Đan Mạch vô địch Euro 1992: Truyện cổ tích không viển vông

Kim Điền

(Dân trí) - Người ta luôn nhắc đến chi tiết tuyển Đan Mạch từ chỗ không qua nổi vòng loại, lại bất ngờ tiến đến ngôi vô địch Euro 1992 nhờ vé vớt, nhưng quên mất chi tiết Đan Mạch ngày đó là đội… mạnh.

Vào VCK Euro 1992 khó hơn dự VCK World Cup

Đúng là đội tuyển Đan Mạch tại Euro năm 1992 không qua nổi vòng loại của giải đấu này. Tuy nhiên, có một chi tiết mà nếu không phải là những người theo dõi bóng đá lâu năm, người ta ít chú ý đến. 

Chi tiết đấy nằm ở chỗ, từ năm 1992 trở về trước, vòng chung kết (VCK) Euro chỉ dành cho 8 đội (chứ không phải là 16 từ kỳ giải 1996 đến 2012, hoặc có đến 24 đội như từ Euro năm 2016 đến nay). 8 đội này bao gồm 7 đội đứng nhất 7 bảng vòng loại, cùng đội chủ nhà của VCK (Thụy Điển).

Hồi đấy, nhiều người cho còn cho rằng giành vé lọt vào VCK Euro còn khó hơn dự VCK World Cup.

Đan Mạch vô địch Euro 1992: Truyện cổ tích không viển vông - 1

Đan Mạch dù không qua nổi vòng loại Euro 1992, trước khi đội Nam Tư (cũ) bị cấm vận, nhưng Đan Mạch vẫn là đội mạnh.

Đan Mạch ở vòng loại Euro 1992 diễn ra trong các năm 1990 và 1991 không phải là đội yếu, nếu không muốn nói họ khá mạnh, với anh em Michael và Brian Laudrup, tiền đạo Bent Christensen, hay anh chàng thủ môn về sau này cực kỳ nổi tiếng Peter Schmeichel.

Đội bóng Bắc Âu khá mạnh nhưng vẫn bị loại, vì như đã nói, vòng loại Euro năm đó chỉ chọn mỗi mình đội đầu bảng vào VCK, mà Đan Mạch lại không may mắn khi nằm chung bảng 4 vòng loại với đội tuyển Nam Tư (cũ), vốn cực mạnh và được so sánh với cả đội tuyển Brazil ở thời điểm ấy (kết thúc vòng loại, Nam Tư có 14 điểm, Đan Mạch có 13 điểm).

Muốn biết Nam Tư khi đó mạnh như thế nào thì phải nhìn vào thành tích mà bóng đá Nam Tư giành được trước khi và thậm chí sau khi đất nước Nam Tư (cũ) tan rã. 

Năm 1991, nòng cốt của đội tuyển Nam Tư khi đó khoác áo CLB Sao Đỏ Belgrade đoạt cúp C1 châu Âu (tiền thân của UEFA Champions Legue ngày nay). Trước đó một năm, đội tuyển Nam Tư vào đến tứ kết World Cup 1990 trên đất Italia, chỉ chịu thua Argentina của "cậu bé vàng" Maradona ở loạt sút luân lưu. 

Thậm chí, sau khi đất nước Nam Tư (cũ) tan rã, các tài năng của bóng đá nước này vẫn tiếp tục làm mưa làm gió khắp châu Âu. 

Số này có Dejan Savicevic là linh hồn của AC Milan trứ danh quật ngã người khổng lồ Barcelona (hồi đấy có Romario, Stoichkov, Laudrup…) 4-0 ở chung kết Champions League 1994. Có Predrag Mijatovic giúp hồi sinh Real Madrid tại đấu trường châu Âu bằng ngôi vô địch Champions League 1998 (danh hiệu đầu tiên của Real sau lần gần nhất họ đoạt cúp vào năm… 1966).

Rồi đội tuyển Croatia gây choáng váng thế giới ở các kỳ Euro 1996 và World Cup 1998, với những Davor Suker, Robert Prosinecki, Zvonimir Boban… cũng là một phần được tách ra từ Nam Tư (cũ).

