1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Điền kinh Việt Nam trắng tay ở Asiad 19: Nhìn thẳng vào sự thật

An An

(Dân trí) - Sau ba kỳ Asiad đều giành được huy chương, thậm chí là 2 huy chương vàng ở Indonesia năm 2018, nhưng lần này điền kinh Việt Nam rơi vào cảnh trắng tay ở Hàng Châu (Trung Quốc).

Tại Asiad 19 ở Hàng Châu (Trung Quốc), tuyển điền kinh Việt Nam tham dự với 12 tuyển thủ, đặt mục tiêu có huy chương. Những niềm hy vọng của điền kinh Việt Nam được đặt vào Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thị Huyền, tổ tiếp sức nữ 4x400 nữ...

Tuy nhiên, hầu hết các vận động viên (VĐV) Việt Nam đều đạt thông số thấp, nếu không muốn nói là kém nhất từ trước tới nay. Dẫu biết rằng Asiad là sân chơi đẳng cấp cao số một châu lục, nhưng việc các tuyển thủ điền kinh Việt Nam không vượt qua chính mình là điều phải có sự đánh giá, xem xét.

Điền kinh Việt Nam trắng tay ở Asiad 19: Nhìn thẳng vào sự thật - 1

Nguyễn Thị Oanh thi đấu không thành công ở Asiad 19 (Ảnh: Bùi Lượng).

Trên đường chạy 1.500m nữ, Nguyễn Thị Oanh chỉ đạt thông số 4 phút 24 giây 19 giây, kém tới gần 8 giây so với kỳ Asiad trước (4 phút 15 giây 49), đứng thứ 7 ở chung kết. Thành tích này kém nhất trong sự nghiệp của nhà vô địch SEA Games.

Còn ở nội dung sở trường 3.000m nữ vượt chướng ngại vật, Oanh về đích với thành tích 9 phút 57 giây 13. Đây là thông số tốt nhất năm, nhưng cũng kém xa tấm huy chương đồng mà cô đạt được tại Asiad 18 và kém người giành huy chương vàng ở Asiad 19 tới gần 40 giây.

Tại nội dung tiếp sức 4x400m nữ, 4 chân chạy đang là đương kim vô địch châu Á gồm Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh về đích với thành tích 3 phút 31 giây 61, chỉ đứng thứ 4 chung cuộc.

Trước đó, hồi tháng 7/2023, tổ tiếp sức 4 vận động viên này đã giành huy chương vàng tại giải vô địch châu Á với thành tích 3 phút 33 giây 05.

Ở nội dung nhảy xa, VĐV Bùi Thị Thu Thảo chỉ xếp thứ 8 với thành tích 6,09m. Tại kỳ Asiad 2018, Thu Thảo đoạt huy chương vàng với thông số 6,55m. Thành tích của Thảo cũng sớm được dự báo, khi VĐV quê Ba Vì (Hà Nội) không còn ở thời đỉnh cao.

Điền kinh Việt Nam trắng tay ở Asiad 19: Nhìn thẳng vào sự thật - 2
Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh xếp hạng 4 dù vừa giành HCV châu Á (Ảnh Bùi Lượng).

Ở nội dung 400m rào nữ, Nguyễn Thị Huyền đạt thành tích 58 giây 49, không vào chung kết. Trước đó ở SEA Games 32 hồi tháng 5, cô giành huy chương vàng với thông số 56 giây 29.

Từng đứng đầu SEA Games và ở kỳ Đại hội Đông Nam Á gần nhất xếp thứ 2 sau Thái Lan, nhưng điền kinh Việt Nam không giành được huy chương nào ở Asiad 19.

Nhìn sang các quốc gia khu vực, Singapore có chân chạy nước rút Shanti Veronica giành huy chương vàng 200m và huy chương bạc 100m nữ; Thái Lan có 2 huy chương bạc 100m nam và 4x100m tiếp sức nữ; Malaysia có 3 huy chương đồng ở nội dung 100m nữ, 4x100m tiếp sức nữ và 400m nữ; Philippines thậm chí có 1 huy chương vàng nhảy sào nam của Ernest Obiena.

