1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Đối thủ mạnh lên hay đội tuyển Việt Nam yếu đi?

(Dân trí) - Đấy là vấn đề mà có lẽ rất nhiều người đang thắc mắc khi nhìn vào sự trầy trật của đội tuyển Việt Nam, trong 2 trận đấu thuộc vòng loại World Cup 2018 – khu vực châu Á, với Thái Lan và Đài Loan (Trung Quốc).

Đầu tiên, phải nói rằng bóng đá Thái Lan đang mạnh lên thấy rõ. Trình độ của bóng đá Thái Lan bây giờ có thể nói đang dần tiếp cận trình độ của các đội bóng hàng đầu châu lục. Bằng chứng là các đại diện của bóng đá Thái Lan từ đội tuyển U23 cho đến đội tuyển quốc gia của họ có thể đá ngang ngửa với Hàn Quốc, Triều Tiên, Iraq (vô địch châu Á năm 2007).

Thành ra, chuyện Thái Lan có thể đàng hoàng tranh ngôi đầu bảng với Iraq, đàng hoàng cạnh tranh với mọi đội bóng ở châu Á không còn là chuyện lạ. Và đá với một đối thủ như thế chưa bao giờ là dễ dàng, sắp tới cũng không dễ dàng cho đội tuyển Việt Nam.

Với Đài Loan (Trung Quốc), đội bóng này có thể có tiến bộ như HLV Miura nhận định về họ, hoặc gây bất ngờ cho đội tuyển Việt Nam – như nhận xét của các HLV Phan Thanh Hùng và Nguyễn Thành Vinh.

 

dtvn2-10-9-15-1441896141685
Đội tuyển Việt Nam còn nhiều vấn đề cần giải quyết (ảnh: Gia Hưng)

 

Đấy có lẽ không còn là một đội tuyển Đài Loan mà chúng ta thắng rất dễ cách nay ít năm. Tuy nhiên, rất khó nói ở chỗ ta không thắng dễ họ, hoặc không còn trên chân hoàn toàn khi đá với họ chủ yếu hay họ tiến bộ rất nhanh, hoặc đội tuyển Việt Nam có dấu hiệu chững lại?

Tiến bộ là điều mà mọi đội bóng trên thế giới đều hướng tới, vấn đề là trong khi đối thủ tiến bộ, thì chúng ta đang làm gì?

Bóng đá Việt Nam vài năm trở lại đây đối diện với cảnh thiếu hụt nhân tài, nguồn cầu thủ không còn dồi dào như trước. Như HLV Nguyễn Thành Vinh nhận xét, bóng đá nội hiện khan hiếm dạng tiền vệ có khả năng tổ chức, đủ sức tung ra những đường chuyền loại toàn bộ hàng phòng ngự đối phương như Minh Phương, hay trước nữa là Hồng Sơn từng có thể làm được.

Cầu thủ Việt Nam trong vài năm gần đây cũng không còn được đánh giá cao về mặt kỹ thuật như thế hệ vàng của Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hoàng Bửu, Đỗ Khải, Công Minh… hoặc sau đó là thế hệ vô địch AFF Cup 2008 của những Như Thành, Phước Tứ, Quang Thanh, Tài Em… từng có được.

Hoặc giả, một số cầu thủ hiếm hoi giỏi về khả năng cầm bóng, giỏi tổ chức và có kỹ thuật, có khả năng kiểm soát bóng trong không gian hẹp, trước hàng thủ dày đặc còn sót lại trong bóng đá nội như Tấn Tài, hay Tuấn Anh chưa được góp mặt ở đội tuyển vì lý do khác nhau.

Đấy hoàn toàn là những vấn đề mang tính chủ quan xuất phát từ nội tại nền bóng đá, chứ chẳng liên quan gì đến chuyện đối thủ tiến bộ đến đâu. Vấn đề khác là lối chơi của đội tuyển trong các trận đấu gần đây có thể chưa phù hợp. Đấy cũng là vấn đề hoàn toàn chủ quan xuất phát từ chính chúng ta, khiến đội bóng chưa có được sự nhuần nhuyễn như ý, chưa có cách tấn công như mong muốn.

Thành ra, trước khi bàn đến chuyện đối thủ, việc trước mắt là giải quyết ngay những vấn đề mang tính chủ quan xuất phát từ đội tuyển, để đội bóng trong tay HLV Miura có được lối chơi như ý.

Bằng ngược lại, nếu không thể giải quyết được vấn đề của chính chúng ta, thì quả là đội tuyển Việt Nam rất khó đá, và cũng chưa vội bàn đến đối thủ làm gì!

Kim Điền

 

logobanthethao-840e5