1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Danh hiệu Quả bóng vàng phản ánh đúng thực trạng của bóng đá Việt Nam

(Dân trí) - Danh sách 5 đề cử và danh sách 3 gương mặt đoạt Quả bóng vàng (QBV), bạc và đồng năm nay phản ánh khá chính xác thực trạng của bóng đá Việt Nam hiện tại. Đấy là thực trạng “tre” đã già mà “măng” chưa kịp mọc.

Tính luôn 5 đề cử lọt vào vòng cuối cùng của danh hiệu QBV Việt Nam 2016, gồm Công Vinh, Thành Lương, Xuân Trường, Vũ Văn Thanh và Vũ Minh Tuấn, 2 người đã bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp, còn 2 người khác vẫn chưa ở vào “độ tuổi vàng” của cầu thủ bóng đá.

Thường thì độ tuổi đẹp nhất của cầu thủ bóng đá vào khoảng 25 – 28 tuổi. Đấy là độ tuổi vẫn còn sung sức và tràn đầy kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Trong danh sách đề cử 5 ứng viên rút gọn cho giải QBV Việt Nam 2016, Công Vinh đã 32, vừa tuyên bố giải nghệ, Thành Lương xấp xỉ ngưỡng băm, mới chia tay đội tuyển, coi như bắt đầu bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp. Ở chiều ngược lại, Vũ Văn Thanh và Lương Xuân Trường mới 20 – 21, chưa ở vào thời điểm phát triển rực rỡ nhất của sự nghiệp.

2 gương mặt giành bóng vàng và bóng bạc gồm Thành Lương và Xuân Trường một đã bắt đầu qua thời đỉnh cao, một chưa hội đủ các tố chất của cầu thủ lớn, càng phản ánh khoảng trống của bóng đá Việt Nam.

Thành Lương giành QBV 2016 cho dù anh chưa hẳn đã quá xuất sắc trong năm qua (ảnh: Trọng Vũ)
Thành Lương giành QBV 2016 cho dù anh chưa hẳn đã quá xuất sắc trong năm qua (ảnh: Trọng Vũ)

Tiếp sau thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2016, kết quả của danh hiệu QBV Việt Nam năm qua một lần nữa phản ánh rõ nét khoảng trống đấy. Chúng ta đang đối diện với thực trạng là “tre” đã già, nhưng “măng” chưa chín tới.

Giai đoạn chuyển giao thế hệ của bóng đá nội vì thế không trọn vẹn. Giữa 2 thế hệ của nhóm Công Vinh, Thành Lương, với thế hệ của Xuân Trường, Văn Thanh là lỗ hổng chưa thể bù đắp.

Chính lỗ hổng đấy khiến cho chúng ta thiếu ổn định tại AFF Cup 2016. Lẽ ra thế hệ của những Trọng Hoàng, Ngọc Hải, Hoàng Thịnh... phải làm bước đệm cho cuộc chuyển giao thế hệ kể trên.

Lẽ ra vai trò trụ cột của đội tuyển quốc gia vừa rồi phải nằm trong tay nhóm các cầu thủ vừa nêu, chứ không phải được giao cho một cầu thủ đã 32 tuổi, đã mất đi tốc độ (yếu tố tối cần thiết đối với mọi tiền đạo) như Công Vinh, hoặc cho những cầu thủ mà trách nhiệm “ông chủ của đội tuyển” vẫn đang là trách nhiệm quá sức đối với họ, nhưng Xuân Trường hay Văn Thanh.

Thành ra cũng mới có chuyện QBV năm nay được bầu theo tiêu chí “so bó đũa, chọn cột cờ”, chọn ra người nhỉnh hơn cả trong số những ứng viên, chứ công bằng mà nói, không có ứng viên nào thật sự xứng đáng với danh hiệu cầu thủ hay nhất Việt Nam trong năm.

Ví dụ như vị trí của Lương Xuân Trường, cầu thủ này chạm đến Quả bóng bạc chỉ bằng một đôi trận toả sáng tại AFF Cup 2016, dù cũng chưa trọn vẹn (bị phong toả trong 2 trận bán kết với Indonesia). Hay như Văn Thanh được bầu là cầu thủ trẻ hay nhất năm dù không có danh hiệu cụ thể nào (bóng đá là môn tập thể, thành tích cá nhân không thể tách rời thành tích tập thể).

Cũng giống như Xuân Trường, Văn Thanh nhận giải chỉ bằng một vài trận đấu tạo ấn tượng ở AFF Cup, chứ bảo cầu thủ của HA Gia Lai ổn định trong suốt năm thì chưa hẳn (HA Gia Lai của Văn Thanh còn suýt rớt hạng). Hiếm có khi nào giới cầu thủ trong nước chạm đến các danh hiệu cá nhân dễ dàng đến thế.

Nói thực trạng của bóng đá Việt Nam được phản ánh quá đúng thông qua danh hiệu Quả bóng vàng là vì thế. Đấy là thực trạng thiếu ổn định về nguồn cầu thủ, thiếu đồng bộ về sự phát triển các thế hệ cầu thủ trong vài năm qua.

Kim Điền

Danh hiệu Quả bóng vàng phản ánh đúng thực trạng của bóng đá Việt Nam - 2