Truyện cổ tích không viển vông 

Vì đội tuyển Nam Tư hồi đấy mạnh như thế, nên chuyện Đan Mạch không qua nổi Nam Tư ở bảng 4 vòng loại Euro 1992 được xem là… đương nhiên. Đội bóng Bắc Âu buộc phải đứng nhì bảng đấu này, chẳng qua vì họ gặp phải đối thủ mạnh hơn. 

Đan Mạch vô địch Euro 1992: Truyện cổ tích không viển vông - 2

Đan Mạch vô địch châu Âu năm 1992 là câu truyện cổ tích, nhưng là truyện cổ tích không hề viển vông.

Thành ra, khi Đan Mạch thay Nam Tư dự VCK Euro 1992 bằng vé vớt, do đất nước Nam Tư bị cấm vận trên quy mô toàn cầu, thực tế là một đội mạnh được thay thế bằng một đội mạnh khác.

Những câu chuyện sau đó, kể cả được thêm thắt một vài chi tiết, như kiểu HLV đội tuyển Đan Mạch thời điểm ấy là ông Richard Moeller Nielsen nhận được thông tin có suất dự giải vô địch châu Âu năm 1992, khi ông đang sửa lại gian bếp cho vợ, vội vàng vứt đồ nghề qua một bên, tức tốc phóng xe lên thủ đô Copenhagen báo tin cho toàn đội.

Hoặc chuyện Brian Laudrup chuẩn bị sang Mỹ nghỉ mát, nhưng hủy chuyến đi để kịp dự Euro… vốn là những chi tiết khiến cho ngôi vô địch Đan Mạch trở nên ly kỳ hơn. Những chi tiết đấy, thật ra cho đến giờ không ai có thể kiểm chứng, mà cũng chẳng còn quan trọng.

Riêng sự việc sau đây là có thật, cầu thủ được cho là vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Đan Mạch Michael Laudrup từ chối khoác áo đội tuyển tham dự VCK Euro 1992, dù đã được HLV Nielsen ngỏ lời.

Năm 1992 là năm mà người anh nhà Laudrup vừa cùng Barcelona đoạt cúp C1 châu Âu. Đấy là lần đầu tiên mà ông khổng lồ xứ Catalan của Tây Ban Nha giành danh hiệu. Khỏi cần tưởng tượng danh hiệu đấy giúp các cầu thủ của Barcelona khi đó vẻ vang đến mức nào.

Michael Laudrup không muốn hủy kỳ nghỉ Hè mà anh đã lên lịch trước, và hóa ra đấy là quyết định có lẽ đáng tiếc nhất trong sự nghiệp nhà nghề của cầu thủ được cho là vĩ đại nhất bóng đá Đan Mạch.

Câu chuyện khác, cũng có thực, đó là đội tuyển Đan Mạch chỉ có đúng 10 ngày chuẩn bị cho VCK Euro 1992, từ gom quân, tập luyện cho đến di chuyển.

Rồi cũng do quá gấp rút, "các nhà tài trợ không kịp chuẩn bị cho chúng tôi. Vì vậy, các cầu thủ Đan Mạch phải mặc trang phục của đội U21. Khi người xem nhìn thấy chúng tôi trong trận đấu đầu tiên ở vòng bảng với tuyển Anh, các cầu thủ Đan Mạch mặc đồ hơi chật so với kích cỡ" - thủ môn nổi tiếng Peter Schmeichel kể lại trong một lần hồi tưởng về kỳ Euro huyền diệu cách nay gần 30 năm. 

Và chi tiết nữa, chắc chắc có thật, đó là đội tuyển Đan Mạch cuối cùng giành ngôi vô địch châu Âu năm 1992, viết nên câu truyện cổ tích giữa đời thường. Tuy nhiên, đấy là câu truyện cổ tích có thể lý giải, hoàn toàn hợp lý về mặt chuyên môn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm