Chuyến “du học” nước ngoài của VPF bị phản đối

(Dân trí) - Kế hoạch cử khoảng 30 người sang Đức để học làm bóng đá chuyên nghiệp của công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) đang vấp phải sự phản đối của nhiều phía.

Cũng như những năm trước, theo kế hoạch ban đầu trình lên HĐQT, VPF dự kiến sẽ “hành quân” sang một quốc gia ở châu Âu để học hỏi kinh nghiệm làm bóng đá. Quốc gia này sau đó đã được quyết định là Đức – một đất nước có nền bóng đá phát triển hàng đầu thế giới.

Với thành phần dự kiến khoảng trên dưới 30 người, thời gian đi khoảng 10 ngày, sau khi các giải chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam kết thúc, có thể là vào tháng 10. Thành phần tham dự chuyến “du học” này bao gồm 6 người VFF, VPF, 24 người là Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành các CLB chuyên nghiệp.

Chuyến “du học” nước ngoài của VPF bị phản đối - 1

Chi phí cho chuyến đi được trừ vào khoản hỗ trợ tài chính hàng năm của VPF dành cho các CLB căn cứ theo bảng xếp hạng cuối mùa giải. Toàn bộ chi phí được tổng hợp và công khai đến các CLB. Theo tính toán ban đầu, chuyên đi này sẽ ngốn khoảng 3-4 tỷ đồng – một số tiền không phải là ít nếu nhìn vào tình hình tài chính VPF cũng như khâu tiếp thị, tài trợ của công ty này những năm qua.

Đây không phải là lần đầu tiên VPF tổ chức đoàn cán bộ đi “du học” nước ngoài. Từ năm 2013, VFF đã đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản. VPF cũng theo đó cử nhiều đoàn sang Nhật Bản, nhờ cậy LĐBĐ nước này hỗ trợ, giúp đỡ phát triển giải VĐQG.

Sau Nhật Bản, VPF lại tìm một điểm đến khác là Hàn Quốc trong năm 2015. Còn năm nay, với sự lựa chọn là Đức, phải chăng sự thay đổi này sẽ giúp VPF học hỏi được nhiều hơn (?!).

Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng cho biết, công ty vẫn đang chờ ý kiến của HĐQT trước khi lên kế hoạch cụ thể. Ông Cao Văn Chóng cũng khẳng định, các chuyến đi học hỏi kinh nghiệm làm bóng đá trước đây đã giúp ích rất nhiều cho các CLB Việt Nam, với cả VPF.

Việc VPF thay đổi địa điểm đi “du học” liên tục trong 3 năm và quan trọng hơn là sự hiệu quả từ những chuyến đi này tới đâu chưa có ai trả lời được. Chỉ biết rằng mỗi chuyến đi như vậy đều tốn tiền tỷ của chính các CLB bỏ ra. Nhiều người cũng nói rằng những chuyến đi như vậy học hỏi được thì ít, mà đi du lịch thì nhiều.

Trước khi VPF gửi phiếu xin ý kiến và đề nghị phản hồi chuyện “du học” tại Đức, kế hoạch này đã không nhận được sự đồng thuận từ VFF. Phát biểu trên báo chí, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cho biết mình không đồng ý với kế hoạch này bởi những vấn đề liên quan đến tài chính, khả năng tiếp thu, áp dụng vào môi trường bóng đá Việt Nam.

Một lãnh đạo CLB cũng cho rằng việc VPF lấy kinh phí là khấu trừ vào tiền hỗ trợ của các đội bóng không hợp lý. VPF nên có kế hoạch xin tài trợ cho những chuyến đi như này.

L.C