Phụ trách bộ môn điền kinh (Cục Thể dục Thể thao), kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn điền kinh Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện tại điền kinh Việt Nam chưa có VĐV nào thực sự đủ khả năng thống trị sân chơi châu lục. 

Duy nhất có nội dung tiếp sức 4x400m nữ là có thành tích ở gần nhất với huy chương, nhưng về đích ở vị trí thứ 4 dù cải thiện được thành tích so với tấm huy chương vàng châu Á 2023.

Điền kinh Việt Nam trắng tay ở Asiad 19: Nhìn thẳng vào sự thật - 3

Điền kinh Việt Nam có rất ít điểm sáng ở Asiad 19 (Ảnh: Bùi Lượng).

Ngoài nguyên nhân không có nhân tố nổi bật có trình độ tầm châu lục, thành tích của điền kinh Việt Nam chịu rất nhiều thiệt thòi bởi xu hướng nhập tịch VĐV của các nước, điển hình là Bahrain.

Ông Dương Đức Thủy, nguyên Trưởng bộ môn điền kinh (Cục Thể dục Thể thao) cho biết mình không bất ngờ khi chứng kiến tuyển điền kinh Việt Nam thất bại ở Asiad 19.

Ông Thủy cho rằng điền kinh Việt Nam dù có nhiều HCV ở đấu trường SEA Games nhưng những thông số đạt được đều không có cửa cạnh tranh huy chương ở đấu trường Asiad. Ngoài ra, đến lúc này không có VĐV điền kinh nào của Việt Nam đạt chuẩn tham dự Olympic Paris 2024.

Ông Thủy ghi nhận nỗ lực tuyệt vời của các VĐV Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh… khi thi đấu ở các giải quốc tế, nhưng các VĐV đã bị vắt sức ở đấu trường SEA Games, phải tranh tài ở nhiều nội dung để đạt chỉ tiêu về thành tích, giúp đoàn thể thao Việt Nam đứng trong top đầu khu vực.

"Dĩ nhiên SEA Games vẫn không thể bỏ, nhưng chúng ta chỉ nên xem đây là sân chơi bước đệm cho thể thao Việt Nam tấn công đấu trường Asiad hay Olympic", ông Dương Đức Thủy nhấn mạnh khi trao đổi với Dân trí.

Điền kinh Việt Nam trắng tay ở Asiad 19: Nhìn thẳng vào sự thật - 4

Các VĐV Việt Nam thua thiệt về thể hình, thể lực và sự đầu tư so với các đối thủ (Ảnh: Quý Lượng).

Phân tích về thất bại của tuyển điền kinh Việt Nam ở Asiad 19, nguyên trưởng bộ môn điền kinh thẳng thắn cho biết nhiều VĐV trụ cột như Nguyễn Thị Huyền, Nguyễn Thị Oanh, Bùi Thị Thu Thảo… đã có tuổi, trong khi thế hệ kế cận chưa có ai nổi bật.

Điều đó cũng cho thấy một thực tế là hệ thống tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ của điền kinh Việt Nam đang có vấn đề.

Nhìn rộng ra, điền kinh Việt Nam không có chuyên gia nước ngoài, cơ sở vật chất đào tạo, trang thiết bị tập luyện lạc hậu, phòng gym, phòng đa chức năng, bể bơi, hồi phục, dinh dưỡng đều thiếu hoặc không có. Với điều kiện như vậy, để đào tạo một VĐV đạt tới tầm tranh chấp huy chương ở Asiad là cực khó.

Trong khi đó, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao (Tổng cục Thể dục Thể thao, nay là Cục Thể dục Thể thao), ông Nguyễn Hồng Minh cũng chia sẻ cùng Dân trí: "Giải pháp cốt yếu là phải tạo đột phá trong việc tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ.

Qua đó có đầu tư chuyên biệt từ dinh dưỡng đến tập huấn, thi đấu cọ xát các giải đấu quốc tế mới giúp các VĐV đạt tới tầm châu lục, thế giới".

Điền kinh Việt Nam trắng tay ở Asiad 19: Nhìn thẳng vào sự thật - 5