(Dân trí) - Các ông chủ mới của Chelsea đã chi khoảng 750 triệu USD để đội bóng này chiêu mộ tân binh trong vòng hơn một năm qua. Số tiền ấy khiến tất cả phải bối rối.
Các ông chủ mới của Chelsea đã chi khoảng 750 triệu USD để đội bóng này chiêu mộ tân binh trong vòng hơn một năm qua. Số tiền ấy khiến tất cả phải bối rối.
Vài giờ cuối cùng của kỳ chuyển nhượng tháng Giêng hối hả trôi, một nhóm nhỏ bộ phận chuyển nhượng của Chelsea vội vã cố gắng cùng nhau hết sức để hoàn tất thỏa thuận trị giá 131 triệu USD biến Enzo Fernandez, tiền vệ 21 tuổi người Argentina, trở thành cầu thủ đắt giá nhất lịch sử Premier League. Trong khi đó, Todd Boehly, nhân vật nổi bật nhất trong nhóm chủ sở hữu Chelsea, đang nói chuyện điện thoại để cố gắng ký hợp đồng với một cầu thủ khác.
Kể từ khi đến Premier League vào tháng 5 năm ngoái, Boehly thực hiện cách tiếp cận thị trường chuyển nhượng thật khác thường, khi luôn dẫn đầu mọi cuộc đua giành chữ ký những cầu thủ trẻ tiềm năng thay vì nhắm tới ngôi sao hàng đầu. Vào mùa hè, ông tự bổ nhiệm bản thân vào chức Giám đốc thể thao (GĐTT) tạm quyền của Chelsea. Bây giờ ông đã rời khỏi vị trí này nhưng cơn thèm khát mua sắm của nhà tài phiệt này chưa bao giờ suy giảm.
Vì vậy, khi Behdad Eghbali, người sáng lập Clearlake Capital, một trong những đồng sở hữu Chelsea, đang điều chỉnh vài điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng Fernandez với Benfica, Boehly quyết định rằng ông sẽ đích thân theo dõi cuộc đàm phán khác, khi một thành viên trong ban tuyển dụng của câu lạc bộ (CLB) vừa gửi thư điện tử (e-mail) đến Italy cho đội bóng Fiorentina. Ngoài việc chiêu mộ Fernandez, Boehly còn muốn Chelsea ký hợp đồng với Sofyan Amrabat, một phát hiện khác tại World Cup, theo dạng cho mượn.
Dù vậy, kế hoạch này không thành. Fiorentina vẫn muốn giữ tuyển thủ Morocco, và ngay cả khi cân nhắc để Amrabat ra đi, đội bóng này chỉ gật đầu nếu và chỉ nếu nhận được một khoản phí chuyển nhượng cao nhất, tất nhiên theo dạng mua đứt bán đoạn.
Boehly tuyên bố mức giá 8 con số Fiorentina đưa ra là phi lý. Một lãnh đạo đội bóng Ý đáp lời bằng cách hỏi người đàn ông quyền lực nhất Stamford Bridge rằng ông cảm thấy thế nào nếu bỗng dưng một số CLB xuất hiện vào ngày cuối cùng của kỳ chuyển nhượng và cố cuỗm đi một trong những tài năng sáng giá nhất của Chelsea với giá trẻ. Cuộc nói chuyện và đàm phán kết thúc đột ngột.
Sau cùng, Amrabat là mục tiêu hiếm hoi bị bỏ lỡ của Chelsea trong một tháng đội bóng này chi tiêu đến nghẹt thở và khiến ngay cả những trọc phú cũng phải há hốc mồm. Chỉ còn vài phút rảnh rỗi trước khi thị trường chuyển nhượng đóng cửa, Chelsea đã hoàn tất thủ tục giấy tờ để đăng ký Fernandez, bản hợp đồng thứ 8 của CLB trong phiên chợ Đông này. Số tiền The Blues chi ra để có tiền vệ người Argentina gấp khoảng 10 lần số tiền chỉ chừng nửa năm trước, Benfica đã chi cho River Plate.
