1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

“Đôi cánh” của ông Riedl

(Dân trí) - Mặc dù vẫn còn những vướng mắc về nhân sự, nhưng qua 3 buổi tập dễ thấy lối chơi của ĐT đã được định hình rõ rệt: tấn công biên sẽ vẫn là “bài tủ” mà HLV Riedl cho áp dụng. Chiến lược gia người Áo sẽ lại tìm kiếm vinh quang trên “đôi cánh” mới của mình?

Sau nhiều năm gắn bó với VN, ngoài cái HCV ở một giải chính thức, có lẽ ông Riedl cũng đã nếm đủ những đắng cay ngọt bùi cùng với một nền BĐ trong thời kỳ quá độ. Những lời bấc tiếng chì, những thành công thất bại ông đều đã trải qua.

 

Sau tất cả, ông đã để lại một dấu ấn khá đậm nét trong lối chơi của ĐT VN, mà có lẽ rõ ràng nhất là vai trò chiến lược của cặp tiền vệ cánh cùng lối chơi giãn biên quen thuộc.

 

Hầu như cứ mỗi năm, ông “Tây Việt” này đều phát hiện ra cho bóng đá VN một đôi cánh mới, hoặc ít nhất cũng gây dựng nên một cặp cánh đáng gờm từ việc “làm mới” những nhân tố đã cũ.

 

Một điều kỳ lạ là sau Riedl, những HLV khác đều không thể tìm được thành công khi không còn được nâng lên bởi những “đôi cánh” mới. Letard và Edson Dido đến và đi như những nỗi ám ảnh, họ để lại cho BĐ VN những điều tiếng và những dự định siêu tưởng hơn là những thành công.

 

Ngay cả Collin Murphy, kẻ sùng đạo của tôn giáo “kick and run” (đá và chạy) truyền thống của xứ sở sương mù cũng không thể mang lại một màu sắc mới mẻ.

 

Tiger Cup 98, với “đôi cánh” mang “thương hiệu” Thể Công là Quang Hà và Việt Hoàng, Riedl đã dẫn dắt đội áo đỏ đến trận thắng để đời 3-0 trước ông vua ĐNÁ Thái Lan.

 

Lúc đó, mặc dù linh hồn tuyến giữa vẫn là Sơn “công chúa”, nhưng mọi đợt tấn công của ĐT VN đều dàn về 2 cánh, nơi mà Quang Hà và Việt Hoàng luôn có được sự hỗ trợ đắc lực của Công Minh và Anh Tuấn.

 

Mặc dù sau đó cả nước đã ngậm ngùi nhìn người Singapore đăng quang với “cái lưng của chúa” của Sashikuma, nhưng không thể phủ nhận BĐ VN đã trở lại với “đôi cánh” đáng  sợ của mình.

 

5 năm sau, một lần nữa ông Riedl lại phải nuốt nước mắt nhìn người Thái đăng quang trên “quê hương thứ 2” của mình. Một trận thua tức tưởi khiến người ta gắn cho ông cái hiệu “vua về nhì”.

 

Nhưng không thể phủ nhận ông Riedl đã phát hiện cho bóng đá VN một lớp tài năng mới, trong đó nổi bật là “đôi cánh” Thanh Phương và Tài Em. Sự thua sút về hình thể đã được Thanh Phương bổ khuyết bằng một lối chơi khéo léo và cần cù. Còn Tài Em đã lần đầu tiên trình làng một mẫu tiền vệ cánh đĩnh đạc và giàu con mắt chiến thuật.

 

Đằng sau lưng họ cũng là 2 nhân tố hoàn toàn mới nhưng đầy hứa hẹn: Minh Phương và Văn Trương. Trong khi Minh Phương đã khiến người hâm mộ trầm trồ so sánh với Công Minh thì đối với Văn Trương, khó có thể mong đợi nhiều hơn ở một cầu thủ 19 tuổi.

 

VN để mất cơ hội vàng, nhưng phải cảm ơn Riedl vì những gì ông đã làm trong việc tìm tòi và xây dựng nên những hi vọng mới cho BĐ VN. Thậm chí, nhiều người đã khẳng định đó sẽ là thế hệ vàng thứ 2 của BĐ nước nhà.

 

2 năm sau, năm 2005, một lần nữa con mắt tinh đời của Alfred đã đưa Tấn Tài ra khỏi những ngày đen tối (sau vụ Tài van xin được rời tuyển ít tháng trước đó) để giới thiệu với khán giả VN một tiền vệ cánh phải đầy đủ những tố chất của một tài năng.

 

Không kém phần ấn tượng, “diễn viên đóng thế” Quốc Anh cũng đã trở thành một mắt xích không thể thiếu trong lối chơi tấn công biên của U23 VN. Lối chơi khéo léo, trẻ trung và quyết liệt chính là điểm mạnh của bộ đôi này.

 

Vào thời điểm đó, không ngoa khi nói rằng đó là 2 tài năng trẻ triển vọng nhất của BĐ VN.

 

Nay, những vụ tiêu cực nhớp nhúa và những án kỷ luật thích đáng đã tước mất những nhân tố mà ông dày công tìm tòi và phát triển. Riedl đang phải xây dựng lại từ đầu, từ một nền móng rỗng tuyếch và những kỳ vọng lớn lao.

 

Một lần nữa, với bản chất “ăn ham chắc mặc ham bền” vốn dĩ, nay lại được gia cố thêm bởi “tính cách Việt”, ông Riedl lại quyết định bắt đầu từ “đôi cánh”.

 

Lần này, nửa trên của “đôi cánh” đó không phải là những cái tên mới mẻ. Bảo Khanh đã quá quen mặt với ĐT VN và đang thi đấu xuất sắc trong màu áo Thể Công, còn Vũ Phong cũng không còn xa lạ sau vài lần tập trung gần đây.

 

Có thể, với sự xuất hiện của Hồng Minh, Minh Phương sẽ được trả về với cánh phải sở trường, và trong trường hợp đó, “đôi cánh” của ông Riedl còn hứa hẹn sẽ mạnh mẽ hơn.

 

Niềm hi vọng của ông Riedl được đặt rất nhiều vào phần gốc của “đôi cánh”, nơi mà cặp hậu vệ trẻ của M.Nam Định là Văn Nhiên và Văn Biển đang được trao cơ hội. Văn Biển không phải là học trò mới của Alfred, nhưng hầu như “dưới trướng” ông, Biển chưa bao giờ có được cơ hội như lần này.

 

Đối với Văn Nhiên, đây sẽ là lần đầu tiên đáng nhớ, và cầu thủ thành Nam cũng chỉ có cách tiến lên để tiếp tục củng cố niềm tin của “thầy” Riedl, nếu không muốn bị “lính mới” Minh Thiện, và thậm chí là Minh Phương lấy mất chỗ.

 

Bất chấp những lời nặng tiếng nhẹ, ông Riedl vẫn bắt đầu công việc theo cách của mình. Hãy để cho ông là chính mình, vì ai cũng hiểu ông đang đứng trước canh bạc chót, canh bạc mà thành bại sẽ quyết định cái ghế của ông.

 

Hi vọng, cái duyên, cái tài với “đôi cánh” sẽ một lần nữa vực “con tàu đắm” mang tên ĐT VN trở lại với chính mình. Lúc đó, người hâm mộ sẽ một lần nữa nói lời cảm ơn ông, ông “Tây Việt”.

 

Hồng Kỹ