Trong rạng sáng nay 21/4, ngoài 6 đội bóng Anh gồm Man Utd, Man City, Chelsea, Tottenham, Liverpool và Arsenal thì hai CLB Italia là AC Milan và Inter Milan đã quyết định từ bỏ European Super League.
12 CLB hàng đầu của bóng đá châu Âu là Man Utd, Man City, Chelsea, Liverpool, Arsenal, Tottenham, Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, Juventus, AC Milan và Inter Milan đã tuyên chiến với Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) khi thành lập giải đấu riêng có tên European Super League.
Những "ông trùm" giàu kếch xù của các CLB chi phối bóng đá thế giới.
Việc tham dự giải đấu này hứa hẹn sẽ mang tới nguồn lợi khổng lồ cho các CLB. Theo ước tính, các CLB sáng lập của European Super League sẽ thu về ít nhất 3,5 tỷ euro ngay khi giải đấu được tổ chức. Theo ước tính, doanh thu của các CLB khi tham dự vào khoảng 400 triệu euro, tức gấp 4 lần tiền thưởng của UEFA.
Đương nhiên, họ không thể bỏ qua nguồn lợi ấy. Đứng đằng sau những CLB sáng lập cũng là những ông trùm và tập đoàn vô cùng giàu có. Do đó, họ luôn đặt lợi nhuận về kinh tế lên đầu tiên. Họ đủ sức tạo ra sân chơi cho riêng mình, chống lại UEFA lẫn FIFA.
Cùng điểm qua những ông trùm và tập đoàn đứng sau những CLB sáng lập.
ARSENAL
Chủ sở hữu: Stan Kroenke
Giá trị tài sản của Stan Kroenke: 5,9 tỷ bảng.
Giá trị của CLB: 2,1 tỷ bảng.
Stan Kroenke lần đầu tiên hợp tác cùng Arsenal khi mua lại 9,9% cổ phần của CLB từ Granada Ventures vào năm 2007. Một năm sau đó, ông gia nhập Hội đồng quản trị của CLB, khi chiếm cổ phần nhiều nhất. Mãi tới năm 2018, Stan Kroenke đã chiếm quyền kiểm soát đội bóng khi mua hết cổ phần của Alisher Usmanov. Ông được biết như là nhân vật phản diện ở Arsenal khi hứng chịu rất nhiều sự phản đối của CĐV về chính sách mua sắm. Thành tích của CLB dưới thời Stan Kroenke ngày một thê thảm.
CHELSEA
Chủ sở hữu: Roman Abramovich
Giá trị tài sản của Roman Abramovich: 10,6 tỷ bảng.
Giá trị của CLB: 2,3 tỷ bảng.
Tỷ phú Abramovich chiếm quyền kiểm soát ở Chelsea vào năm 2003. Sau đó, ông đã đầu tư mạnh mẽ, biến Chelsea trở thành thế lực của bóng đá Anh và châu Âu. Nhìn chung, nhiều CĐV Chelsea biết ơn Abramovich bởi đã mang tới giai đoạn thành công nhất trong lịch sử.
LIVERPOOL
Chủ sở hữu: John W. Henry
Giá trị tài sản của John W. Henry: 2 tỷ bảng
Giá trị của CLB: 2,96 tỷ bảng
John W. Henry đã mua lại Liverpool vào năm 2010. Ông nổi tiếng là người đầu tư thông minh. Dù không vung ra quá nhiều tiền chuyển nhượng nhưng Liverpool đã vươn lên đỉnh cao dưới sự quản lý của tỷ phú người Mỹ. Mới đây, ngôi sao bóng đá rổ, LeBron James cũng rót tiền đầu tư vào Liverpool. Nhìn chung, tỷ phú John W. Henry nhận được sự yêu mến lớn từ CĐV Liverpool.
MAN CITY
Chủ sở hữu: Sheikh Mansour
Giá trị tài sản của Sheikh Mansour: 15,7 tỷ bảng
Giá trị của CLB: 2,9 tỷ bảng
Khỏi cần phải nói quá nhiều về Man City sau khi được gia đình nhà Sheikh Mansour mua lại vào năm 2008. Họ đã lột xác thực sự, từ CLB yếu kém ở bóng đá Anh, vươn lên trở thành đội bóng mạnh nhất. Man "xanh" đã chi cả tỷ bảng để mua cầu thủ trong hơn chục năm qua. Những đồng tiền của tỷ phú người UAE đã thay đổi tất cả diện mạo của đội bóng.