Thương vụ đắt giá nhất lịch sử Premier League này đã nâng tổng số tiền Chelsea chi trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng lên tới 370 triệu USD, con số thể hiện kiểu chi tiêu vung vãi vẫn thường bị chỉ trích là trọc phú mới nổi cho dù Chelsea đã là thế lực suốt hai thập niên và những ông chủ mới của đội bóng này vốn là những nhà tài phiệt sành sỏi, lâu đời.
Con số ấy cũng là kỷ lục về số tiền một CLB từng chi ra trong một kỳ chuyển nhượng và nhiều hơn bất kỳ đội bóng nào ở các giải đấu hàng đầu của Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Italy cộng lại. Tổng quát hơn, kể từ khi Boehly và Eghbali nắm quyền, Chelsea đã chi khoảng 750 triệu USD để đại tu đội hình từng vô địch Champions League chỉ 2 năm trước.
Những ông chủ mới của Chelsea đã mua sắm điên cuồng bằng sự kiêu hãnh hoặc kiêu ngạo và sự tập trung cao độ, tới mức khiến cho những nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm bậc nhất của bóng đá châu Âu cũng phải kinh ngạc. Chẳng hạn như Sergei Palkin. Hồi đầu tháng trước, vị Chủ tịch của CLB Shakhtar Donetsk đang ngồi thư giãn trong khu nghỉ mát Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ thì nhận được cuộc gọi từ Eghbali.
Vài tuần trước, Chelsea đã yêu cầu Shakhtar cho thêm thời gian để cân nhắc về lời đề nghị dành cho cầu thủ chạy cánh Mykhailo Mudryk. Vì vậy, The Blues dần tụt lại phía sau so với đội bóng cùng thành phố Arsenal trong cuộc đua giành chữ ký Mudryk. Pháo thủ thành London thậm chí đã bắt đầu thảo luận với Shakhtar về các điều khoản trong hợp đồng và trên mạng xã hội, tài năng 22 tuổi người Ukraine tỏ vẻ hân hoan về việc sắp gia nhập một đội bóng lớn.
Rồi Eghbali gọi. "Ông ta nói: 'Tôi đang ở đây'.", Palkin chia sẻ với The New York Times. "Tôi nói: 'Ý ông nói 'ở đây' là sao? Ông ta nói với tôi rằng ông ta đang ở trong khách sạn". Eghbali đến Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay riêng vào sáng hôm ấy. Sau cuộc nói chuyện chóng vánh, Eghbali lên máy bay ngay trong ngày để trở về Stamford Bridge cùng thỏa thuận chiêu mộ Mudryk với giá 108 triệu USD trong cặp táp. Palkin cho biết đề nghị của Chelsea "cụ thể" hơn Arsenal: Họ đã đề nghị trả khoản phí 9 con số cho Mudryd trong 2 năm thay vì 4 năm như Arsenal.
Eghbali còn để lại cho Palkin ấn tượng rằng các chủ sở hữu của Chelsea có kế hoạch nghiêm túc và mạch lạc cho đội bóng họ đã mua lại từ Chelsea, thay vì cố tranh nhau giành lấy hào quang từ các thương vụ bạc trăm.
Chủ tịch Shakhtar cho biết Eghbali đã vạch ra tầm nhìn dài hạn về những gì họ muốn Chelsea trở thành. "Họ muốn đầu tư vào cầu thủ, cơ sở hạ tầng mới; họ có kế hoạch xây dựng sân bóng mới", Palkin cho biết. "Ít nhất thì doanh thu của Chelsea sẽ tăng lên. Trong 3 hoặc 4 năm nữa, Chelsea nhìn sẽ rất chuyên nghiệp".
