1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Điền kinh Việt Nam vẫn cử 1 VĐV dự giải Grand Prix châu Á

(Dân trí) - Sau khi xem xét tình trạng chấn thương của hai VĐV hàng đầu của Điền kinh Việt Nam là Vũ Thị Hương và Dương Thị Việt Anh, bộ môn quyết định để 2 VĐV này ở nhà. Như vậy, Việt Nam sẽ có duy nhất 1 VĐV tham dự là Đỗ Thị Thảo (800m nữ).

Đây là điều rất đáng tiếc bởi theo kế hoạch ban đầu, điền kinh Việt Nam lên kế hoạch tham dự giải với 6 vận động viên (VĐV). Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, Liên đoàn điền kinh quyết định cắt giảm một nửa. Sau đó, 2 VĐV Vũ Thị Hương và Dương Thị Việt Anh cũng không nằm trong kế hoạch tham dự giải.
 
Đỗ Thị Thảo là VĐV Việt Nam duy nhất dự giải châu Á

Đỗ Thị Thảo là VĐV Việt Nam duy nhất dự giải châu Á

Sáng qua (2/5), Đội tuyển điền kinh Việt Nam gồm HLV Hồ Thị Từ Tâm và VĐV Đỗ Thị Thảo đã xuất phát từ TP Hồ Chí Minh sang Thái Lan dự giải điền kinh Grand Prix châu Á 2013. Giải Điền kinh Grand Prix châu Á năm nay vẫn được chia thành 3 chặng. Thái Lan đã đứng ra đăng cai 2 chặng ở Bangkok ngày 4/5 và ở Chonburi ngày 8/5. Còn chặng 3 được tổ chức ở Colombo – Sri Lanka, sẽ diễn ra vào ngày 12/5.

Đỗ Thị Thảo là VĐV không được đánh giá cao so với các VĐV đàn chị như Vũ Thị Hương hay Trương Thanh Hằng. VĐV người Sơn La có tấm HCĐ đầu tiên tại SEA Games 25. Tại SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia, Đỗ Thị Thảo đã giành HCB. Có bước tiến đáng kể, nhưng giới chuyên môn đánh giá VĐV duy nhất của Việt Nam khó làm nên chuyện tại Grand Prix châu Á năm nay. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội để Đỗ Thị Thảo học hỏi, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm chuẩn bị cho SEA Games 27, diễn ra tại Myanmar cuối năm nay.

Liên quan đến vụ việc rắc rối trong lần cử VĐV tham dự Grand Prix châu Á, cả Liên đoàn điền kinh và bộ môn dường như không nhận trách nhiệm. Theo tính toán của bộ môn, với việc không cử 2 VĐV và 1 HLV tham dự giải, sẽ tiết kiệm chi phí được khoảng 5.000 USD. Vì thế, điền kinh Việt Nam sẵn sàng chấp nhận án phạt từ Hiệp hội điền kinh châu Á (dự kiến phạt khoảng 3.000 USD).

Phía Liên đoàn điền kinh cho rằng, lý do thiếu kinh phí bộ môn đưa ra là không thuyết phục. Việc tham dự Grand Prix châu Á là cơ hội để các VĐV chuẩn bị cho SEA Games 27. Đó là chưa kể, việc không cử VĐV tham dự như kế hoạch, sẽ làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của điền kinh Việt Nam.

Phó Tổng thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, sau khi Hiệp hội điền kinh châu Á có thư mời đích danh sáu VĐV, nhưng hiện nay chỉ còn một người, như vậy là không tôn trọng BTC giải. Cũng theo ông Hùng, Liên đoàn chỉ có trách nhiệm giới thiệu VĐV, còn quyết định triệu tập, cho ai tham dự là do Bộ môn

Tuy nhiên, Trưởng Bộ môn Điền kinh (Tổng cục TDTT) Dương Đức Thủy lại cho rằng quyết định triệu tập đúng là do bộ môn chịu trách nhiệm, nhưng việc VĐV bị chấn thương là bất khả kháng. Hơn nữa, nếu cử VĐV như dự kiến, nếu bị chấn thương không tham dự được SEA Games 27 thì ai chịu trách nhiệm?

Rõ ràng là đã có “độ vênh” rất lớn trong công tác quản lý, có sự mâu thuẫn lớn giữa Liên đoàn và bộ môn. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Liên đoàn và bộ môn điền kinh thể hiện sự đấu đá nhau như vậy.

An An