Câu chuyện thể thao: Ai thay Chủ tịch VFF?
Năm 2013 mới kết thúc nhiệm kỳ, nhưng ngay từ bây giờ có lẽ phải đặt ra câu hỏi đó.
Chính Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng không giấu giếm về buổi đối thoại giữa ông và ông Hỷ, liên quan đến việc ông Hỷ năn nỉ và rủ ông Dũng ngồi vào vị trí chủ tịch VFF lúc ông Hỷ rút lui trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Và trong buổi gặp này, ông Dũng cũng thẳng thừng từ chối, đồng thời nói rõ ý định của mình là hết nhiệm kỳ này ông Dũng cũng sẽ nghỉ.
Ông Trần Quốc Tuấn bị ép từ chức, ông Hỷ định rút lui sớm, ông Dũng cũng không mặn mà với việc điều hành bộ máy VFF nữa. Trong khi ông Phạm Ngọc Viễn thì vừa rất mất uy tín với việc đăng ký với nhà tài trợ phái đoàn 43 thành viên sang Nhật Bản tham quan học hỏi, nhưng cuối cùng chỉ có 7 người đi, làm nhà tài trợ phật ý và uy tín của VFF bị ảnh hưởng.
Bóng đá VN mùa 2012 chưa kết thúc, nhưng ngay bây giờ đã thấy rất rõ việc đổ tiền làm bóng đá không “dễ” như trước nữa, khi đồng tiền chi cho đội bóng luôn bị các công ty mẹ siết chặt do tình hình kinh tế khó khăn.
Mùa 2012, VPF đang cố dùng mối quan hệ của mình để cứu các đội đừng bỏ của chạy lấy người, trong đó có CLB TPHCM. Mùa 2013 có thể sẽ có nhiều đơn vị bỏ đội bóng, trong đó không ít đội được nuôi bằng tiền ngân hàng.
Bóng đá VN vẫn nổi tiếng với việc đổ tiền quá hớp, nhưng bây giờ khi các khoản chi từ cơ quan mẹ đều phải chi ly, rõ ràng thì nhiều CLB có khả năng bị xóa sổ.
Ông Chủ tịch VFF muốn rút sớm không hẳn vì điều ấy, nhưng rõ ràng trong cách quản lý của VFF đang bị chi phối nhiều, bởi nền kinh tế và bởi cả “cấp trên” hay “ấn” xuống khiến người trong cuộc ngán ngẩm.
Ai thay ông Chủ tịch VFF thực chất không quan trọng bằng việc tìm một lối ra cho bóng đá VN, khi các ngành nuôi đội bóng đang khủng hoảng.
Theo Lao Động