Tuy nhiên, đánh giá tổng quan, cách nhìn nhận của Palkin không phổ biến. Dưới thời Abramovich, Chelsea lỗ trung bình 1 triệu USD mỗi tuần, khoản tiền chỉ được bù đắp bằng cách bơm tiền từ tài khoản kếch xù của vị tỷ phú gốc Nga. Boehly, Eghbali và nhóm đầu tư của họ lên kế hoạch cân bằng sổ sách như thế nào vẫn chưa rõ ràng, nhất là với số tiền khổng lồ đã chi vào thị trường chuyển nhượng.
Có vẻ như cơ chế ưa thích của các ông chủ Chelsea là trì hoãn thanh toán các giao dịch. Mặc dù đội bóng sẽ trả trước phần lớn phí chuyển nhượng hoặc trả dần trong vài năm, giá mua lại thường được dàn trải trong suốt thời hạn hợp đồng của cầu thủ, hay còn gọi là quá trình khấu hao. Làm như vậy cho phép đội bóng phân bổ chi phí mua những cầu thủ đắt tiền trong nhiều năm và cho phép đội bóng nằm trong mức kiểm soát chi tiêu theo yêu cầu thủ Premier League và UEFA (Liên đoàn bóng đá châu Âu).
Trong một số thương vụ đắt giá nhất đã thực hiện, Chelsea tìm cách hạch toán để tạo lợi thế trong quá trình khấu hao. Ví dụ như Wesley Fofana, hậu vệ gia nhập The Blues từ Leicester City trong kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái. Cầu thủ người Bờ Biển Ngà ký hợp đồng trị giá 70 triệu bảng, tương đương gần 85 triệu USD, nhưng ký hợp đồng có thời hạn 7 năm, đồng nghĩa mỗi năm The Blues chỉ phải bỏ ra 10 triệu bảng phí chuyển nhượng cho Fofana. Mudryk thì ký hợp đồng 8 năm. Tương tự, Enzo Fernandez, cầu thủ đắt giá nhất, cam kết gắn bó với đội chủ sân Stamford Bridge đến năm 2031, 8 năm.
Tuy nhiên, thủ thuật này không phải không được để ý. Vấn đề này đã được đưa ra tại một cuộc họp của ban điều hành UEFA vào tháng trước và một số đội bóng đã liên hệ với Andrea Traverso, Giám đốc điều hành Nghiên cứu và phát triển tài chính bền vững của UEFA, để hỏi cơ quan quản lý bóng đá châu Âu về kế hoạch thực hiện để khắc phục lỗ hổng như Chelsea đang khai thác. Một thông tin khác, bắt đầu từ mùa hè này, UEFA sẽ chỉ cho phép các đội khấu hao hợp đồng trong thời hạn tối đa 5 năm khi phân tích xem các đội có tuân thủ các quy tắc tài chính hay không.
Các hợp đồng dài hạn quá mức không phải là mối quan tâm duy nhất. Trong số các đồng nghiệp và đối thủ của Chelsea, phản ứng trước việc các CLB chi tiêu quá mức để mua sắm cầu thủ là điều khó hiểu. Trong các cuộc phỏng vấn với hàng tá Giám đốc điều hành của các đội ở cả Premier League và khắp châu Âu, tất cả đều trả lời với yêu cầu ẩn danh vì không muốn bị phát hiện việc bình luận chiến lược kinh doanh của đội bóng khác, bởi lẽ chẳng hạn rất ít người có thể nhận ra sự logic trong cách tiếp cận của các ông chủ Chelsea.
Một số ý kiến cho rằng số lượng cầu thủ khổng lồ Chelsea đang sở hữu, với hơn chục tân binh trong hai kỳ chuyển nhượng gần nhất, khiến thật khó để nhận ra chiến lược thể thao nào rõ ràng ngoài mục tiêu tích trữ tài năng trẻ hàng đầu thế giới với bất kể giá nào. Những người khác tự hỏi liệu có hợp lý không khi một đội bóng sở hữu học viện thành công bậc nhất châu Âu lại đi "phủ nhận" thành quả bằng cách chiêu mộ sao trẻ từ nơi khác. Đến hiện tại, các ông chủ của Chelsea cũng rất hiếm khi giải thích hoặc lý giải ý đồ đằng sau việc mua sắm tài năng trẻ một cách điên cuồng.
