Chuyện một gia đình Philippines yêu ĐTVN
“Gia đình tôi hiện nay dùng nhiều đồ Việt Nam vì chúng tôi yêu đất nước này. Cả nhà tôi hâm mộ ĐTVN và quý Quốc Anh, Văn Quyến, Quang Huy... Giấc mơ của tôi là thường xuyên được xem đội thi đấu”, Mary Ann - một phụ nữ Bacolod, nơi đội U23 ở tại SEA Games 2005, tâm sự trong chuyến thăm Hà Nội.
“Tôi đã khóc rất nhiều khi 4 cầu thủ bị bắt”
Ngày 17/11, khi đoàn bóng đá Việt Nam hạ cánh xuống Bacolod, địa điểm thi đấu môn bóng đá nam ở SEA Games 23, Mary Ann Juen không có mặt ở cửa hàng nằm ngay cạnh khách sạn Circle Inn của mình. Lúc đó, bà đang cùng với chồng Francis và cậu con trai Patrick đi ăn ở khách sạn - nơi đội Thái Lan làm đại bản doanh.
Những ngày sau đó, kể cả khi gặp cầu thủ Việt Nam vào mua hàng, Mary vẫn dửng dưng bởi : “Tôi không thích bóng đá. Ngay cả khi học trung học và sau đó là đại học, tôi chưa xem một trận đá bóng nào.
Tôi thích bóng bàn, bóng chuyền và bóng ném thôi. Trước đó, tôi cũng chẳng biết gì về Việt Nam, ngoài chiến tranh Việt Nam nên với tôi, lúc đó, cầu thủ và bóng đá Việt Nam cũng quá xa lạ”.
“Sau đó, tôi gặp Anh Đức, Đức Cường và tôi thấy họ cũng vui vẻ và hoạt bát. Nhưng người gây ấn tượng nhất với tôi là Quốc Anh - người nói tiếng Anh rất tốt và là người hài hước nhất mà tôi biết. Tôi đã nói chuyện và rất quý cậu ấy. Đó là một người thông minh và rất tình cảm.
Nói chuyện với họ, tôi không thể nhịn được cười. Họ đã gây ấn tượng mạnh cho tôi và kéo tôi đến sân xem họ đá bóng. Tôi còn nhớ, trong bữa tiệc nhỏ ở nhà tôi, thủ môn Quang Huy đã tặng tôi một cái huy hiệu Việt Nam và nói rằng đổi lại, bà phải đi xem và cổ vũ cho Việt Nam. Đó là trận bóng đá đầu tiên tôi xem và cũng là trận đấu tôi không bao giờ quên được. Đó là trận gặp Myanmar”, Mary Ann hồi tưởng.
Các cầu thủ U23 Việt Nam đến thăm gia đình Mary Ann tại Bacolod, Phillipines. |
“Khi các cầu thủ trở về Việt Nam, vài ngày sau, chồng tôi, Francis, vào mạng Internet và thông báo rằng Quốc Vượng và Văn Quyến đã bị tạm giam. Ít lâu sau là Quốc Anh và bật Hiếu. Tôi đã được đọc tin và xem ảnh cảnh họ bị bắt trên chiếc ô tô màu trắng. Đó là ngày đen tối nhất của các cầu thủ và tôi cũng cảm giác như vậy. Tôi đã khóc rất nhiều và ngày nào tôi cũng cầu nguyện cho họ.
Chồng tôi và cậu con trai liên tục cập nhật thông tin về vụ U23 dàn xếp tỷ số. Tôi đã cố gắng liên lạc với những người quen từ Bacolod, trong đó có trợ lý Hùng Cường để biết thêm thông tin. Cả gia đình tôi đều cuống cả lên mỗi khi có một thông tin gì mới. Cho đến ngày họ được tại ngoại, cả nhà tôi đã mở tiệc ăn mừng. Các cầu thủ Việt Nam đã trở thành thành viên trong gia đình tôi”, Mary Ann tiếp tục về quãng thời gian đầy cảm xúc.
