Cầu thủ U19 Việt Nam đang bị vắt kiệt sức
(Dân trí) - Hầu hết các chuyên gia trong nước đều cho rằng, việc cầu thủ U19 Việt Nam liên tục thi đấu trong năm 2014, đang khiến họ bị quá tải. Tuy nhiên, do U19 Việt Nam vẫn là một thương hiệu “hot”, nên dường như đang bị lợi dụng (?!).
Theo một thống kê, chỉ tính riêng trong năm 2014, số trận U19 Việt Nam thi đấu là 38, tức là nhiều hơn cả V-League. Chỉ tính riêng trong hơn 2 tháng vừa qua họ đã có 17 trận đấu. Điều đáng nói, hầu hết các trận đấu trên cầu thủ U19 Việt Nam luôn phải di chuyển nhiều, có trận cầu thủ chạy tới 10 km, tức là ngang với một cầu thủ thi đấu tại cúp C1.
U19 Việt Nam phải tham gia quá nhiều giải đấu
Kịch bản tương tự xảy ra trong chuyến tập huấn tại Nhật Bản khoảng 1 tháng, U19 Việt Nam đã cọ xát với nhiều đội bóng mạnh với mật độ thi đấu khá dày. Trong cả 2 chuyến tập huấn nước ngoài từ đầu năm, chuyên môn của U19 Việt Nam được nâng lên đáng kể, nhưng việc lịch tập huấn quá sát nhau và giao hữu nhiều, đã khiến các cầu thủ rơi vào tình trạng quá tải.
Thế nhưng, việc U19 Việt Nam đã trở thành thương hiệu, nên người ta đã tận dụng mọi giải đấu để các em thi đấu. Sau 2 chuyến tập huấn dài ngày, U19 Việt Nam thay các đàn anh U22 tham dự giải U22 Đông Nam Á. Rồi sau đó 1 tháng là giải U19 Đông Nam Á, trước khi hành quân tới tham dự vòng chung kết châu Á. Ba giải này diễn ra liên tiếp trong các tháng 8, 9, 10. Các cầu thủ thậm chí còn không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, về nhà thăm gia đình.
Hậu quả là U19 Việt Nam không có thể lực tốt nhất cho giải đấu mang tính then chốt là U19 châu Á. Ngay trận ra quân gặp U19 Hàn Quốc, các cầu thủ U19 Việt Nam thi đấu khá vật vờ, những đôi chân nặng như đeo chì.
Cầu thủ U19 Việt Nam đã bị vắt kiệt sức một cách quá đáng
Cùng chung quan điểm với ông Dũng, chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng U19 Việt Nam đã không có điểm rơi tốt nhất, bởi mật độ thi đấu dày đặc trong 3 tháng vừa qua. Theo ông Xương, thi đấu cọ xát nhiều là tốt, nhưng chúng ta cần chọn đối thủ, chọn giải đấu để tham dự. Hãy nhìn U19 Thái Lan, họ chỉ cử đội hình 2 tham dự giải U19 Đông Nam Á và kết quả là đã vượt qua vòng bảng tại vòng chung kết châu Á, cùng với U19 Myanmar.
Điều đáng nói hơn cả là ở giải đấu nào, cầu thủ U19 Việt Nam cũng bị yêu cầu chơi đẹp mắt, hết sức. Có giải đấu HLV Graechen muốn sử dụng đội hình dự bị để giữ sức cho trụ cột, nhưng ngay lập tức bị VFF can thiệp phải đá vì người hâm mộ.
Trở về từ giải châu Á được ít ngày, ngày 18/10 tới, U19 Việt Nam với 13 cầu thủ Học viện HA Gia Lai, lại phải tập trung để di chuyển tới Cần Thơ để tham dự giải U21 quốc tế.
Có một chi tiết là BTC giải U21 quốc tế đã đăng ký U19 Việt Nam tham dự giải này dù biết thầy trò HLV Graechen phải tranh tài tại Myanmar. Nếu U19 Việt Nam vào đến bán kết, thì BTC giải U21 quốc tế sẽ tìm một đội bóng khác thay. Nhưng “rất may”, U19 Việt Nam đã bị loại và sẽ kịp tham dự giải U21 quốc tế từ ngày 19/10 tới.
U19 Việt Nam được thi đấu nhiều sẽ là con dao 2 lưỡi. Nhưng nguy hiểm hơn, thương hiệu U19 Việt Nam đang bị ai đó lợi dụng?
Hà Nguyên