Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng: “Sẽ không có đội nào bỏ giải”

(Dân trí) - Trước thông tin một số đội bóng vì khó khăn về kinh tế xin rút khỏi bóng đá, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần bóng đá Việt Nam (VPF) Võ Quốc Thắng cho hay đến giờ vẫn chưa nhận được bất cứ công văn xin rút khỏi giải của đội nào gửi đến VPF.

 

Trao đổi với chúng tôi trưa nay, ông Võ Quốc Thắng cho biết: “Cho đến giờ, VPF vẫn chưa nhận được bất cứ công văn nào từ bất cứ đội bóng nào xin rút khỏi giải. Về chưa trường hợp của Navibank SG cũng chưa có văn bản chính thức, mà chúng tôi chỉ mới biết thông tin qua báo chí. Về trường hợp này, tôi cho rằng sẽ có đơn vị khác tiếp nhận đội bóng và tiếp tục tham gia giải”.
 
 
Ông Võ Quốc Thắng chưa nhận công văn xin rút khỏi giải của CLB nào

Ông Võ Quốc Thắng chưa nhận công văn xin rút khỏi giải của CLB nào

 

Xung quanh chuyện người hâm mộ mong mỏi rằng VPF, đứng trên cương vị của nhà tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, sẽ hỗ trợ các CLB trong giai đoạn khó khăn hiện nay về mặt quy chế và tài chính, chủ tịch HĐQT công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF, ông Võ Quốc Thắng hẹn: “Về việc này, chúng tôi đang tiếp tục bàn thảo. Ngày 6/10 tới đây, trong buổi lễ tống kết mùa giải, mọi việc sẽ cụ thể hơn”.

 

Cũng vì chưa nhận được bất cứ công văn nào từ phía các đội bóng xin rút khỏi các giải đấu chuyên nghiệp, mà tạm thời VPF chưa tính đến khả năng các giải đấu trong nước sẽ giảm số đội tham gia.

 

Trợ lý của ông Thắng là ông Phạm Phú Hòa – Phó TGĐ VPF, nói thêm: “Về chuyện hỗ trợ kinh phí trực tiếp cho các CLB theo tôi là rất khó, bởi bản thân VPF cũng hoạt động dưới dạng công ty cổ phần giống như mô hình của các CLB, nên hỗ trợ tiền cho doanh nghiệp kia là rất khó. Về chuyện tăng tiền thưởng cho các danh hiệu, các đội bóng trong mùa bóng tới, các mức tăng kinh phí mới chỉ ở dạng dự kiến, vẫn còn phải bàn thảo”.

 

“Cho đến giờ, đúng là VPF chưa hề nhận được bất cứ công văn chính thức từ bất cứ CLB nào xin rút khỏi 2 giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Cũng có một số thông tin về Navibank SG hay 2 đội bóng của bầu Kiên (CLB Hà Nội ở V-League và Trẻ Hà Nội ở giải hạng Nhất), nhưng công văn chính thức về chuyện họ không đá nữa thì chưa hề có” – Ông Hòa cho biết thêm.

 

Cũng theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, VPF cho đến giờ không bổ nhiệm bất cứ nhân vật nào thay vị trí của bầu Kiên, sau khi ông Kiên bị bắt vì những sai phạm trong kinh doanh. Công việc trước đây của bầu Kiên tại VPF là phụ trách mảng tài chính và vận động tài trợ sẽ được các thành viên khác trong hội đồng quản trị VPF kiêm nhiệm.

 

Đúng là không dễ cho VPF trong thời điểm này. Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiếp nhận quyền tổ chức các giải đấu từ đầu mùa giải 2012, trong bối cảnh mà làng cầu nội đang đi đến đỉnh điểm của chu kỳ khủng hoảng. Hàng loạt doanh nghiệp bảo trợ cho các đội bóng gặp khó khăn về mặt kinh tế, trong khi hậu quả của tình trạng đầu tư ồ ạt thiếu kiểm soát và thiếu định hướng từ cơ quan điều hành bóng đá nội mỗi lúc một lớn dần.

 

Hàng loạt tồn dư ở các giải đấu trong nước hiện ra trước mắt VPF từ khoảng 1 năm qua, khiến họ mất không ít thời gian để giải quyết, như tình trạng mất niềm tin trong giới trọng tài, kêu gọi tài trợ cho bóng đá nội, chuyện một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng đá cùng một hạng đấu…

 

Chưa giải quyết dứt điểm chuyện 1 ông bầu nhiều đội bóng thì VPF lại vừa đối diện tiếp với nguy cơ các doanh nghiệp bỏ bóng đá có hệ thống vì hết tiền, theo kiểu bạo phát thì bạo tàn.

 

Có thể từ mùa bóng tới, diện mạo của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam sẽ rất khác với hình ảnh của các sân chơi này trong khoảng chục năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh như vậy, giới chuyên môn và người hâm mộ trong nước mới thật sự nhìn ra đâu là những người làm bóng đá vì sự nghiệp, còn đâu là những người mượn bóng đá để đầu cơ.

 

Trọng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm