C.Ronaldo có phải vấn đề khiến HLV Solskjaer "bay ghế"?
(Dân trí) - Sau khi HLV Solskjaer ra đi, C.Ronaldo đã bị chỉ trích vì "làm hỏng kế hoạch" của đội bóng. Liệu chăng, tiền đạo người Bồ Đào Nha có phải là vấn đề khiến cho HLV người Na Uy "bay ghế"?
"C.Ronaldo đã ném toàn bộ kế hoạch của Solskjaer ra ngoài cửa sổ" - chuyên gia Paul Merson đã nhấn mạnh thực tế ấy sau khi chứng kiến Solsa bị sa thải. Trên thực tế, Paul Merson không phải là người đầu tiên đề cập tới vấn đề này.
Thậm chí, ngay từ thời ở Juventus, C.Ronaldo đã hứng chịu kiểu chỉ trích như vậy. Antonio Cassano từng nhấn mạnh cầu thủ này là sai lầm lớn khi khiến Juventus trở nên tệ hơn. Người ta cũng thấy quan điểm trên xuất hiện trong tuyên bố của cựu cầu thủ Juventus, Massimo Mauro.
Trên thực tế, C.Ronaldo (cũng như Messi thời điểm này) không phải là mẫu cầu thủ toàn diện, để có thể chiều lòng mọi kiểu chiến thuật. Vì lẽ đó, những đội bóng sở hữu những cầu thủ này buộc phải chơi theo… kiểu của họ. Có nghĩa rằng cả đội sẽ dồn toàn lực để phục vụ riêng những siêu sao này.
Nếu xét theo góc nhìn này thì việc cho rằng C.Ronaldo "phá hỏng kế hoạch" của HLV Solskjaer cũng có ý đúng. Bởi lẽ, từ trước khi Man Utd chiêu mộ CR7, Solsa đang xây dựng đội bóng theo hướng chơi phòng ngự phản công (đặc biệt trong các trận đấu lớn).
Vì lẽ đó, trong những mùa giải vừa qua, dù chưa có được danh hiệu nào nhưng ít nhất, Man Utd của Solskjaer cũng khá lỳ lợm trong các cuộc đối đầu với nhóm Big Six (Man City, Liverpool, Tottenham, Chelsea, Arsenal).
Thế nhưng, sang mùa giải này, mọi thứ khá tồi tệ với Man Utd. Họ thua trắng trước Man City, Liverpool và chỉ thắng được Tottenham đang khủng hoảng. Chính những thất bại bạc nhược trước Man City, Liverpool đã ảnh hưởng tới tương lai của HLV Solsa.
Điểm trừ của C.Ronaldo (ở tuổi 36) là thể lực. Do đó, cầu thủ này không thể chạy điên cuồng trên khắp mặt sân để thực hiện pressing và phòng ngự từ xa. Thay vào đó, anh chỉ bung sức ở thời điểm "đánh hơi" được cơ hội để ghi bàn.
Rõ ràng, nếu đặt cầu thủ như vậy vào hệ thống thì ít nhiều bị ảnh hưởng. Bởi lẽ, các đồng đội khác sẽ phải chạy nhiều hơn để bù đắp vào lỗ hổng mà CR7 để lại. Bên cạnh đó, khối đội hình của Man Utd cũng không thể di chuyển một cách nhịp nhàng.
Mặc dù vậy, nếu chỉ chăm chăm vào góc nhìn này thì mọi thứ thật phiến diện. Và đương nhiên, nó cũng phủi sạch những đóng góp của C.Ronaldo. Ít nhất, như Solskjaer thừa nhận rằng giá trị của siêu sao người Bồ Đào Nha nằm ở những bàn thắng.
Về điều này thì chẳng ai có thể chê trách được CR7. Con số 9 bàn thắng sau 13 lần ra sân cho Man Utd ở mọi đấu trường là minh chứng cho điều đó. Trong đó, cầu thủ này đã ghi không ít bàn thắng quan trọng cho Quỷ đỏ. Đơn cử riêng ở Champions League, siêu sao số 7 đều tỏa sáng ở thời điểm quyết định với những bàn thắng quý hơn vàng giúp Man Utd thắng Villarreal (CR7 ghi bàn ấn định tỷ số 2-1), Atalanta (ấn định tỷ số 3-2) hay hòa Atalanta ở lượt về (ghi cả 2 bàn thắng).
Bình luận trên tờ Daily Mail, nhà báo Martin Samuel cũng nhấn mạnh rằng: "C.Ronaldo không phải là vấn đề với Man Utd. Cậu ấy cũng không hẳn không phù hợp với hệ thống của đội bóng. Chỉ là CLB cần một HLV thông minh hơn Solskjaer để điều khiển cỗ máy đắt giá này".
Thực tế, vấn đề của C.Ronaldo chỉ được nêu ra ở trận đấu mà cả đội đều thất vọng và bạc nhược. Đó cũng là tâm lý chung của nhiều người. Luôn tìm một điều gì đó để biện minh cho những điều yếu kém.
Còn như ở chiến thắng giòn giã 3-0 trước Tottenham, không ai cho rằng C.Ronaldo là vấn đề khi cầu thủ này tung ra cú vô lê đẹp mắt để mở tỷ số.
Bởi lẽ đó, nếu dồn hết trách nhiệm cho CR7 thì quả thực vô lý. Bởi nếu chứng kiến Maguire, Luke Shaw chơi bóng ở mùa này, có lẽ người ta hiểu vì sao Man Utd tồi tệ đến vậy. Đó mới chính là hiện thân của Quỷ đỏ suy yếu.
Nhưng vấn đề của C.Ronaldo sẽ là bài toán khó cho HLV tiếp theo của Man Utd. Làm sao điều khiển được "con quái vật" CR7, mà vẫn giữ được sự cân bằng cho hệ thống, đó là bài toán không dễ tìm ra lời giải, chỉ trừ khi Man Utd có bộ ba tiền vệ kiệt xuất Toni Kroos, Modric và Casemiro như ở Real Madrid.