Chức vô địch FA Cup sẽ là “đòn bẩy” giúp MU trở lại?
(Dân trí) - Có lẽ, HLV Van Gaal sẽ kết thúc triều đại của mình tại MU sau khi giúp đội bóng này vô địch FA Cup. Tuy nhiên, dấu ấn cuối cùng của ông ở Old Trafford có thể trở thành điểm tựa để MU trở lại thời kỳ hoàng kim.
Trên con đường của Sir Alex Ferguson
Sir Alex Ferguson đã để lại triều đại hoàng kim ở MU. Ông là một trong những HLV sở hữu nhiều danh hiệu bậc nhất thế giới. Nhưng ai cũng biết, “ông già gân” từng trải qua chuỗi ngày tệ hại (thậm chí hơn cả Van Gaal) trong giai đoạn đầu tiên ở Old Trafford.
Cựu HLV người Scotland tiếp quản MU năm 1986 nhưng mãi tới năm 1990, ông mới giành danh hiệu đầu tiên cùng Quỷ đỏ. Rất tình cờ, ông cũng lên ngôi vô địch FA Cup sau khi đánh bại Crystal Palace trong trận chung kết.
Chính danh hiệu này đã trở thành “phao cứu sinh” giúp Sir Alex Ferguson giảm rất nhiều sức ép (mùa 1989/90, MU đúng thứ 13). Mùa giải sau đó (1990/91), ông lên ngôi ở cúp C2. Tiếp đó là siêu cúp châu Âu (1991), League Cup (1991/92). Kế đến là chức vô địch Premier League lần đầu tiên ở mùa 1992/93 và bắt đầu mở ra kỷ nguyên thành công rực rỡ cho MU.
Đặt giả sử, nếu như Sir Alex Ferguson không thể giành chức vô địch FA Cup mùa 1989/90, chưa ai biết tương lai của ông cũng như CLB MU sẽ trôi về đâu. Sự kiên nhẫn luôn có giới hạn và bản thân Sir Alex Ferguson hiểu được điều đó. Nhưng rất may, định mệnh đã không ngoảnh mặt với ông cũng như CLB.
Qua những thất bại, “ngài máy sấy tóc” đã xây dựng nền móng cho M.U. Đó là tiền đề giúp ông tạo nên kỷ nguyên thành công rực rỡ. Có vẻ như Van Gaal cũng đang đi trên con đường đó. Đáng tiếc, thời gian (Van Gaal đã già) cũng như sự phẫn nộ của CĐV đã không cho phép ông tiếp tục xây dựng công trình dang dở của mình.
Do đó, sự kiện MU giành chức vô địch FA Cup có thể sẽ là dấu chấm hết cho Van Gaal nhưng nó lại mở ra thời kỳ đầy hứa hẹn cho CLB.
Di sản của Van Gaal
Nhìn thẳng vào thực tế, Van Gaal có rất nhiều điều không được. Đầu tiên, những hợp đồng Van Gaal mang về trong 2 năm ở MU đều thất bại (ngoại trừ Martial). CLB đã ném qua cửa sổ gần 300 triệu bảng (chưa kể tiền lương) từ những thương vụ kém cỏi ấy.
Bên cạnh đó, Van Gaal đã mang tới Old Trafford lối chơi, phương pháp huấn luyện lỗi thời. “Công thức” kiểm soát bóng, triển khai lối chơi theo chiều ngang sân của ông đã bị bắt bài khá dễ dàng. Điều đó dẫn tới việc MU thường xuyên bế tắc và thực hiện rất nhiều đường chuyền ngang hoặc chuyền về. Điều đó dẫn tới việc hàng công của CLB rất kém cỏi trong mùa giải vừa qua (chỉ ghi được 49 bàn ở Premier League, ngang Sunderland).
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng người hâm mộ có thể phủ sạch công lao của HLV Van Gaal. Trong đó, đáng kể nhất là việc ông phát hiện ra rất nhiều cầu thủ trẻ sáng giá. Trong thời gian dài ở mùa này, MU đã sử dụng bộ ba tấn công trẻ măng, đó là Marcus Rashford (18 tuổi), Anthony Martial (20 tuổi) và Jesse Lingard (23 tuổi). Ngoài ra, hàng loạt cầu thủ trẻ như Varela, Borthwick-Jackson, Fosu-Mensah… đều cho thấy tiềm năng phát triển của mình.
Hay nói cách khác, MU đang sở hữu lứa trẻ đáng để chờ đợi. Hay nói cách khác, Van Gaal đã xây xong “cái móng” như Sir Alex Ferguson năm xưa. Lứa cầu thủ này hoàn toàn có thể mang tới sức bật thành công cho CLB trong tương lai (như lứa trẻ 1992 của Sir Alex Ferguson).
Nhìn lại sự nghiệp của Van Gaal, người ta mới nhận ra rằng, ông chuyên đi “xây móng” như vậy. Sau lứa trẻ hoàng kim của Ajax (Seedorf, anh em nhà de Boer, Davids, Jari Litmanen, Kanu, Overmaars, Van der Sar, Kluivert …). Ông tới Barcelona và chắp cánh cho lứa Xavi, Iniesta, Valdes, Puyol… vươn tâm. Tới Bayern Munich, Van Gaal đã giúp Toni Kroos, David Alaba, Holger Badstuber, Thomas Müller… “bước ra ngoài ánh sáng”.
BLĐ MU không sai nếu sa thải Van Gaal (khả năng này lên tới 90%) nhưng vấn đề ở chỗ, họ phải tìm kiếm một người có thể kế thừa di sản của Van Gaal. Như vậy, MU mới có thể phát triển theo dòng liền mạch. Bằng không, công sức của “Tulip thép” sẽ tan tành mây khói. Khi ấy, chẳng ai còn nhớ tới ông cũng như di sản để lại cho MU.
H.Long