"Cuộc chiến" bản quyền bóng đá nội

“Cuộc chiến” bản quyền Super League tiếp tục nóng

(Dân trí) - Hôm nay (4/1), bản quyền Super League tiếp tục “ nóng” khi VFF và VPF liên tục có hành động “phản pháo”. Sau khi VFF lên tiếng khẳng định quyền sở hữu hình ảnh Super League. Cùng ngày, VPF đã gửi công văn liên Bộ “tố” VFF phạm luật khi ký hợp đồng 20 năm…

Sau công văn xác nhận AVG là đối tác sở hữu hợp pháp bản quyền 4 giải đấu chuyên nghiệp gửi đi chiều 29/12/2011. Hôm nay (4/1), Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ tiếp tục ký công văn số 6/CV/LĐBĐVN tái khẳng định quyền sở hữu hợp pháp hình ảnh giải Super League (trước là V-League) và 3 giải đấu khác gồm: Hạng Nhất, Cup QG, Siêu Cup của VFF.
 
“Cuộc chiến” bản quyền Super League tiếp tục nóng - 1
 "Cuộc chiến" bản quyền Super League chưa có dấu hiệu chấm dứt - Ảnh: Quang Thắng
 

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định, VFF có quyền sở hữu hợp pháp những giải đấu do mình tổ chức. Việc VFF đàm phán và ký kết hợp đồng với VPF diễn ra đúng luật, không vi phạm những quy định hiện hành dựa trên Khoản 2, Điều 53 Luật Thể dục Thể thao về Quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp

 

“ Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức…”.

 

Từ những quan điểm trên, VFF yêu cầu VPF phải thực hiện và tuân thủ đầy đủ hợp đồng khai thác thương quyền mà VFF đã ký kết với AVG (2010). VFF khẳng chỉ chấp nhận ủy quyền cho VPF, khi đơn vị này cam kết thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong công tác quản lý, tổ chức và khai thác thương quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp.
 
Trong ngày 4/1, AVG cũng gửi văn bản đề nghị Bộ VH-TT-DL kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến bản hợp đồng AVG đã ký với VFF để đưa ra thông tin khách quan - chính xác về vấn đề bản quyền truyền hình.

 

Cùng ngày, Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên tiếp tục ký công văn gửi đến Bộ Tư pháp, Bộ VH-TT-DL, Bộ Thông tin và truyền thông đề nghi các cơ quan xem xét lại bản hợp đồng mà VFF ký kết với AVG.
 
“Cuộc chiến” bản quyền Super League tiếp tục nóng - 2
 Sau cái bắt tay là những hành động "đối đầu" gay gắt - Ảnh: Gia Hưng
 

Theo lời “bầu” Kiên, VFF đã vi phạm luật pháp khi ký kết hợp đồng, khi không nhận được sự đồng ý của người có thẩm quyền tại CLB (được hiểu là các ông “bầu”). Phó Chủ tịch VPF đưa ra 2 điểm để khẳng định Hợp đồng VFF ký với AVG là phạm luật:

 

Căn cứ Khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006 và Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ quy định quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp thuộc về VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng thực tế khi ký hợp đồng nói trên VFF chưa có được sự đồng ý của người có thẩm quyền của các CLB bóng đá chuyên nghiệp về việc ủy quyền cho VFF đại diện các CLB đàm phán, ký kết Hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp.

2. Căn cứ điều 6 Luật Báo chí năm 1989, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí năm 1999, Nghị định 51/NĐ-CP của Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Báo chí và Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 07/2011/TT-BTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 01/3/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo chí trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình quy định:

 

 "Giấy phép hoạt động truyền hình là giấy phép hoạt động báo hình gắn với sự ra đời của tổ chức hoạt động phát thanh, truyền hình, quy định tôn chỉ, mục đích hoạt động của kênh chương trình truyền hình quảng bá...", thì vào thời điểm ký hợp đồng ngày 08/12/2010, AVG không có giấy phép hoạt động truyền hình theo các quy định của pháp luật được nêu trên.

 

Thay mặt Hội đồng Quản trị VPF, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên đưa ra quan điểm: VPF mong muốn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo từ phía VFF, nhưng VPF nhận thấy nếu thực hiện Hợp đồng nói trên sẽ không phù hợp với các quy định  của pháp luật...

 

Chí Thành