1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

“Đội tuyển nữ được cọ xát ở sân chơi thế giới không phải là sự lãng phí”

(Dân trí) - Trước ý kiến cho rằng việc đội tuyển nữ Việt Nam tham dự vòng loại thứ 3 Olympic Rio 2106 là lãng phí, trưởng đoàn Dương Vũ Lâm cật lực bác bỏ ý kiến này. Theo ông Lâm, nếu ngại lãng phí mà không dám vươn ra sân chơi lớn thì chúng ta sẽ mãi quanh quẩn trong “ao làng”.

Giải đấu bổ ích

Ngay trong thời điểm đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam tham dự vòng loại thứ 3 Olympic Rio 2016, đã có ý kiến cho rằng chúng ta đá giải này là lãng phí, ông đánh giá về ý kiến này như thế nào, thưa ông?

Tôi không hiểu tại sao người ta lại đưa ra những lập luận như thế, đội không phấn đấu để đi xa ở những sân chơi mà đội tham dự thì người ta nói năng lực kém, thiếu quyết tâm, nhưng sau khi phấn đấu lọt vào đến giai đoạn này thì có người lại nói là lãng phí. Tôi nói thật, nếu không mạnh dạn phấn đấu để hiện diện ở các sân chơi lớn, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ quanh quẩn ở ao làng. Nên nhớ rằng Việt Nam là đội bóng duy nhất tiến xa như thế ở các giai đoạn vòng loại, trong khi 5 đội kia gồm Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên đều đã có mặt tại đấy từ trước đó.

Đội tuyển nữ Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn thi đấu kiên cường tại vòng loại Olympic
Đội tuyển nữ Việt Nam gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn thi đấu kiên cường tại vòng loại Olympic

Thử hỏi, ngay cả khi bỏ tiền mời họ đá giao hữu, chúng ta có đá giao hữu cùng một lúc với chừng đó đội mạnh hay không? Chưa kể tính chất của một trận đấu giao hữu khác xa một giải đấu chính thức, các đội bóng ấy có sử dụng lực lượng mạnh nhất, đá hết sức với chúng ta giống như đá ở vòng loại Olympic vừa qua hay không!

Nhưng kết quả toàn thua ở vòng loại thứ 3 khiến nhiều khán giả ở nhà có thể buồn?

Chúng ta yếu thì chúng ta chịu, nhưng không lẽ cứ hễ yếu là chỉ mãi quanh quẩn đá với các đội yếu như mình? Thật ra thì ngay ở giải vừa rồi, chúng ta có những trận đấu rất tốt, ví như trận thua sát nút 0-1 trước CHDCND Triều Tiên. Trận đấy, chúng ta thua bàn khi trận đấu chỉ còn khoảng 40 giây. Nếu trận đấy mà hòa được với đội đương kim vô địch Asiad, cái nhìn của mọi người vào đội tuyển có thể đã khác.

Rồi cũng đừng quên rằng trong số các đối thủ của chúng ta, Nhật Bản từng vô địch thế giới năm 2011, Á quân Olympic 2012, Trung Quốc cũng từng là Á quân cả World Cup lẫn Olympic, còn Australia được đánh giá là ứng cử viên vô địch cho Olympic Rio 2016. Thua những đội có trình độ hàng đầu thế giới, có tầm vóc như thế có gì là đáng xấu hổ!

Cải thiện chất lượng giải quốc nội

Chúng ta kém các đối thủ về những mặt nào, thưa ông?

Khó khăn về chuyên môn thì có lẽ không cần phải nhắc lại, chúng ta kém đối thủ nhiều thứ lắm, từ thể hình, kỹ thuật, đến tố chất của các cầu thủ. Đấy đều là những mặt mà chúng ta phải đầu tư để cải thiện. Nhưng các đối thủ cũng phục chúng ta ở chỗ cầu thủ của ta nhỏ mà đá lăn xả. Các đội bóng khác đặc biệt phục tiền đạo Huỳnh Như và thủ môn Kiều Trinh. Kiều Trinh từng là cầu thủ hay nhất Đông Nam Á, mỗi trận cứu thua hàng chục tình huống. Còn Huỳnh Như sút tung lưới nhà cựu vô địch thế giới Nhật Bản, khiến khán giả Nhật Bản phải giật mình.

Riêng những khó khăn ngoài chuyên môn thì sao?

Đội tuyển phải tiết kiệm tối đa để tránh lãng phí. Ví dụ như đội không có thông dịch viên, để tiết kiệm chúng tôi buộc phải cắt bớt suất này, thay vào đó tôi phải kiêm luôn nhiệm vụ phiên dịch cho cả đoàn. Rồi chuyện giặt giũ cho các cầu thủ, chúng tôi đâu dám giặt đồ ở khách sạn vì sợ đắt (khoảng 100 triệu đồng cho toàn giải), toàn phải cử 1 người mang đồ đi giặt ở máy tự động với giá chỉ bằng 1/5 lần so với giá của khách sạn. Tôi nói với chị em thôi đừng để ý đến những việc thuộc về hậu cần, cứ tập trung mà đá, cũng đừng để ý đến chế độ của các đội bóng khác, mình nghèo thì liệu cơm gắp mắm. Với chừng ấy chuyện mà đội tuyển vẫn chơi lăn xả thì đáng quý lắm!

Theo ông, chúng ta cần làm gì để nâng chất bóng đá nữ Việt Nam?

Cải thiện chất lượng giải quốc nội vẫn là khâu quan trọng nhất, vì giải quốc nội mạnh mới sản sinh ra một đội tuyển mạnh. Như ở Nhật, họ có giải vô địch quốc gia có tính cạnh tranh cao, có lên – xuống hạng nên trình độ của bóng đá nữ Nhật cao. Dĩ nhiên, cầu thủ nữ Việt Nam cũng cần có tầm vóc tốt hơn. Tuy nhiên, để thực hiện được những việc này thì chúng ta cần có sự đầu tư tốt, cải thiện thu nhập cho người gắn bó với bóng đá nữ, để thu hút các tài năng đến với bóng đá nữ.

Xin cảm ơn ông!

Trọng Vũ (thực hiện)

“Đội tuyển nữ được cọ xát ở sân chơi thế giới không phải là sự lãng phí” - 2