Chân dung 6 cầu thủ nhúng chàm trong vụ bán độ ở CLB Đồng Nai

(Dân trí) - Những cầu thủ tham gia vụ bán độ tại CLB Đồng Nai, đều là cầu thủ tài năng, có thu nhập cao và có tương lai sáng sủa. Thế nhưng, vì những đồng tiền bất chính, tất cả đã tự khép lại cánh cửa sự nghiệp của mình, đối mặt với những ngày tháng tăm tối…

Khó có thể hình dung một đội bóng có nhiều cầu thủ bán độ như thế. Và cũng thật bất ngờ, khi chính đội trưởng CLB Đồng Nai Nguyễn Hữu Phát, lại là chủ mưu của vụ bán độ đang gây xôn xao dư luận.

Hữu Phát được xem là công thần của bóng đá Đồng Nai khi giúp đội bóng miền Tây vô địch giải U19 quốc gia năm 2007, vô địch giải U21 năm 2010. Năm 2012 Hữu Phát chia tay Đồng Nai về thi đấu cho Khánh Hòa. Sau khi đội bóng thành phố biển Nha Trang giải thể, Hữu Phát ra Hải Phòng thi đấu một năm. Đầu mùa bóng này, anh xin trở lại Đồng Nai khoác áo đội bóng quê hương và được bầu làm đội trưởng. Trong những năm khoác áo Đồng Nai, Hữu Phát không chỉ có chuyên môn tốt, mà còn là chỗ dựa tinh thần cho cả đội.

Các cầu thủ Đồng Nai đã đánh mất chính mình - Ảnh: Gia Hưng

Một số cầu thủ Đồng Nai đã đánh mất chính mình - Ảnh: Gia Hưng

Ngày khai mạc V-League 2014 trên sân Đồng Nai, chính Hữu Phát được đại diện cho cầu thủ lên đọc tuyên thệ thi đấu trung thực, cao thượng, tôn trọng điều lệ giải.

Thế nhưng, những lời tuyên thệ đó càng khiến hình ảnh một cầu thủ được yêu quá trở nên rất xấu. Hữu Phát lại chính là người chủ mưu trong vụ bán độ tại CLB Đồng Nai. Trong trận đấu với Than Quảng Ninh, Hữu Phát Hữu Phát cầm đầu với kèo ra thắng cách biệt 2 bàn, bán với giá 400 triệu. Với việc là chủ mưu, Hữu Phát chắc chắn sẽ đối mặt với án phạt nặng nhất trong số 6 cầu thủ Đồng Nai dính chàm.

Long Giang là cầu thủ nổi nhất trong số những cầu thủ bán độ. Năm 2002 là lần đầu tiên VCK giải U15 QG được tổ chức, Long Giang được đánh giá như một viên ngọc thô. 5 năm sau, Long Giang đã là thành viên chính thức của đội tuyển U23, anh tham dự liền 3 kỳ SEA Games 24, 25, 26.

Sau khi đầu quân cho Navibank SG rồi XMXT. Sài Gòn, Long Giang đầu quân cho Đồng Nai và mau chóng trở thành trụ cột của đội bóng này. Tại đây, Long Giang được hưởng mức lương 25 triệu đồng/tháng cùng mức lót tay 400 triệu đồng/mùa giải. Cộng với tiền thưởng sau mỗi trận thắng, mức thu nhập của Long Giang thuộc tốp đầu các cầu thủ Đồng Nai. Được biết, gia đình Long Giang cũng rất có điều kiện. Cầu thủ sinh năm 1988 quê gốc Gò Công - Tiền Giang sinh ra trong một gia đình khá giả khi có bố mẹ đều là dân kinh doanh.

Mới đây, Long Giang cũng suýt được cân nhắc được gọi lên tuyển dưới thời HLV Miura. Một sự nghiệp đầy sáng sủa phía trước, thì trung vệ này lại bị phát hiện tham gia đường dây dàn xếp tỷ số cùng các đồng đội tại Đồng Nai. Với việc bị cơ quan điều tra xác định là có tham gia dàn xếp tỷ số, cánh cửa tương lai coi như đã đóng sập trước mặt tài năng trẻ một thời của bóng đá Việt Nam này.

Trong danh sách 6 cầu thủ Đồng Nai bị cơ quan điều tra triệu tập, hậu vệ Phan Lưu Thế Sơn từng dính vào nghi án bán độ trong màu áo đội tuyển U19 Việt Nam năm 2010. Tại giải bóng đá U21 quốc tế do báo Thanh Niên tổ chức trên sân Thống Nhất năm 2010, phút 38 trong trận đấu giữa U19 Việt Nam và U21 Singapore, trung vệ Thế Sơn đã bất ngờ xoay người đá thẳng bóng về lưới nhà từ cự ly khoảng 40m.

Pha bóng vừa nhắc làm người ta liên tưởng lại tình huống gây xôn xao dư luận một thời, trung vệ Lã Xuân Thắng đá thẳng vào lưới thủ môn Đỗ Thành Tôn trong trận Công an Hà Nội gặp An Giang năm 1997. Sau pha bóng được cho là “có mùi” đó, Thế Sơn mất vị trí ở đội trẻ Hà Nội T&T, trước khi vào Nam đầu quân cho XMXT Sài Gòn và sau đó là Đồng Nai.

Đức Thiện lại chỉ mới được thi đấu ở mùa giải năm nay trong màu áo Đồng Nai. Trước đó, Thiện không được thi đấu vì dính đơn kiện từ phía Bình Định bởi phía Bình Định nói rằng Đức Thiện đã không hoàn thành nghĩa vụ với đội bóng này. Cùng với Đức Thiện, những Niệm Tiến, Kiên Trung cũng đều được đánh giá có sự cố gắng trong tập luyện, đạo đức tốt, nhưng tất cả đã tự đánh dấu chấm hết cho mình khi tham gia bán độ.

Lê Cường