Tại Anh, phần đa tin rằng hầu hết khoản phí chuyển nhượng Chelsea thực hiện trong vài tháng qua sẽ đẩy giá cầu thủ lên cao nữa, mặc dù không ai dám chắc đó là The Blues vô tình hay hữu ý.
Phần còn lại của châu Âu, nỗi sợ hãi lớn hơn một chút. Một vị lãnh đạo tại một CLB hàng đầu chỉ trích Chelsea đang "phá hủy thị trường", quan điểm được ủng hộ bởi Javier Tebas, Chủ tịch La Liga, cơ quan tổ chức và điều hành giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha. "Thị trường Anh đã bị pha tạp", ông này cho biết. "Đó là cuộc chơi thua lỗ hàng tỷ bảng trong vài năm qua, được bảo trợ bằng sự đóng góp, trong trường hợp này, là những nhà đầu tư nguời Mỹ".
Trong khi hầu hết các vị Giám đốc điều hành CLB đều ngay lập tức hiểu mục đích kéo dài hợp đồng của Chelsea, phần lớn vẫn không hiểu liệu đội bóng này có mạo hiểu thái quá khi đặt cược cả tương lai dài hạn vào những thương vụ cho dù đắt giá nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ thất bại. Xét cho cùng, việc kéo dài hợp đồng có thể làm giảm tác động tài chính ngay lập tức với ngân quỹ của Chelsea, do đó giúp đội bóng này đáp ứng cơ chế kiểm soát tài chính vẫn còn dựa nhiều vào lý thuyết của bóng đá châu Âu, nhưng không đại diện cho dòng tiền thực tế của CLB.
Chelsea vẫn phải trả phí chuyển nhượng trong ngắn hạn, phải trả nhiều tiền hơn cho các cầu thủ vì ký hợp đồng dài hạn thay vì hợp đồng phổ thông. Và như đã đề cập, nếu các cầu thủ không thể hiện được tiềm năng đúng kỳ vọng, hợp đồng đắt giá ấy coi như thất bại và lỗ vốn.
Không chỉ vậy, việc mua sắm nhiều cũng đẩy Chelsea vào thế khó bán cầu thủ. Khi Eghbali đang đàm phán để có Fernandez và Boehly đang đưa ra giá cuối cùng cho Amrabat, một trong những cầu thủ hiện tại của Chelsea, Hakim Ziyech, đang ngồi trong văn phòng của PSG để chờ xác nhận ra đi.
Thỏa thuận đã đạt được chỉ trong khoảng một tuần. Lúc ấy, cuộc đàm phán diễn ra hanh thông và đôi bên đều thoải mái, tới mức Boehly còn gợi ý QSI, chủ sở hữu PSG, về đề nghị hợp tác xây sân bóng mới của Chelsea. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua đến thời hạn chuyển nhượng, các quan chức của PSG bắt đầu lo ngại về việc Chelsea liên lạc không thường xuyên và thiếu kịp thời.
Năm phút trước thời hạn - lúc 10:55 chiều giờ địa phương - Chelsea cuối cùng đã gửi hồ sơ cho PSG. Nhưng trong hợp đồng lại xảy ra sơ suất do… lỗi đánh máy. Sơ suất nhỏ nhưng hệ lụy quá lớn. Hợp đồng không kịp chỉnh sửa để ký kết. Kỳ chuyển nhượng đã đóng cửa. PSG không đăng ký được bản hợp đồng mới.
Ziyech, quẫn trí, phải quay trở lại phía tây thành London, nơi có rất nhiều đồng đội mới đang chờ đợi anh, trong đó có ít nhất hai người chơi cùng vị trí với anh. Chelsea bây giờ không cần anh nữa. Tuy nhiên, The Blues phải trả lương cho cầu thủ này trong 6 tháng nữa. Và đến kỳ chuyển nhượng mùa Hè, giá của Ziyech còn giảm sâu…
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên