Đức, Bỉ, Uruguay: Lời chia tay của một thế hệ hay dấu hiệu thoái trào?

Trọng Vũ

(Dân trí) - Đức và Uruguay là các cựu vô địch thế giới, với tổng cộng 6 lần nâng cúp, Bỉ có thời gian dài đứng đầu bảng xếp hạng FIFA, nhưng điểm chung của họ là vừa phải chia tay World Cup trong cay đắng.

Nói bóng đá Đức thoái trào có lẽ hơi cường điệu, bởi Đức vẫn còn những tài năng cực kỳ hứa hẹn. Đáng kể nhất trong đó là tiền vệ Jamal Musiala, cùng 2 tài năng đã được kiểm chứng gồm tiền vệ Joshua Kimmich và tiền đạo Leroy Sane.

Giải Bundesliga của nước Đức vẫn là giải đấu hàng đầu thế giới, cả về chất lượng chuyên môn, năng lực tài chính, thương mại, lẫn sức cạnh tranh với nhóm các giải hàng đầu khác (Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha).

Đức, Bỉ, Uruguay: Lời chia tay của một thế hệ hay dấu hiệu thoái trào? - 1

2 kỳ World Cup liên tiếp Đức bị loại ngay vòng bảng, đều vì những thua trước các đội châu Á (Ảnh: AP).

Tuy nhiên, so với thời vô địch World Cup năm 2014, lực lượng của tuyển Đức hiện nay đang có rất nhiều vấn đề. Những ngôi sao cũ gồm thủ môn Manuel Neuer, chân sút Thomas Muller đã qua thời đỉnh cao, các ngôi sao từng rất được kỳ vọng như các trung vệ Rudiger, Sule, tiền vệ Goretzka gây thất vọng lớn.

So với những cầu thủ từng chơi cùng vị trí như Matt Hummels và Toni Kroos, những gương mặt vừa nêu vẫn còn... thua xa.

Hai kỳ World Cup liên tiếp, Đức bị loại ngay vòng bảng, thua ê chề 2 đội châu Á Hàn Quốc (World Cup 2018) và Nhật Bản (2022). Xen giữa các VCK World Cup đấy là kỳ Euro 2020 cũng không có gì nổi bật: Thua tuyển Anh (đội thường xuyên thua Đức ở các giải đấu lớn) 0-2 ngay vòng 1/8.

Đức, Bỉ, Uruguay: Lời chia tay của một thế hệ hay dấu hiệu thoái trào? - 2

Những giọt nước mắt của Luis Suarez (Uruguay) gây ám ảnh cả thế giới (Ảnh: AP).

Nhìn lại quá khứ, hiếm khi đội Đức trải qua nhiều kỳ giải lớn gây thất vọng như thế. Sau khi vô địch Euro 1972, Đức vô địch tiếp World Cup 1974, vào chung kết Euro 1976, sau đó lại vô địch Euro 1980, vào chung kết World Cup 1982, 1986, vô địch World Cup 1990, vào chung kết Euro 1992, vô địch Euro 1996, vào chung kết World Cup 2002, Euro 2008, hạng ba World Cup 2006, 2010, vô địch World Cup 2014.

Không có bất kỳ đội bóng nào trong suốt lịch sử bóng đá thế giới, kể cả các siêu cường Brazil, Italy, Argentina có tần suất vào sâu và vô địch các giải đấu lớn nhiều như Đức từ năm 2014 trở về trước.

Lực lượng không đồng đều, "tre già, măng chưa kịp mọc" là một vấn đề, vấn đề khác là lối chơi của Đức hiện cũng không theo kịp tốc độ phát triển nhân lực. Họ muốn chơi kỹ thuật như Tây Ban Nha, nhưng cầu thủ của họ vẫn chưa đạt đến tầm mức kỹ thuật như người La-tinh.

Đức, Bỉ, Uruguay: Lời chia tay của một thế hệ hay dấu hiệu thoái trào? - 3

Tuyển Bỉ lặng lẽ lùi vào hậu cảnh sau nhiều năm là số một trên bảng xếp hạng FIFA (Ảnh: AP).

Với Uruguay và Bỉ, thất bại của họ ở kỳ World Cup năm nay có lẽ phần nào được dự báo trước. Đội hình già nua của tuyển Bỉ vốn đã bị các đối thủ bắt bài từ vài năm qua. Khác với Đức, khâu đào tạo của bóng đá Bỉ không tốt bằng.

Thế hệ vàng của đội tuyển Bỉ vài năm gần đây chủ yếu là nguồn cầu thủ được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Do đó, khi dàn cầu thủ này qua thời đỉnh cao, bóng đá Bỉ không đủ nội lực để ngay lập tức thay đổi lực lượng.

Uruguay cũng tương tự, 2 siêu tiền đạo Luis Suarez và Edinson Cavani đã già. Giống như thời hậu Enzo Francescoli khoảng 30 năm trước, bóng đá Uruguay không có ngay người thay thế.

Khác với những người láng giềng Brazil và Argentina, Uruguay nhỏ bé và ít dân hơn nhiều. Vì vậy, các thế hệ cầu thủ tài năng của họ xuất hiện gián đoạn chứ không liên tục như 2 siêu cường bóng đá Nam Mỹ vừa nêu.

Thế nên, chuyện của bóng đá Bỉ và Uruguay có thể buồn hơn chuyện của bóng đá Đức. Bỉ và Uruguay sau khi đi xuống ở World Cup 2022, chưa chắc có thể ngay lập tức trở lại nhóm đầu thế giới trong tương lai gần.

Đức, Bỉ, Uruguay: Lời chia tay của một thế hệ hay dấu hiệu thoái trào? - 4

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm