Doping giá “bèo”
Chỉ cần vài nghìn đồng, bất cứ ai cũng có thể mua 5-6 viên thuốc bị cấm sử dụng trong thể thao mà chẳng cần đơn thuốc. Là thuốc chữa bệnh thông thường nhưng khi bị sử dụng thường xuyên, những viên thuốc giá “bèo” này sẽ có tác dụng như doping.
Tại SEA Games 22, theo kết quả xét nghiệm, trong mẫu nước tiểu của Phạm Thị Dịu có chứa chất mentadirnone, Phạm Toàn Thắng có testosteron, Nguyễn Mai Quỳnh và Hoàng Hồng Anh đều có stanozoron, là những dạng doping bị cấm. Gần 2 năm trôi qua, con đường những loại thuốc này tới được tay VĐV vẫn được cho là vô tình.
Nhưng có một sự thật là chỉ cần vài nghìn đồng là ai cũng có thể mua được cả chục viên tương tự các dạng trên mà chẳng cần đơn thuốc. So với các loại thuốc bổ được Việt Nam dùng hiện nay, giá cả của chúng rẻ quá mức.
Các loại thuốc bổ từng được Việt Nam dùng như cao tụ đường (Thuỵ Điển), tinhwei (Trung Quốc), khangthai (Mỹ) có giá khoảng 40.000 đồng tới 60.000 đồng/ngày cho một VĐV. Để chuẩn bị cho SEA Games 2003, Việt Nam chi khoảng trên 2 tỷ đồng để mua thuốc bổ. Nếu đem so với những loại thuốc trên, những loại thuốc bổ này vừa đắt lại chẳng tác dụng nhanh như doping giá rẻ trên.
Đây là những viên thuốc uống thông thường nhưng khi cố tình sử dụng thường xuyên, chúng có thể trở thành doping. Ngay như thuốc cảm thông thường như Ephedrine, nếu dùng thường xuyên cũng có thể tăng khả năng hấp thụ oxy. Điều này sẽ dẫn tới nghi ngờ VĐV vô tình mắc phải các loại thuốc bị cấm. Tuy nhiên, theo PGS Lê Quý Phượng, Phó Viện trưởng Viện KHTDTT, không ai dám tự tiện uống thuốc nếu không có sự cho phép của bác sĩ đội hoặc HLV.
Nhưng tới khi xảy ra chuyện, các HLV, bác sĩ đều khăng khăng cho rằng mình làm đúng, bao nhiêu thiệt thòi, VĐV đành gánh hết. Cả nỗi ê chề, cả tác hại khủng khiếp của doping. Ngay cả một loại thuốc doping giá đắt cắt cổ như EPO có tác dụng tăng hồng cầu giá tới 300-400 USD cho một mũi tiêm, vẫn có thể gây ra tắc nghẽn mạch máu dẫn tới nhồi máu cơ tim... Còn các loại doping rẻ tiền trên thậm chí có thể dẫn tới tình trạng thay đổi giới tính (mọc râu ở nữ).
Thiệt hại về sức khoẻ, tinh thần, tác hại của doping đối với đời VĐV đâu phải chưa thấy ngay trước mắt. Gần hai năm trôi qua, Mai Quỳnh bị cấm thi đấu vì phát hiện có doping tại SEA Games 2003. Những tưởng tới cuối năm nay, Quỳnh sẽ có cơ hội dự SEA Games tại Philippines. Nhưng án phạt lại chỉ kết thúc sau đại hội thể thao này vài ngày, nên Quỳnh vẫn chưa đủ điều kiện dự SEA Games. Hiện nay, Việt Nam vẫn đang cố sức xin giảm án cho Quỳnh. Chỉ vài ngày thôi nhưng cơ hội cũng thật mong manh.
Cùng chung cảnh với Quỳnh là Hoàng Hồng Anh. Theo HLV Nguyễn Văn Thắng, trong bốn "con gà nòi" của canoeing, Hồng Anh là "gà" xịn nhất. Nhưng tới giờ, Ban huấn luyện vẫn mờ mịt về khả năng Hồng Anh được dự SEA Games.
May mắn hơn, hai VĐV lặn Phạm Thị Dịu, Phạm Toàn Thắng được giảm án phạt nhưng cũng thật tiếc khi môn lặn không có trong chương trình thi đấu của SEA Games 23. Phí hoài 2 năm ngồi không, những kình ngư tài năng "cứ xuống nước là có vàng" ấy phải chờ ít nhất thêm 2 năm nữa mới có cơ hội lấy lại niềm tin của người hâm mộ bằng những tấm HC vàng SEA Games mà họ từng bị tước.
Theo Tuệ Anh - Ngoisao