Mong đưa Quốc Anh, Văn Quyến… sang Philippines du học
Trong chuyến tháp tùng Tổng thống Philippines Gloria Arroyo sang Việt Nam họp APEC vừa qua, chồng Mary Ann, ông Francis Juen là thứ trưởng một Bộ quan trọng của Philippines đã thu xếp để gặp Phó Chủ nhiệm UB TDTT, Chủ tịch LĐBĐ VN Nguyễn Trọng Hỷ để bàn bạc về phương án đưa các cầu thủ tiêu cực sang Philippines du học. Gia đình Mary Ann đề nghị UB TDTT và LĐBĐ VN lo về thủ tục hành chính, còn tài chính cho chuyến du học của các cầu thủ trên được gia Franis đài thọ toàn bộ.
Mary Ann tâm sự: “Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều trước khi đưa ra lời đề nghị đó. Tôi biết, thủ tục hành chính rất phức tạp, nhất là khi họ đang nằm trong tầm ngắm của pháp luật thì chuyện xuất cảnh là vô cùng khó khăn. Nhưng gia đình tôi vẫn muốn thử một lần và mong vào điều tốt đẹp”.
Mary Ann và Quốc Anh. |
“Chúng ta đều hiểu rằng trong thời gian bị treo giò, không đi đá bóng, các cầu thủ sẽ rất buồn. Tôi không muốn nhìn thấy họ làm những điều ngu ngốc trong những lúc buồn chán. Tôi muốn tạo điều kiện để họ đi học một ngành nghề gì đó, hoặc học văn hoá. Đó là sự đầu tư tốt cho tương lai.
Nếu họ có thể trở lại sân cỏ thì quá tốt, còn nếu không thể, họ đã có một cái nghề. Kiến thức không bao giờ là đủ cả”, Francis nhấn giải thích về quyết định mời các cầu thủ U23 đi du học.
“Chúa ơi, ESPN không phát sóng ĐTQG Việt Nam”
Gia đình Mary Ann theo dõi rất kỹ lưỡng lịch thi đấu của bóng đá Việt Nam. Tại Cup AFF vừa qua, vào những ngày Việt Nam thi đấu, họ tập trung những CĐV của đội tuyển Việt Nam, những người làm trong khách sạn Circle Inn hoặc những người dân quanh đó về nhà Mary và chuẩn bị sẵn một bữa tiệc.
Họ mặc áo có gắn cờ Việt Nam, vừa ăn tiệc, vừa xem và vừa cỗ vũ Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi Phillipines bị loại, những kênh truyền hình nước này không còn phát AFF Cup nữa. Tôi khuyên Mary mở kênh ESPN thì nhận được tin nhắn: “Chúa ơi, ESPN phát Australia mở rộng”. Mary đề nghị tôi “cập nhật thông tin, nhất là về bàn thắng của các trận đấu”.
Hình ảnh những người bạn Việt Nam tại nhà Mary Ann. |
Gia đình Mary Ann đang giúp một người bạn vận động tranh cử chức Thị trưởng Bacolod. “Nếu tôi thắng cử, Mary thích món quà gì vậy?”, người bạn hỏi. Mary trả lời ngay mà không cần suy nghĩ: “Tôi chỉ muốn một điều duy nhất là mỗi năm, ông tổ chức một giải bóng đá quốc tế và Việt Nam là đội luôn tham dự. Như vậy đã là món quà tuyệt vời với tôi rồi”.
Mary tâm sự thêm: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi có những người bạn mới, có niềm đam mê mới. Thông thường, người ta thích môn thể thao nào đó rồi mới hâm mộ cầu thủ nhưng tôi thì ngược lại. Các cầu thủ làm tôi hâm mộ bóng đá là yêu quý đất nước Việt Nam hơn. Tôi đã sang Việt Nam, ăn mắm tôm, ăn lẩu vỉa hè, uống nước gạo rang… Tôi đang có gắng trở thành người Việt nam đây.
Con trai tôi, Patrick, đang là một VĐV bơi lội của Phillipines. Cu cậu đang cố gắng để được tham dự SEA Games 23, không phải để giành HC vàng mà để gặp lại những người bạn Việt Nam mà nó cũng như gia đình tôi rất yêu quý và mến mộ. Tôi yêu Việt Nam và cảm ơn Việt Nam vì điều đó”.
Theo Lao Động