"Chấn thương của Hùng Dũng rất nặng, nhưng sẽ sớm trở lại sân cỏ"

Thế Nam

(Dân trí) - Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức, trường hợp bị gãy chân của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng là dạng chấn thương rất nặng.

Theo dõi pha bóng dẫn tới chấn thương kinh hoàng của tiền vệ Đỗ Hùng Dũng trong trận đấu giữa CLB TP.HCM và CLB Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Y học thể thao Bệnh viện Việt Đức cũng bày tỏ sự lo lắng cho sự nghiệp của cầu thủ sinh năm 1993.

Trao đổi với PV Dân trí, PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết, việc Hùng Dũng bị gãy cả xương chày và xương mác là dạng chấn thương nặng nhất trong các trường hợp bị gãy chân khi chơi thể thao. "Tôi theo dõi thông tin trên báo thì thấy Hùng Dũng bị gãy vào phần thân xương, là chấn thương nặng nhất trong các trường hợp bị gãy chân thường hay xảy ra ở thể thao, đặc biệt là do đá bóng", PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết.

Chấn thương của Hùng Dũng rất nặng, nhưng sẽ sớm trở lại sân cỏ - 1

Phim chụp X-Quang của Hùng Dũng cho thấy phần gãy nằm gần cổ chân, thuộc phần thân xốp nên có khả năng nhanh liền hơn

Theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, với trường hợp bị gãy chân như của Hùng Dũng, các bác sĩ bắt buộc phải phẫu thuật và cố định đoạn xương bị gãy bằng đinh, nẹp vít, làm sao để cố định vững chắc và cố định thẳng nhất để giúp xương sớm liền và thuận lợi trong quá trình phục hồi.

Chấn thương của Hùng Dũng rất nặng, nhưng sẽ sớm trở lại sân cỏ - 2

Các bác sĩ ở bệnh viện Sư Vạn Hạnh đang tiến hành phẫu thuật nẹp xương cố định cho tiền vệ Hùng Dũng.

"Sau khi phẫu thuật cố định xương, bệnh nhân sẽ cần phải trải qua quá trình phục hồi chức năng vận động, vận động các khối lân cận quanh vùng xương gãy, tập chủ động dần dần. Khi xương bắt đầu liền mới tập tỳ đè để xương làm quen với việc chống chịu. Đặc biệt không được tỳ đè sớm dẫn tới xương bị gãy trở lại", PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết.

Cũng theo PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh, đoạn xương bị gãy của Hùng Dũng theo như phim chụp X-Quang là nằm gần phần cổ chân, thuộc phần thân xốp sẽ thuận lợi cho quá trình tái tạo và liền xương nhanh hơn so với việc gãy ở giữa hoặc gần đầu gối.

Tình trạng chấn thương của Hùng Dũng ở mức khá nghiêm trọng, cả 2 xương đều bị gãy nhưng may mắn là vị trí gãy ít di lệch, không bị dập nát hoặc vỡ xương phức tạp. 

"Hùng Dũng cũng chỉ mới 27 tuổi, là tuổi thanh niên nên xương sẽ phục hồi nhanh hơn so với độ tuổi trung niên hoặc người già. Rất may Hùng Dũng không gặp tổn thương dây chằng, cơ, mạch máu hay thần kinh nên quá trình phục hồi cũng thuận lợi hơn. Nếu điều trị tốt, Hùng Dũng vẫn có thể sớm trở lại sân cỏ", PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh nhận định.

Chấn thương của Hùng Dũng rất nặng, nhưng sẽ sớm trở lại sân cỏ - 3

PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh (áo trắng) nhận định tiền vệ Hùng Dũng phải mất từ 6 đến 9 tháng để phục hồi chấn thương và quay trở lại sân cỏ (trong ảnh là PGS-TS Nguyễn Mạnh Khánh đang thăm khám cho bệnh nhân bị gãy chân tại BV Việt Đức).

Phó viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Việt Đức cũng cho biết thời gian để Hùng Dũng phục hồi chấn thương nhanh nhất từ 6 đến 9 tháng với điều kiện không có những biến chứng xảy ra trong quá trình điều trị, phục hồi chức năng. Ông cũng hi vọng tuyển thủ Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn, sớm trở lại thi đấu sau tai nạn không may này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm