Cầu thủ Việt Nam thua xa Indonesia, Thái Lan ở khả năng xuất ngoại

Trọng Vũ

(Dân trí) - Sau khi Công Phượng rời Nhật Bản về nước, không còn cầu thủ nào của bóng đá Việt Nam đang khoác áo các CLB nước ngoài.

Theo thống kê của Soccerway, không có cầu thủ nào của bóng đá Việt Nam (chỉ tính các cầu thủ nam) đang thi đấu ở nước ngoài. Trong khi đó, con số tương ứng của bóng đá Philippines là 22 người, Indonesia có 21 cầu thủ, Thái Lan 12 cầu thủ, còn Malaysia có 5 cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài.

Ngay đến các nền bóng đá bị đánh giá rất yếu ở Đông Nam Á gồm Lào và Timor Leste, mỗi nước cũng có hai cầu thủ đang đá bóng bên ngoài lãnh thổ nước họ. Con số này ngang với Singapore và Myanmar.

Cầu thủ Việt Nam thua xa Indonesia, Thái Lan ở khả năng xuất ngoại - 1

Công Phượng (7) là cầu thủ gần nhất của bóng đá Việt Nam thi đấu ở nước ngoài (Ảnh: Đỗ Minh Quân).

Cũng theo Soccerway, 3 nền bóng đá khu vực Đông Nam Á không có bất kỳ cầu thủ nào đang thi đấu ở nước ngoài, gồm Việt Nam, Campuchia và Brunei.

Với Philippines, việc cầu thủ của họ đang thi đấu ở nước ngoài gần như đương nhiên, vì Philippines chủ yếu sử dụng cầu thủ có gốc gác nước họ từ nước ngoài, trở về khoác áo đội tuyển quê hương.

Với Indonesia, không tính nhóm các cầu thủ nhập tịch, họ vẫn có một vài ngôi sao chính gốc Indonesia đang thi đấu chuyên nghiệp bên ngoài xứ sở vạn đảo.

Danh sách này có hậu vệ cánh trái nổi tiếng với những pha ném biên cực mạnh Pratana Arhan (CLB Suwon, Hàn Quốc), tiền vệ tấn công Marselino Ferdinan (Oxford United, Anh) và hậu vệ phải Asnawi Mangkualam (Port FC, Thái Lan).

Bóng đá Thái Lan có 12 cầu thủ đang thi đấu bên ngoài xứ sở Chùa vàng, trong đó có nhiều người chính gốc Thái đang thi đấu ở Nhật Bản như tiền vệ Ekanit Panya (Urawa Red Diamonds), Sarach Yooyen (Renofa Yamaguchi), Supachok Sarachat (Hokkaido Consadole Sapporo).

Cầu thủ Việt Nam thua xa Indonesia, Thái Lan ở khả năng xuất ngoại - 2

Thái Lan không thiếu những ngôi sao đang thi đấu ở giải nhà nghề Nhật Bản (Ảnh: Đỗ Minh Quân).

Việc có các cầu thủ thi đấu ở nước ngoài, nhất là thi đấu ở các nền bóng đá lớn rất quan trọng, có thể giúp tăng chất lượng đội tuyển, nâng chất nền bóng đá.

Cựu Phó chủ tịch (PCT) chuyên môn VFF Dương Vũ Lâm nhận xét: "Đội tuyển Thái Lan luôn có sự chững chạc khi thi đấu nhờ cầu thủ của họ được đá bóng ở Nhật Bản, lại có suất thi đấu chính thức ở các CLB thuộc giải J-League 1".

"Họ được tiếp xúc với các trận đấu đỉnh cao hàng tuần, chơi bóng bên cạnh hoặc đối đầu với các cầu thủ có đẳng cấp cao một cách thường xuyên, nên họ quen với áp lực và dần thích nghi với những điều kiện để tồn tại trong môi trường bóng đá đỉnh cao", ông Dương Vũ Lâm nói thêm.

Đây là điều mà các cầu thủ Việt Nam khi thi đấu trong nước không có được. Ngoài việc không bắt kịp trình độ của các giải vô địch quốc gia bên ngoài Việt Nam, cầu thủ nội khi chơi bóng ở trong nước còn được đãi ngộ quá cao, đôi khi cao hơn giá trị thực của họ, càng khiến cho các cầu thủ ngày một lãng quên ý chí "vươn ra biển lớn".

Thậm chí, một nhóm cầu thủ Việt Nam xuống thi đấu ở giải hạng dưới vẫn được đãi ngộ cao hơn hẳn khi ra nước ngoài, cũng là một phần nguyên nhân khiến các cầu thủ nội không muốn xuất ngoại, dù điều này có thể ảnh hưởng đến trình độ chung của toàn bộ nền bóng đá.