16/11.
Tuy nhiên, cũng chính từ những thất bại đấy, có thể thấy các đội bóng ở Đông Nam Á khá mong manh, thiếu ổn định, thiếu chiều sâu về đội hình.
Trong khi, tính ổn định và chiều sâu đội hình lại là các yếu tố cực kỳ quan trọng trong cuộc đua đường trường, kéo dài khoảng 2 năm của vòng loại World Cup khu vực châu Á, bắt đầu từ cuối năm 2023 đến tháng 11/2025 (tính cho đến thời điểm các đội châu Á đá xong trận play-off châu lục, để xác định đại diện đá trận play-off liên lục địa).
Ở các kỳ vòng loại World Cup gần nhất, hai đại diện Đông Nam Á lọt vào sâu nhất là Việt Nam (vòng loại World Cup 2022) và Thái Lan (vòng loại World Cup 2018) đều đứng cuối các bảng đấu của mình ở vòng loại thứ 3.
Chính vì thế, để qua được vòng loại thứ 3 World Cup 2026 khu vực châu Á (phải qua được giai đoạn này mới có hy vọng dự VCK World Cup), trừ khi các đội tuyển Việt Nam, Thái Lan và những đại diện khác của Đông Nam Á phải lột xác mạnh!