MAN UTD
Chủ sở hữu: Nhà Glazers
Giá trị tài sản của nhà Glazers: 3,2 tỷ bảng
Giá trị của CLB: 3,03 tỷ bảng
Nhà Glazers bắt đầu tiếp quản Man Utd từ năm 2005. Mặc dù đã gắn bó với Quỷ đỏ trong 16 năm nhưng giới chủ người Mỹ luôn hứng chịu nhiều sự chỉ trích. Nhiều CĐV cho rằng nhà Glazers đã vắt kiệt CLB, chỉ để vơ vét cá nhân.
TOTTENHAM
Chủ sở hữu: Joe Lewis
Giá trị tài sản của Joe Lewis: 3,5 tỷ bảng
Giá trị của CLB: 1,66 tỷ bảng
Joe Lewis tiếp quản CLB từ Lord Alan Sugar kể từ năm 2001 tới nay, cùng với Chủ tịch Daniel Levy. Mặc dù Tottenham chưa thể giành danh hiệu lớn nào trong nhiều năm qua nhưng họ vẫn nhận sự ủng hộ. Doanh thu của Spurs tăng lên theo hàng năm. Họ cũng chịu khó đầu tư để trở thành thế lực của bóng đá Anh.
AC MILAN
Chủ sở hữu: Tập đoàn Elliott Management Corporation
Giá trị tài sản của tập đoàn Elliott Management Corporation: 32,2 tỷ bảng
Giá trị của CLB: 405 triệu bảng
Tập đoàn Elliott Management Corporation mua lại AC Milan vào năm 2018. Ít nhiều, diện mạo của Rossoneri đã thay đổi. Họ đứng trước cơ hội lớn giành vé dự Champions League ở mùa này.
INTER MILAN
Chủ sở hữu: Tập đoàn Suning Holdings Group
Giá trị tài sản của tập đoàn Suning Holdings Group: 6,8 tỷ bảng
Giá trị của CLB: 537 triệu bảng.
Tập đoàn bán lẻ Suning Holdings Group của Trung Quốc mua lại Inter vào năm 2016. Nhìn chung, đây là giai đoạn thành công của Nerazzurri khi CLB thường xuyên góp mặt ở Champions League. Thậm chí, Inter còn đang đứng trước cơ hội rất lớn vô địch Serie A mùa này. Chỉ có điều, tập đoàn Suning Holdings Group đang đối diện với cơn khủng hoảng tài chính.
JUVENTUS
Chủ sở hữu: Gia tộc Agnelli
Giá trị của gia tộc Agnelli: 9,7 tỷ bảng
Giá trị CLB: 1,45 tỷ bảng
Agnelli là gia tộc lớn và giàu có bậc nhất ở Italia. Họ đã nắm quyền kiểm soát Juventus kể từ năm 1923. Dưới sự điều hành của gia tộc Agnelli, Juventus luôn là thế lực lớn ở Italia cũng như châu Âu.
ATLETICO MADRID
Chủ sở hữu: Miguel Angel Gil Marin (51%), Idan Ofer, Enrique Cerezo
Giá trị của chủ sở hữu: 5 tỷ bảng
Giá trị CLB: 720 triệu bảng
Cha của Gil Martin, Jesus Gil đã mua lại Atletico Madrid vào năm 1993. Kể từ đó tới nay, hai cha con ông đã giúp Atletico Madrid ngày càng lớn mạnh. Hiện tại, Atletico Madrid có cổ đông lớn là tỷ phú người Israel, Idan Ofer, người sở hữu khối tài sản lên tới 5 tỷ bảng.
BARCELONA
Chủ sở hữu: Nhiều thành viên.
Giá trị CLB: 3,44 tỷ bảng
Barcelona nằm trong số ít CLB không thuộc sở hữu của bất kỳ ai. Mỗi năm 144.000 người trả phí thành viên và nắm giữ quyết định quan trọng thông qua bỏ phiếu.
REAL MADRID
Chủ sở hữu: Nhiều thành viên
Giá trị CLB: 3,43 tỷ bảng
Mô hình hoạt động của Real Madrid giống như Barcelona. CLB có 90.000 thành viên trả phí để "nuôi" CLB. Họ đưa ra quyết định quan trọng thông qua bỏ phiếu.