Cô đơn như HLV Toshiya Miura

(Dân trí) - Không nhiều người tin rằng HLV Toshiya Miura có thể ký tiếp hợp đồng mới, sau khi hợp đồng hiện tại chấm dứt vào tháng 4/2016. Chuyện đi hay ở là bình thường, chỉ có điều bất thường ở chỗ người ta sẵn sàng mặc cả chuyện tiền nong quanh chiếc ghế của ông HLV đội tuyển.

Thông thường trong bóng đá chuyên nghiệp, khoảng 6 tháng trước khi kết thúc hợp đồng cũ mà các bên vẫn chưa bàn về hợp đồng mới, thì khả năng tái ký không cao. HLV Miura có lẽ cũng hiểu điều này và ông cũng chấp nhận điều đó trên tư cách một HLV chuyên nghiệp.

Chưa hề nghe vị HLV người Nhật phàn nàn về chuyện ông có khả năng không còn ở lại với cương vị HLV trưởng các đội tuyển quốc gia. Cũng không hề thấy HLV Miura chểnh mảng với công việc của ông, hoặc thiếu nghiêm túc với sự chuẩn bị dành cho đội tuyển U23 Việt Nam, trước VCK U23 châu Á.

Trừ khi có phép lạ ở giải đấu nói trên, trừ khi đội tuyển U23 Việt Nam làm nên điều thần kỳ là vào sâu ở sân chơi châu lục, HLV Miura mới có khả năng ở lại. Nhưng bóng đá thì làm gì có phép lạ, thắng hay thua vẫn phải dựa trên chuyên môn, trong khi nền bóng đá của chúng ta ở đâu so với mặt bằng châu Á là điều không cần phải bàn thêm.

 

Ngay cả khi không đánh giá cao chuyên môn của HLV Miura, chúng ta cũng cần tôn trọng ông ấy trên tư cách HLV đội tuyển quốc gia (ảnh: Gia Hưng)
Ngay cả khi không đánh giá cao chuyên môn của HLV Miura, chúng ta cũng cần tôn trọng ông ấy trên tư cách HLV đội tuyển quốc gia (ảnh: Gia Hưng)

 

Cái chính nằm ở chỗ, HLV Miura biết điều đó, nhưng ông sẵn sàng từ tốn đón nhận khả năng mất việc trong tương lai không xa, tuyệt nhiên không gieo tâm lý chán nản sang các học trò, vẫn muốn họ chuẩn bị cho VCK U23 châu Á tốt nhất, chí ít là theo triết lý của riêng ông.

Từ thái độ chuyên nghiệp của HLV Miura mới thấy buồn cho hàng loạt thông tin và hàng loạt phát biểu chỉa vào vị HLV người Nhật liên tiếp trong mấy ngày qua. Thậm chí, để tăng thêm sức nặng, người ta còn “xì” ra cả thông tin cho biết có nhà tài trợ sẵn sàng chi đậm cho bóng đá Việt Nam, cho VFF, đổi lại một số điều kiện, mà một trong số những điều kiện đấy là VFF phải bỏ HLV Miura, thay bằng HLV khác theo ý của nhà tài trợ.

Đấy là sự mặc cả cho chiếc ghế của đội tuyển quốc gia hết sức nguy hiểm. HLV Miura có thể giỏi hay dở tùy theo quan điểm và tùy theo nhận xét của những người đang sử dụng ông ấy. Nếu VFF cho rằng HLV Miura là HLV tồi thì cứ việc sa thải, bởi với tư cách ông chủ, những người đứng đầu VFF có quyền làm việc ấy.

Tuy nhiên, tất cả các công đoạn đều phải thực hiện đúng các bước của bóng đá chuyên nghiệp. Riêng khi còn sử dụng HLV Miura thì chúng ta cũng nên tôn trọng ông ấy, đặc biệt là tôn trọng các quyết định về chuyên môn theo đúng thẩm quyền của HLV này.

Bóng đá chuyên nghiệp làm gì có chuyện ông chủ công khai lên mặt báo hết lần này đến lần khác chỉ trích thuộc cấp của mình, như có quan chức đứng đầu VFF vẫn liên tục làm vậy suốt thời gian vừa rồi.

Đã gọi là bóng đá chuyên nghiệp thì nếu có chia tay nhau cũng hãy tôn trọng nhau, đừng dùng đồng tiền làm áp lực nhằm vào chiếc ghế HLV đội tuyển quốc gia. Bóng đá Việt Nam vốn đang khó khăn thật, cần tiền để phát triển thật, nhưng nếu xuất hiện tư tưởng đồng tiền có thể chi phối chuyên môn thì thật nguy hiểm.

Còn nhớ hồi đầu nhiệm kỳ 7, khi bộ máy chóp bu của VFF với vài doanh nhân nghìn tỷ mới nhận nhiệm vụ, họ từng dõng dạc tuyên bố sẽ mang về cho bóng đá nội hơn 300 tỷ đồng/năm (website chính thức của AFF khi đó dẫn nguồn con số chính xác là 18,2 triệu USD/năm, tương đương với 383 tỷ đồng thời điểm đó). Bây giờ lại tiếp tục những lời hứa về tiền để đánh đổi ghế HLV đội tuyển, trong khi lời hứa cũ cũng từ miệng các doanh nhân nghìn tỷ năm nào vẫn còn chưa thấy đâu!

Trọng Vũ

 

Cô đơn như HLV Toshiya Miura - 2