1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Công Phượng có phải "liều thuốc chữa lành" với đội tuyển Việt Nam?

H. Long

(Dân trí) - Việc HLV Troussier sang Nhật Bản theo dõi và trò chuyện với Công Phượng được xem là tín hiệu tốt với cầu thủ này. Tuy nhiên, cầu thủ này chưa chắc là "liều thuốc chữa lành" với đội tuyển Việt Nam.

Cơ hội mở ra với Công Phượng

Dưới thời HLV Troussier, hàng công luôn được xem là điểm yếu của đội tuyển Việt Nam. Không dưới một lần, báo giới Indonesia đánh giá về sự yếu kém của các chân sút của "Những chiến binh sao vàng".

Công Phượng có phải liều thuốc chữa lành với đội tuyển Việt Nam? - 1

Nhiều tiền đạo nội như Văn Toàn chưa có phong độ cao ở V-League và đội tuyển quốc gia (Ảnh: Minh Quân).

Quả thực, đó đều là nhận định chính xác. Nếu nhìn vào danh sách Vua phá lưới V-League thời điểm này, không ít người sẽ ngạc nhiên. Bởi lẽ, cầu thủ nội ghi nhiều bàn thắng nhất ở giải đấu này lại là… trung vệ, đó là Bùi Hoàng Việt Anh với 4 bàn. Tương tự, Quang Hải cũng có 4 pha lập công nhờ sự hồi sinh dưới thời HLV Kiatisuk.

Còn lại, tiền đạo nội ghi nhiều bàn nhất là Văn Toàn chỉ có ba bàn. Tuy nhiên, cầu thủ của CLB Nam Định chưa bao giờ được đánh giá cao ở sự ổn định. Khả năng dứt điểm luôn là điểm cần cải thiện lớn nhất của Văn Toàn.

Trong khi đó, các tiền đạo được HLV Troussier tin tưởng trong thời gian qua như Văn Tùng, Đình Bắc hầu như "lặn mất tăm" trong màu áo CLB. Thậm chí, Đình Bắc còn vừa nhận án treo giò nội bộ tại CLB Quảng Nam vì vi phạm kỷ luật. Ngay cả Tiến Linh (cầu thủ rất cần chứng minh tài năng) cũng thi đấu sa sút trông thấy khi mới có hai bàn.

Việc chọn tiền đạo cho đội tuyển Việt Nam thời điểm này chẳng khác nào "so bó đũa, chọn cột cờ". Rất khó để tìm kiếm gương mặt đủ sức tin tưởng gánh vác trọng trách ghi bàn cho "Rồng vàng". Điều này ảnh hưởng lớn tới sức mạnh của đội bóng.

Chính vì lẽ đó, việc HLV Troussier sang theo dõi và trò chuyện với Công Phượng mới đây được xem là tín hiệu tốt với tiền đạo xứ Nghệ. Nó cho thấy HLV người Pháp đang làm hết sức để tìm phương án mới.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, Công Phượng cũng không có bất kỳ điều gì để tạo ra sự tin tưởng. Số lần ra sân cho Yokohama FC ở giải hạng Hai Nhật Bản của cầu thủ này vẫn là con số 0. Ngay cả Công Phượng cũng không tự tin về khả năng trở lại đội tuyển Việt Nam của mình.

Công Phượng có phải liều thuốc chữa lành với đội tuyển Việt Nam? - 2

Công Phượng chưa chắc là "cứu cánh" với đội tuyển Việt Nam lúc này khi không ra sân nhiều cho Yokohama FC trong một năm qua (Ảnh: Minh Quân).

Chia sẻ trên tờ Targma, tiền đạo sinh năm 1995 cho biết: "HLV Troussier đã đến xem và kiểm tra tôi thi đấu. Chúng tôi nói nhiều chuyện nhưng tôi không nói về đội tuyển Việt Nam. Tôi coi việc không được triệu tập lên đội tuyển Việt Nam là hiển nhiên vì tôi chưa ra sân trận chính thức nào cho CLB Yokohama".

Giải quyết gốc rễ vấn đề

Rõ ràng, việc tìm tới Công Phượng chỉ cho thấy HLV Troussier thực sự "bí" lựa chọn với hàng công đội tuyển Việt Nam. Ngay cả khi tiền đạo xứ Nghệ trở lại, vấn đề hàng công của đội bóng chưa chắc được giải quyết.

Cần nhìn nhận thẳng vào thực tế, trong vòng một năm qua, Công Phượng mới chỉ ra sân thi đấu đúng… ba phút ở Nhật Bản. Rất khó để duy trì phong độ với mật độ ra sân ít như vậy. Chẳng nói đâu xa, Quang Hải từng có cú trượt dài thế nào sau một năm thảm họa cùng Pau FC ở Pháp. Mãi tới gần đây, ngôi sao sinh năm 1997 mới phần nào lấy lại phong độ.

Kể cả khi Công Phượng có khoảnh khắc nào đó xuất thần giống như trận đấu với Palestine vào tháng 9 thì đó cũng không phải "liều thuốc chữa lành" với đội tuyển Việt Nam.

Nếu nhìn nhận thẳng có thể thấy gốc rễ vấn đề của "Rồng vàng" không nằm ở hàng công. Bởi lẽ, mọi vị trí đều yếu kém. Nó giống như một bộ máy. Khi các tuyến dưới không vận hành trơn tru, hàng công khó lòng chơi tốt bởi không được cung cấp bóng đủ nhiều.

Công Phượng có phải liều thuốc chữa lành với đội tuyển Việt Nam? - 3

Hệ thống của đội tuyển Việt Nam chưa đồng bộ, khiến cho đội bóng không thể vận hành như ý (Ảnh: Getty).

HLV Troussier đang cố gắng truyền tải triết lý "bóng đá tập thể" tới đội tuyển Việt Nam. Thế nhưng, cho tới lúc này, ông vẫn chưa thể tạo ra đúng nghĩa "tập thể" ở đội bóng. Mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Để các cầu thủ "ngấm" triết lý của HLV Troussier cần có thời gian. Bản thân HLV người Pháp cũng không có nhiều thời gian làm việc với các cầu thủ giống như ở cấp độ CLB để thúc đẩy sự trơn tru.

Điều đáng nói, không nhiều CLB ở V-League áp dụng lối chơi của HLV Troussier. Có nghĩa rằng, các cầu thủ sẽ phải thích nghi lại một lần nữa khi lên tập trung đội tuyển quốc gia. Nó càng khiến quá trình áp dụng triết lý kiểm soát bóng của HLV Troussier lâu hơn.

Để ý thấy, đội tuyển Việt Nam mới chỉ kiểm soát bóng "sơ khai". Có nghĩa rằng khi kiểm soát bóng, hệ thống vẫn chưa tìm được cách triển khai bóng vào vòng cấm địa đối thủ. Các cầu thủ chủ yếu chuyền bóng ngang và chuyền về. Khi không có bóng, đội tuyển Việt Nam không có ý thức giành lại bóng nhanh nhất có thể. Hệ thống áp sát chưa đồng bộ để tạo thành một khối hoàn chỉnh.

Do đó, một ngôi sao không được thi đấu nhiều như Công Phượng chưa chắc "chữa lành vết thương" của đội tuyển Việt Nam. Mọi thứ cần có quá trình.

Công Phượng có phải liều thuốc chữa lành với đội tuyển Việt Nam? - 4