Câu chuyện buồn của các cầu thủ bóng đá Việt Nam xuất ngoại
(Dân trí) - Công Phượng tiếp tục ở lại với CLB Yokahama FC không đồng nghĩa với việc ngôi sao này thành công trên đất Nhật. Giống như Công Phượng, năm qua cầu thủ Việt Nam không thành công ở nước ngoài.
Thất bại toàn tập
Thậm chí, việc Công Phượng gia hạn hợp đồng với CLB Yokohama FC của Nhật Bản còn được coi là bất ngờ lớn, vì năm qua tiền đạo này thất bại toàn tập về mặt chuyên môn ở Yokohama FC.
Công Phượng hầu như không được đăng ký ở các trận đấu của Yokohama FC tại giải nhà nghề Nhật Bản.
Có lẽ việc Công Phượng ở lại với đội bóng của Nhật Bản liên quan đến vấn đề tài chính nhiều hơn chuyện chuyên môn. Theo một số nguồn tin, lương của Công Phượng ở Yokohama FC cao hơn nhiều so với mặt bằng lương tại giải V-League.
Ngoài ra, việc Công Phượng tiếp tục ở lại Nhật Bản còn có thể liên quan đến chuyện kinh doanh của bản thân và gia đình cầu thủ này. Nói chung, Công Phượng có lý do để lựa chọn ở lại Yokohama FC, cho dù lý do này nằm ngoài chuyên môn.
Không chỉ có Công Phượng, tất cả các cầu thủ nam Việt Nam đều thất bại ở các giải đấu nước ngoài trong năm 2023.
Quang Hải mất chỗ đứng ở Pau FC (Pháp), phải rời đội bóng này vào mùa Hè năm ngoái. Tại Pau FC, Quang Hải bị đẩy xuống chơi ở đội B của CLB này, bên cạnh các cầu thủ trẻ. Đội B của Pau FC thi đấu tại giải hạng 5 của bóng đá Pháp, tức ngoài hệ thống chuyên nghiệp của bóng đá Pháp.
May mắn cho Quang Hải khi CLB Công An Hà Nội (CAHN) giang tay đón anh về nước, coi như cứu vãn cả sự nghiệp của tiền vệ tài hoa bậc nhất bóng đá Việt Nam.
Chỉ sau khi về nước, Quang Hải mới tìm lại chính mình, tìm lại niềm vui chơi bóng và lấy lại chỗ đứng ở đội tuyển quốc gia, lấy lại chỗ đứng và vị thế của anh trong làng cầu nội.
Văn Toàn là trường hợp tương tự, anh về nước hồi mùa Hè năm 2023, sau thời gian ngắn khoác áo CLB Seoul E-Land (Hàn Quốc).
Khác với Công Phượng và Quang Hải, Văn Toàn vẫn thỉnh thoảng được ra sân ở CLB Seoul E-Land, vẫn có một vài đóng góp cho đội bóng xứ Hàn. Những đường chuyền của Văn Toàn vẫn giúp cho các đồng đội ở Seoul E-Land ghi bàn.
Nhưng bóng đá chuyên nghiệp ở nước ngoài có triết lý khác hẳn bóng đá Việt Nam. Ở Việt Nam, ở V-League lẫn đội tuyển quốc gia, Văn Toàn hay thậm chí Công Phượng không thường xuyên ghi bàn, nhưng họ vẫn có chỗ đứng.
Khác biệt lớn về triết lý và khoảng cách về đẳng cấp
Ví dụ như Công Phượng dù là ngôi sao sáng ở sân chơi trong nước, nhưng nhiều năm liền, cầu thủ này chưa bao giờ là tay săn bàn hàng đầu của giải V-League, cũng chưa hề là tay săn bàn hàng đầu ở đội tuyển quốc gia.
Với Văn Toàn, cầu thủ xuất thân từ CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) thỉnh thoảng mới ghi bàn cho đội tuyển, đôi khi 2 - 3 năm mới ghi một bàn. Dù vậy, anh vẫn đều đặn có suất khoác áo đội tuyển Việt Nam.
Công Phượng và Văn Toàn vẫn có chỗ đứng ở trong nước, miễn là họ vẫn còn tạo được cảm xúc cho khán giả. Nhưng khi xuất ngoại, khán giả ở nước ngoài không biết những Công Phượng, Văn Toàn là ai, nên khán giả nước ngoài không có cảm xúc dành cho những cầu thủ xuất thân từ CLB HAGL.
Tất cả đều phải được thông qua giá trị chuyên môn, mà giá trị chuyên môn của mọi tiền đạo, theo tiêu chuẩn bóng đá chuyên nghiệp toàn cầu, là số bàn thắng mà tiền đạo ấy ghi được.
Văn Toàn có chạy chỗ hay cách mấy, tạo khoảng cách trống cho các đồng đội xung quanh mình tốt như thế nào chăng nữa, đeo bám đối phương giỏi cách mấy, đa năng cách mấy cũng gần như vô nghĩa nếu anh không ghi bàn. Ở các nền bóng đá chuyên nghiệp trên khắp thế giới, không có khái niệm "tiền đạo chạy chỗ".
Đó là một trong những khác biệt lớn giữa bóng đá Việt Nam với các nền bóng đá hàng đầu châu Á và thế giới, bên cạnh khác biệt về thể hình, thể lực (cả Công Phượng, Văn Toàn và Quang Hải đều bất lợi về yếu tố này), khác biệt về văn hóa, về môi trường, về lối sống…
Dĩ nhiên, vẫn có trường hợp cầu thủ Việt Nam thành công trên sân cỏ nước ngoài trong năm 2023, đó là tiền đạo Huỳnh Như ở đội nữ Lank FC (Bồ Đào Nha).
Nhưng chẳng ai dùng bóng đá nữ, cầu thủ nữ làm thước đo cho thành công hay thất bại của một nền bóng đá cả, vì cơ bản bóng đá nữ không được tính là bóng đá chuyên nghiệp.
Thế nên, thành công của Huỳnh Như tại Lank FC không được xem là thước đo cho câu chuyện cầu thủ Việt Nam xuất ngoại trong năm qua!