“Cô gái tuổi Tỵ” Ngân Thương và ước mơ trở thành cô giáo
(Dân trí) - VĐV tuổi Tỵ Đỗ Thị Ngân Thương xác định năm 2013 sẽ là năm đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp thi đấu của mình. Cô đang cân nhắc giải nghệ để hoàn thành tấm bằng đại học, trước khi chuyển hẳn sang nghiệp HLV môn Thể dục dụng cụ.
Ngân Thương đã đạt được nhiều danh hiệu trong sự nghiệp
Năm nay, TDDC không có trong chương trình thi đấu SEA Games, nên Thương cũng cân nhắc giải nghệ. Không phải vì cô không còn đủ sức hay hết tâm huyết với nghiệp VĐV, mà Thương muốn dành cơ hội cho lớp trẻ. Quang trọng hơn, sau hàng chục năm tập huấn, thi đấu xa nhà, Ngân Thương muốn dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và bản thân.
17 năm theo nghiệp Thể dụng dụng cụ, quãng thời gian không phải là nhiều so với một đời người nhưng quá lớn với một cô bé mới chỉ bước sang tuổi 23. Đó cũng là thời gian đã đem lại cho Ngân Thương rất nhiều thứ, song mất cũng rất nhiều...
Ngân Thương chính là một trong những thế hệ tài năng nhất của ĐT TDDC Việt Nam. Ngay từ 6 tuổi, cô đã phải xa rời mái ấm gia đình để sang Trung Quốc tập luyện. 17 năm theo nghiệp là những trải nghiệm, với những lần đứng trên bục vinh quang và cả những lần tưởng như không đứng dậy nổi bởi những cú vấp ngã.
Nhìn lại những ngày tháng đã qua, Thương bảo: “Được nhiều, mất cũng nhiều lắm. Hạnh phúc nhất là những lúc nhận huy chương, mang vinh quang về cho tổ quốc. Lúc đó được mọi người quan tâm. Nhưng đổi lại, những VĐV TDDC như chúng tôi gần như mất hẳn tuổi thơ, mất tình thương của bố mẹ, bạn bè...Đó là chưa kể nếu gặp những sự cố, sẽ rất khó khăn để đứng dậy và không phải ai cũng thông cảm cho mình”.
Sự cố doping tại Olympic Bắc Kinh 2008 đã khiến Thương suy sụp. Với Thương, có lẽ đó là kỷ niệm buồn không thể nào tôi quên được trong suốt cuộc đời của mình. “Tôi coi đây là một bài học lớn cho mình và chắc chắn sẽ không bao giờ tái phạm. Tôi cũng mong muốn đó sẽ là bài học với các VĐV trẻ và cũng mong họ sẽ đứng được dậy mỗi khi vấp ngã. Có bước qua những khó khăn mới đo được nghị lực của mình”, Thương chia sẻ.
Cô gái sinh năm 1989 có ước mơ trở thành cô giáo
Cô Giang cho biết: “ Hiếm có ai đạt được trình độ như Thương, vì vậy chúng tôi cố gắng động viên để Thương trở lại cống hiến cho ĐTQG”. “Ngày đi học bên Bắc Ninh, tối về tập luyện cùng đội tuyển, vất vả vô cùng nhưng không bao giờ tôi cảm thấy chán học, chán tập”, Ngân Thương hào hứng kể lại.
Thương tâm sự “Từ khi xem nữ VĐV thể hình Nguyễn Thị Mỹ Linh trở lại ấn tượng ở Giải Thể hình châu Á 2009 sau án phạt vì doping, tôi càng cảm thấy động lực hơn để trở lại sàn đấu. Chị Linh làm được tại sao mình không làm được”. Quyết tâm của Thương dồn lên đôi tay, đôi chân để thực hiện những bài xà đơn, xà kép hay những pha nhào lộn phức tạp. Thậm chí, Thương “hăng” tập đến nỗi mà dính chấn thương lúc nào không biết.
Gần 20 năm theo nghiệp, Thương đang giành được bao chiến công hiển hách và từng “vô đối” ở đấu trường khu vực trong nhiều năm liên tiếp. Hơn 2 năm nay, Thương phải chiến đấu với chấn thương dây chằng đầu gối của mình. Ở tuổi 23, Thương tự cảm nhận mình không còn thể hiện tốt những động tác khó như trước nữa, nhưng với các đàn em, Thương vẫn là chỗ dựa không thể thiếu về cả chuyên môn và tinh thần. Sự chia tay của Thương khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối và hụt hẫng, nhưng nó lại quyết định mà Thương cần phải đưa ra để chọn ngã rẽ mới cho mình.
Nói về những dự định và ước mơ của mình trong năm nay, Thương ước mình sẽ trở thành cô giáo, chính xác là một HLV đi tìm các VĐV trẻ tài năng. Nói như Thương thì, khi những hình ảnh các cô bé, cậu bé khóc thút thít vì nhớ nhà, sẽ gợi lại bao kỷ niệm năm xưa của mình.
Hiểu Minh