1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Đừng đổ hết tội lỗi lên đầu HLV Toshiya Miura

(Dân trí) - Nếu đá lại với Thái Lan, đội tuyển Việt Nam có chắc tránh được thất bại không? Nếu thay đổi nhiều vị trí trong thành phần đội tuyển thì kết quả có khác không? – Đã kém về mặt nền tảng thì đá bao nhiêu trận vẫn là kém. Chỉ trích mỗi mình ông HLV Miura thì càng tiểu tiết.

Trong hơn 20 năm qua, bóng đá Việt Nam chỉ mới thắng Thái Lan 2 trận ở các giải đấu chính thức, đó là trận bán kết AFF Cup 1998 và trận chung kết AFF Cup 2008. Trong khi đó, chúng ta chúng ta thua họ bao nhiêu lần thì có lẽ rất nhiều người không thể nhớ chính xác, vì cơ bản thua nhiều quá.

Đấy là vấn đề về mặt đẳng cấp, đẳng cấp giữa 2 đội tuyển, đẳng cấp giữa 2 nền bóng đá. Thành ra cũng chắng mấy ai bất ngờ về kết quả thất bại của đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan, bởi một lẽ đẳng cấp kém thì thua là đương nhiên, có đá lại cũng có khi cũng không thay đổi được, có thay đổi thành phần lực lượng đội tuyển như mong muốn của một vị lãnh đạo cao cấp của VFF thì cũng chưa chắc thay đổi về kết quả.

 

Bóng đá Việt Nam đang thua kém người Thái một cách toàn diện - Ảnh: Gia Hưng
Bóng đá Việt Nam đang thua kém người Thái một cách toàn diện - Ảnh: Gia Hưng

 

Cái chúng ta có chỉ là niềm tin, nhưng họ cũng đâu thiếu niềm tin. Có nghĩa là chúng ta trông chờ vào một chiến thắng theo kiểu cảm tính, mà thiếu hẳn những cơ sở khoa họ để làm nên chiến thắng ấy, đặc biệt quan trọng nhất là chuyện con người, trong khi thấy rõ là cầu thủ Thái Lan thế hệ hiện tại đã hơn hẳn cầu thủ Việt Nam ở trình độ kỹ thuật, nền tảng thể lực và tư duy chơi bóng.

Sau mỗi thất bại trước người Thái, hoặc sau mỗi thất bại ở các giải đấu quốc tế tầm khu vực, chúng ta lại tính chuyện thay HLV, từ Falko Goetz, sang Phan Thanh Hùng, đến Hoàng Văn Phúc và giờ là tính chuyện thay Miura.

Nhưng đấy chỉ là cách giải quyết vấn đề theo kiểu tìm chỗ để đẩy trách nhiệm, giải quyết chuyện tiểu tiết, trong khi cái cần làm là thay đổi nền tảng, thay đổi bản chất của của nền bóng đá, thay đổi chiến lượt để phát triển giải quốc nội, cải thiện chất lượng con người thì chưa hề thấy ai làm đến nơi đến chốn.

Bóng đá Việt Nam suy yếu từ nền tảng cũng vì chỗ đấy. Cơ quan điều hành nền bóng đá có quá nhiều người chỉ lo giải quyết sự vụ, chỉ lo mấy chuyện tiểu tiết, chỉ lo tìm chỗ và tìm người đùn đẩy trách nhiệm nhằm đối phó với dư luận, mà thiếu hẳn những nhân vật đủ sức vạch ra những chiến lược để thay đổi diện mạo nền bóng đá.

Những người điều hành nền bóng đá hình như ít chịu nhìn lại giải quốc nội của chúng ta như thế nào, chúng ta đang điều hành V-League ra sao, có hấp dẫn và giàu tính cạnh tranh về mặt thực chất hay không, hay chỉ tổ chức theo dạng mong cho giải “đi đến nơi, về đến chốn”?

 

HLV Miura đang hứng chịu chỉ trích sau trận thua đậm Thái Lan - Ảnh: Gia Hưng
HLV Miura đang hứng chịu chỉ trích sau trận thua đậm Thái Lan - Ảnh: Gia Hưng

 

Chúng ta luôn bảo chúng ta có tiềm lực lớn đến phát triển nền bóng đá, nhưng thực chất chúng ta có bao nhiêu CLB chuyên nghiệp thực thụ, bao nhiêu lò đào tạo, và bao nhiêu sản phẩm cầu thủ trẻ ra lò mỗi năm? – để so với chính Thái Lan.

Có tiềm lực lớn mà không biết cách phát triển tiềm lực ấy, rồi để kém người láng giềng về mặt nền tảng thì đấy là lỗi của ai? Đấy chắc chắn không phải lỗi của ông Miura và nếu có thay ông Miura bằng người khác cũng chưa chắc giải quyết được vấn đề từ gốc!

Thành ra nói chuyện thay hay không thay HLV Miura như cách một vài vị ở bộ máy điều hành nền bóng đá đang suy nghĩ đến chỉ là việc phụ, nói chuyện “quân anh – quân tôi” ở đội tuyển thì càng nhỏ nhặt. Mà vấn đề chính phải là chiến lược, phải là phương pháp.

“Đánh” một mình ông Miura thì dễ, thay đổi nền tảng, thay đổi chất lượng giải quốc nội và thay đổi chất lượng đào tạo, chất lượng con người mới là khó, mới là điều nên làm từ chính định hướng của những người đang có trách nhiệm cầm lái con tàu bóng đá Việt Nam.

Trọng Vũ