1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Thể thao Việt Nam hướng đến Olympic London 2012

Chỉ tiêu giành huy chương Olympic: Không dễ với đoàn Việt Nam

(Dân trí) - Quyết tâmgiành huy chương là một chuyện, còn thực tế lại là hoàn toàn khác. Lịch sử các kỳ tham dự Olympic, TTVN mới chỉ 2 lần giành huy chương ở năm 2000 và 2008. Điều đó cho thấy, tại kỳ Olympic này, đoàn Việt Nam chắc chắn sẽ đối mặt nhiều khó khăn.

Kể từ khi tham dự Olympic, TTVN mới có 2 tấm HCB ở các môn taekwondo và cử tạ. Nếu như tấm HCB của Hiếu Ngân tại Olympic 2000 là một bất ngờ cực lớn thì tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn tại Olymopic Bắc Kinh 2008 được nhiều người dự đoán từ sớm.
 
Olympic năm nay, cử tạ và teakwondo vẫn có mặt và tiếp tục là 2 niềm hy vọng sẽ có huy chương. Tuy nhiên, dường như hai môn này vẫn chỉ dừng lại ở sự kỳ vọng vào may mắn nào đó, chứ chưa thật sự “chắc ăn” như trước.
 
Quốc Toàn là niềm hy vọng lớn nhất của TTVN tại Olympic London
Quốc Toàn là niềm hy vọng lớn nhất của TTVN tại Olympic London

 

Ở môn cử tạ, Trần Quốc Toàn là một trong những VĐV cùng thời với Á quân Olympic 2008 Hoàng Anh Tuấn. Có tố chất, hình thể nhưng không may mắn cho Quốc Toàn khi thời gian đỉnh cao, cái bóng của Hoàng Anh Tuấn là quá lớn. Đó là lý do mà suốt nhiều năm qua, Quốc Toàn gần như không được ai biết đến. Chỉ đến khi Hoàng Anh Tuấn dính doping phải nghỉ thi đấu, Toàn mới được được trao cơ hội. Ngay lập tức, võ sĩ người Đà Nẵng đã tỏa sáng với những thành tích rất ấn tượng.

 

Tại giải VĐTG 2011, Quốc Toàn giành vị trí thứ 4. Tại SEA Games 26 trên đất Indonesia, Quốc Toàn mang về tấm HCV với thành tích tổng cử 280kg. Tại giải VĐ châu Á đồng thời cũng là vòng tuyển chọn Olympic ở Hàn Quốc hồi tháng 4, chỉ vì có cân nặng nhiều hơn đô cử người Trung Quốc Li Fabin 0,08kg mà Trần Lê Quốc Toàn hụt tấm HCV đầy tiếc nuối, nhưng cũng đủ giúp Toàn có chiếc vé chính thức cho TTVN.

 

Mừng vì sự tiến bộ của Quốc Toàn thời gian qua, nhưng rõ ràng, để có thể cạnh tranh sòng phẳng tấm HCĐ trở lên, Toàn bắt buộc phải nâng cao thành tích của mình lên tối thiểu là 285kg tổng cử. Theo thông tin của BHL, thành tích trong tập luyện của Trần Lê Quốc Toàn hiện nay ổn định là 285kg, mức tạ đủ khả năng cạnh tranh huy chương tại Olympic.

 

Thế nhưng, thành tích trong tập luyện và thi đấu khác nhau hoàn toàn. Bài học của lực sỹ trẻ Thạch Kim Tuấn vẫn còn nguyên tại SEA Games 26. Áp lực khi bước vào giải khác xa hoàn toàn với lúc tập luyện và đa số, các VĐV thường nâng được mức tạ thấp hơn so với tập luyện. Đây là một điểm yếu chưa thể khắc phục với các VĐV Việt Nam bởi chúng ta chưa rèn cho mình sự bản lĩnh, lỳ lợm và sự ổn định về sức mạnh cơ bắp.

 

Dù sao thì Quốc Toàn vẫn là niềm hy vọng lớn nhất và tất cả cùng chờ vào sự bùng nổ của lực sỹ này.

 

Cũng như các kỳ Olympic trước, taekwondo tiếp tục được điểm danh là một trong những hy vọng huy chương của đoàn TTVN, bênh cạnh cử tạ. Song theo thông tin tìm hiểu về các đối thủ, ở hạng 58kg nam môn taekwondo, Lê Huỳnh Châu không có nhiều hy vọng vì có quá nhiều đối thủ mạnh như hai nhà vô địch thế giới Joel Gonzalez (Tây Ban Nha), Lee Dae-Hoon (Hàn Quốc), Á quân Olympic Gabriel Mercedes (Dominica), Á quân thế giới Damian Villa (Mexico)...
 
Hà Thanh vẫn tồn tại khoảng cách khá xa với mốc điểm cạnh tranh huy chương
Hà Thanh vẫn tồn tại khoảng cách khá xa với mốc điểm cạnh tranh huy chương

 

Khả năng gây bất ngờ của Chu Hoàng Diệu Linh (hạng 67kg nữ) được đánh giá cao hơn bởi sự chênh lệch trình độ với các đối thủ hàng đầu không quá lớn, nhưng võ sỹ này lại đang chấn thương và không có nền tảng thể lực đảm bảo. Trưởng bộ môn taekwondo (TC TDTT) Vũ Xuân Thành hy vọng rằng, với sự chuẩn bị tốt nhất thời gian qua, 2 võ sỹ của Việt Nam sẽ bước vào Olympic với sự tự tin cao nhất.

 

Tất nhiên, để hy vọng có huy chương, taekwondo cũng trông chờ rất nhiều vào lá phiếu bốc thăm.

 

Niềm hy vọng thứ 3, sẽ là TDDC, nơi mà TTVN có tới 3 VĐV, trong đó có Hà Thanh từng lọt vào tốp 3 giải VĐTG năm ngoái. Song, những nhà chuyên môn có thừa tỉnh táo để nhận ra rằng, sân chơi thế giới với Olympic là một khoảng cách rất lớn.

 

Thành tích tốt nhất mà Hà Thanh đạt được tại giải vô địch thế giới là 14,666 điểm, trong khi để có cơ hội tranh chấp huy chương, Hà Thanh buộc phải nâng độ khó để có tối thiểu mức điểm 15,000 điểm trở lên. Đây là mức điểm không hề đơn giản bởi thực tế kể từ khi có vé tham dự Olympic, Hà Thanh cũng như các VĐV TDDC chưa được đầu tư một cách tương xứng nhất.

 

Những niềm hy vọng còn lại, có thể kể đến Tiến Minh (cầu lông), Nguyễn Thị Lụa (vật) và Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Văn Ngọc Tú (judo). Đây đều là các VĐV đã từng đoạt nhiều thành tích quốc tế nhiều năm qua, nhưng có lẽ làm được điều tương tự ở sân chơi Olympic, sẽ phải trông chờ nhiều vào yếu tố may mắn, hơn là trình độ chuyên môn. Còn các môn còn lại như bơi lội, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm...có lẽ chỉ tham dự với mục tiêu vượt lên chính mình.

 

Cơ hội huy chương với TTVN tại Olympic tới, rõ ràng là vô cùng khó khăn. Thế nhưng trong thể thao, chưa thể nói trước điều gì. Hy vọng với quyết tâm cao cùng tâm lý thoải mái, các VĐV sẽ thi đấu với trên 100% sức lực để mang vinh quang về cho tổ quốc.

 

Hiểu Minh