1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ lo sợ...

Từ bất ngờ, lo lắng đến mất ngủ khi nghĩ đến viễn cảnh các doanh nghiệp ồ ạt rút lui khỏi bóng đá, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã tiếp chuyện các phóng viên tại trụ sở UBTDTT, 36 Trần Phú, Hà Nội.

Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cho rằng việc ông Hồng Thanh bị khởi tố còn Hữu Thắng và Xuân Vinh bị bắt giam là việc đã lường trước, còn chuyện bầu Đức bị khởi tố thì đúng là chuyện quá sửng sốt.

 

Xin ông cho biết tiến trình xử lý kỷ luật với P.SLNA?

 

Quyết định xử lý kỷ luật đối với P.SLNA sẽ chỉ có khi CQĐT cung cấp thông tin về đội bóng này cho VFF nói chung và Ban kỷ luật nói riêng. Tất nhiên, chưa phải là kết luận bằng văn bản như trường hợp của Đông Á - Thép Pomina và Cần Thơ. Trên cơ sở đó, Ban kỷ luật gồm 7 thành viên do ông Nguyễn Hải Hường làm Trưởng ban sẽ tiến hành họp gấp để đưa ra quyết định.

 

Tuy nhiên, việc đưa ra quyết định ngay lập tức hay không cũng như việc mức kỷ luật cụ thể như thế nào thì còn tùy thuộc vào nội dung mà CQĐT cung cấp cho chúng tôi. Tinh thần của VFF là sẽ xử lý triệt để và nhanh chóng.

 

Xin ông so sánh vụ việc của SLNA với Đông Á và Cần Thơ?

 

Trường hợp của Đông Á và Cần Thơ thì VFF nhận được văn bản chính thức của CQĐT. Việc xử lý không quá phức tạp vì mọi việc rất rõ ràng. Tuy nhiên, trường hợp của SLNA thì khó khăn hơn rất nhiều cho VFF.

 

Mang tiếng là cùng một lúc mà có đến 3 nhân vật của SLNA là các ông Hồng Thanh, Hữu Thắng và Xuân Vinh bị khởi tố, trong đó có 2 người bị bắt giam, nhưng vấn đề nằm ở chỗ động cơ và tội danh của họ như thế nào: Xuân Vinh bị bắt do “tham ô” còn Hữu Thắng thì bị bắt do “đánh bạc”(?).

 

Việc xác định SLNA chi tiền cho những ai để “mua” chiếc Cúp vô địch hiện vẫn chưa rõ ràng vì mới có lời khai từ phía SLNA, nhưng đã xác định được cụ thể những ai trong các đội CSG và Nam Định cầm tiền đâu? Số tiền 65 triệu đồng chi cho CATPHCM thì xảy ra sau khi trận đấu diễn ra và lại được đội bóng này trả lại.

 

VFF cũng muốn xử lý nhanh chóng để V-League 2006 được vận hành trơn tru, nhưng xử lý kỷ luật thì vẫn phải trên cơ sở bằng chứng mà CQĐT cung cấp là chính. Tôi lấy ví dụ Ngô Quang Trường, có người hỏi tôi tại sao không ra một án phạt tạm đình chỉ thi đấu như các cầu thủ U23 nhưng phải thú thực là chính C14 đã trả lời VFF rằng chưa đủ cơ sở để kết luận Quang Trường đưa hối lộ.

 

Liên quan đến vấn đề của ông Đoàn Nguyên Đức, xin ông cho biết cảm nghĩ cá nhân của mình về vấn đề này? Liệu trường hợp của bầu Đức có phải là “chuyện thường ngày ở huyện”, một “lệ làng” của bóng đá Việt Nam khi đội bóng quà cáp cho các trọng tài, thành viên của BTC giải?

 

Anh Đoàn Nguyên Đức là một doanh nhân có tâm huyết và cũng đã có những hành động cụ thể để giúp đỡ bóng đá Gia Lai, Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên, luật pháp thì người ta cứ căn cứ vào quy định và bằng chứng mà làm việc thôi. Ý thức luật pháp cũng như hành vi của mình sẽ tác động đến hậu quả, biết làm thế nào khác được.

 

Cái mà tôi, với tư cách là Chủ tịch VFF, lo lắng chính là sự hiểu biết về luật pháp còn chưa tốt của các cá nhân liên quan, trong đó có cả các doanh nhân đầu tư vào bóng đá.

 

Còn lo lắng hơn nữa là viễn cảnh các doanh nghiệp hiện đang đầu tư vào bóng đá thì xao động còn những ai đang có ý định đầu tư vào bóng đá thì chần chừ và chưa biết chừng thay đổi quyết định. Như thế thì quá trình xã hội hóa bóng đá giậm chân tại chỗ mất. Tôi đang nghĩ đến chuyện có một cuộc gặp gỡ, hội thảo với Hội doanh nghiệp trẻ Việt Nam để cùng nhau nhìn nhận, thảo luận các vấn đề về tiêu cực.

 

Bóng đá thời bao cấp thì chuyện xin - cho điểm, quà cáp là chuyện phổ biến, nhưng đến thời buổi cơ chế thị trường với sự hoành hành của đồng tiền “đen” cũng như Việt Nam đã và đang xây dựng một Nhà nước pháp quyền với sự điều chỉnh rộng khắp của luật pháp thì những doanh nhân giúp đỡ và đầu tư cho bóng đá phải làm thế nào vừa đảm bảo tính năng động trong cơ chế thị trường vừa đảm bảo tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định, không vi phạm luật pháp là một vấn đề mấu chốt. 

 

Theo An Hưng

SGGP