Cơ hội nào cho các tiền đạo nội tại V-League?
(Dân trí) - Có thể người nghe thích hay không thích phát biểu của HLV Lê Huỳnh Đức mới đây, về chuyện các HLV nắm các CLB buộc phải sử dụng tiền đạo ngoại. Nhưng dù thích hay không thì ông Đức vẫn có lý.
Trả lời việc HLV Park Hang Seo than phiền rằng bóng đá Việt Nam hiện thiếu tiền đạo, xuất phát từ thực tế các CLB trong nước thường ưu tiên sử dụng các tiền đạo ngoại, HLV Lê Huỳnh Đức nói: “Nếu nắm các CLB, HLV Park Hang Seo cũng làm thế thôi, cũng sẽ sử dụng tiền đạo ngoại”.
“Áp lực thành tích đối với các CLB rất lớn. Do đó, các các huấn luyện phải sử dụng nhiều các tiền đạo ngoại với mục tiêu giành chiến thắng” – ông Đức nói thêm.
Ở đây, dù thích hay không thích phát biểu của HLV Lê Huỳnh Đức, vẫn khó phủ nhận rằng đó là phát biểu không sai, đồng thời rất sát với thực tế.
Bằng chứng là 14 đội đang thi đấu tại V-League, đội nào cũng sử dụng cầu thủ ngoại đá ở vị trí trung phong, kể cả HA Gia Lai vốn là lò đào tạo cầu thủ tấn công nổi tiếng nhất nước, hay là nhà đương kim vô địch V-League Hà Nội, vốn đang có sẵn 2 ngôi sao tấn công thượng thặng Văn Quyết và Quang Hải.
Mà bóng đá chuyên nghiệp, thì không thể thiếu ngoại binh, đấy cũng là thực tế đang diễn ra khắp thế giới, dù muốn dù không thì các ngoại binh giúp tăng tính cạnh tranh ở các CLB, giúp chính các cầu thủ Việt Nam có cơ hội được cọ xát hàng ngày với dạng cầu thủ cao lớn, mạnh mẽ, trước khi chúng ta dùng kinh nghiệm đấy bước ra các giải đấu quốc tế.
Và một khi đã sử dụng ngoại binh, các HLV đương nhiên có quyền lựa chọn ngoại binh ở vị trí nào mà họ cho rằng hiệu quả nhất cho việc tìm kiếm thành tích của đội bóng, mà vị trí tiền đạo là vị trí dễ thấy hiệu quả khi dùng người nhất.
Cũng không thể nói HLV Lê Huỳnh Đức nói riêng và các HLV khác nói chung không tạo cơ hội cho các tiền đạo nội thể hiện mình. Ví dụ như ở SHB Đà Nẵng, Huỳnh Đức thường xuyên cho Hà Đức Chinh đá chính, ở B.Bình Dương là Nguyễn Tiến Linh, ở HA Gia Lai là Nguyễn Văn Toàn, tại CLB TPHCM là Nguyễn Công Phượng, ở SL Nghệ An là Phan Văn Đức…
Riêng chuyện các tiền đạo nội đấy có giữ được suất đá chính hay không? Hoặc ghi được bao nhiêu bàn thắng trong những lần ra sân? – Phụ thuộc vào sự thể hiện của chính họ. Sự thể hiện đấy sẽ là câu trả lời cho việc những tiền đạo nội nói trên hiệu quả hay không hiệu quả, để có thể được chính các HLV sử dụng tiếp.
Thực tế cũng chỉ ra rằng ngay ở đội tuyển Việt Nam, sau lần Hà Đức Chinh vô duyên trước các cơ hội ở chung kết lượt đi AFF Cup 2018, HLV Park Hang Seo hầu như không còn dám dùng cầu thủ này ở vai trung phong ở cấp độ đội tuyển quốc gia (xin nhấn mạnh rằng tính ở “cấp độ đội tuyển quốc gia”, chứ không phải cấp độ thấp hơn là đội tuyển U23 hoặc U22).
Bởi, tiền đạo đã không hiệu quả trong việc săn bàn thì nếu sử dụng sẽ càng mang đến sự mạo hiểm cho cả tập thể đội bóng. Tức là về mặt này, tần suất sử dụng Hà Đức Chinh cho trong đội hình chính thức của HLV Park Hang Seo ở đội tuyển quốc gia có khi không hơn HLV Lê Huỳnh Đức ở SHB Đà Nẵng, nên càng khó trách HLV Lê Huỳnh Đức hay các HLV của những CLB trong nước.
Vậy thì cơ hội nào cho các chân sút nội ở sân chơi trong nước, trước khi hướng ra đấu trường quốc tế? – Gần như chỉ có một câu trả lời duy nhất, đó là bản thân các tiền đạo nội phải tự vươn lên để khẳng định chỗ đứng của mình, để chứng minh mình xứng đáng được tin dùng trong vai trò tay săn bàn trong mắt các HLV.
Lê Công Vinh, Nguyễn Anh Đức hay chính Lê Huỳnh Đức trước đây là những ví dụ điển hình. Họ cũng từng cạnh tranh gắt gao với các tiền đạo ngoại ở sân chơi nội, rồi bằng nỗ lực tự thân, họ khẳng định được vị trí, không những ở sân cỏ trong nước, mà còn trở thành những chân sút khét tiếng trên bình diện quốc tế!
Giá trị của một tiền đạo nằm ở số lượng và chất lượng các bàn thắng mà tiền đạo đó ghi được, sẽ chẳng có bất kỳ HLV nào lãng phí cất các tiền đạo lên băng ghế dự bị, nếu tiền đạo đấy vẫn còn đều đặn ghi bàn cho đội bóng mà mình khoác áo!
Kim Điền