Sự kiện & góc nhìn:
Đằng sau tấm Kỷ niệm chương
(Dân trí) - Tấm Kỷ niệm chương là hiện thân của sự ghi nhận những cống hiến của cả một đời con người. Chính vì vậy, những người được đính chiếc Kỷ niệm chương lên ngực chắc sẽ phải tự hào và xúc động lắm. Ấy vậy mà vẫn có những Kỷ niệm chương gợi lại những chương kỷ niệm buồn.
Đó là chuyện mới cách đây vài hôm, LĐBĐVN (VFF) đã xem xét các trường hợp có cống hiến (xin dùng đúng từ nguyên bản) hơn 10 năm cho tổ chức này để đề nghị LĐBĐ Châu Á (AFC) trao tặng kỷ niệm chương của LĐ Châu lục.
Trong danh sách đề cử, ngoài “tượng đài” Ngô Xuân Quýnh, Chủ tịch HĐ HLV QG Nguyễn Sỹ Hiển còn có tên của các ông Lê Thế Thọ và Vũ Hạng.
Cái công, và cả cái lỗi, của ông Thọ và ông Hạng đối với bóng đá VN khó có một tiêu chí nào để đo đếm cho thoả đáng, ngoài số năm làm việc với VFF là rõ ràng. Chuyện xét công, xét tội, nếu không phải là pháp luật ra tay, thì quả thật khó để phân định một cách rạch ròi.
Có lẽ cũng chẳng ai phản đối khi 2 con người lão làng này được nhận tấm kỷ niệm chương cao quý, nhưng ắt lắm người buồn. Buồn vì sau bao nhiêu thăng trầm trong cuộc đời làm bóng đá, sau những sự ra đi không mấy vinh quang, giờ đây mới lại có người nhắc đến 2 ông với 2 chữ Cống hiến.
Ông Hạng nguyên là Trưởng Ban thi đua khen thưởng của VFF khoá IV, từng là chuyên viên theo dõi mảng an ninh của VFF khoá V để phối hợp cung cấp hồ sơ cho cơ quan điều tra. Có thời, ông đã từng được ông Thọ, lúc dó còn là Phó CT VFF cất nhắc cho đi học lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ giám sát để làm nhiệm vụ tại V-League, nhưng sau không hiểu sao lại thôi.
| |
Ông Vũ Hạng, nguyên Trưởng Ban thi đua khen thưởng VFF. |
Tuy nhiên, sau vụ scandal trọng tài rùm beng năm 2005, chủ đề về chuyên môn và vai trò chỉ đạo, quản lý của ông Hạng được đã được đem ra mổ xẻ và bàn luận sôi nổi. Và vẫn như thường lệ khi có vụ sự gì ở VFF, lại có không ít tiếng bấc tiếng chì.
Ông Hạng được cho nghỉ việc. Lí do của việc đó cũng không được rõ ràng cho lắm, nhưng ai hiểu bóng đá VN cũng biết đó lại là một cuộc “xử lý nội bộ” của LĐ. Ấn tượng mà ông Hạng để lại trong lòng giới bóng đá VN chỉ còn lại như thế.
Chuyện ông Hạng là vậy, chuyện ông Thọ còn lắm bi hài hơn. Những đóng góp của ông Thọ cho bóng đá VN thì chắc không phải bàn cãi. Nhưng giấy mực tốn cho ông nhiều hơn kể từ khi ông lên LĐ, làm bóng đá với chức phận của những người đứng ngoài sân bóng.
Suốt cuộc đời làm bóng đá của ông, có bao nhiêu lời khen chê không ngớt. Có người đưa ông lên mây rằng ông là một người gắn bó cả cuộc đời với bóng đá VN.
Nhưng cũng có người chửi “mát mặt” rằng ông mà còn tại vị thì bóng đá nước nhà còn lâu mới ngóc đầu lên nổi. Cuộc đời ông cũng trải qua bao phen thăng trầm giống những lời nhận xét “hành lang” như thế.
Năm 2004, VFF, nơi mà ông đã gắn bó không ít năm làm ông một phen dở khóc dở cười.
Khi đó, người ta bầu ông là Cầu thủ vàng của bóng đá VN, ông vui mừng chưa dứt thì đã phát hiện ra mình bị “bỏ bom” bởi cách làm ăn ẩu đả và rườm rà của chính cái tổ chức xã hội mà ông đang phục vụ.
Khi biết VFF rút lại công bố về vụ “Cầu thủ vàng”, ông Thọ đã ngán ngẩm mà rằng: “Thật không thể hiểu nổi, cứ như một trò hề”.
| |
Áp lực của vụ 7 cầu thủ U23 VN bán độ đã "đánh quỵ" ông Lê Thế Thọ. |
Một năm sau, năm 2005, còn một “trò hề” lớn hơn được đem ra trêu ngươi quái kiệt một thời của bóng đá VN này. Sau vụ bán độ long trời lở đất của mấy cậu nhóc U23, người ta cần một người để gán trách nhiệm, và ông Thọ trở thành “con tốt” hợp nhất.
Ông bị hết người này buộc tội là “thiếu trách nhiệm”, lại bị người khác tố “không làm tròn bổn phận”, rồi búa rìu dư luận cứ thế giáng vào đầu ông, bất chấp đúng sai, phải trái.
Cũng chẳng có cơ quan nào đứng ra phê bình, khiển trách hay kỷ luật ông vì những điều mà người ta nói về ông như trên, nhưng cuối cùng ông Thọ đã không chịu nổi những áp lực mà báo chí, dư luận, và cả những con người đang làm việc cạnh ông.
Ông Thọ từ chức, và được VFF chấp nhận chỉ 30 phút sau khi ông trình đơn, một quyết định nhanh đến không ngờ, không đúng với tác phong thường thấy ở VFF (!?). Ông Thọ bỏ ghế mà đi, cuối cùng cũng chẳng phải vì một lý do nào cụ thể, mà chỉ được giải thích là vì không chịu nổi áp lực.
Thật là nực cười, cuối cùng thì ông đã thân bại danh liệt, đâu còn sức lực và uy tín để tiếp tục dấn thân vào chốn “chiến trường” đầy rẫy những cạm bẫy ấy.
Một lần nữa, cái sai, cái đúng, cái công, cái tội của ông Thọ lại trở thành những câu chuyện bên lề, tăng thêm chút hương vị cho bát canh hẹ của bóng đá VN.
Sau sự ra đi của các ông, cứ tưởng như đã không còn ai nhắc đến những cái tên Vũ Hạng và Lê Thế Thọ. Nhưng rồi hôm nay, VFF đã lại nghĩ đến các ông, có vẻ như khi những chuyện ì xèo công tư lẫn lộn, người ta đã bắt đầu thấy được phần nào những Cống hiến của các ông.
Hãy vui vẻ nhận lấy tấm Kỷ niệm chương này, vì đó chính là những ghi nhận chính thức duy nhất mà các ông có được trong suốt cả cuộc đời thăng trầm cùng bóng đá VN.
H.K