Bức thư gây phẫn nộ của Lý Tiểu Long, tố cáo võ Trung Quốc "bịp bợm"
(Dân trí) - Trang 163.com (Trung Quốc) đã hé lộ bức thư được cho là của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long gửi cho người bạn của mình. Trong đó, ông thừa nhận võ thuật Trung Quốc chỉ là "giả dối".
Lý Tiểu Long là người đã theo học võ truyền thống của Trung Quốc trong nhiều năm trước khi sang Mỹ và trở thành huyền thoại võ thuật. Trong đó có 5 người thầy ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp của ông là Diệp Vấn, Hoàng Thuần Lương, Lý Hải Tuyền, Lương Tử Bằng và Thiệu Hán Sinh.
Sau khi sang Mỹ, Lý Tiểu Long đã được tiếp cận với võ hiện đại của phương Tây. Sau đó, ông đã kết hợp giữa kungfu Trung Quốc với võ hiện đại để cho ra đời môn võ mang tên Triệt Quyền Đạo lừng lẫy thế giới sau này.
Thế nhưng, tất cả không khỏi bất ngờ khi bức thư của Lý Tiểu Long và người bạn có tên William vừa được công bố. Trong đó, huyền thoại võ thuật đã thừa nhận với người bạn của mình rằng đã mất niềm tin vào võ thuật truyền thống Trung Quốc. Ông cho rằng hầu hết các môn võ truyền thống của Trung Quốc đều là bịp bợm và không có tính thực tế.
Trong bức thư ấy có đoạn: "William à, mặc dù tôi vẫn đang sử dụng võ thuật truyền thống Trung Quốc nhưng tôi đã mất niềm tin vào nó. Bởi lẽ, hầu hết các môn võ ấy như bơi trên cạn vậy. Kể cả Vịnh Xuân Quyền cũng thế".
Theo xác nhận của nhiều người thân cận, dòng chữ trong bức thư trên đúng là chữ viết tay của huyền thoại Lý Tiểu Long. Ngay sau khi nó được công bố rộng rãi trên mạng xã hội thì đã chịu làn sóng tranh cãi gay gắt.
Nhiều quan điểm cho rằng nền tảng võ học của Lý Tiểu Long xuất phát từ cái gốc là võ học Trung Quốc. Nếu như ông nhìn ra như vậy thì đã không sử dụng. Thay vào đó, bất kỳ môn võ nào cũng có tinh hoa của riêng nó.
Ngay cả triết lý của môn Triệt Quyền Đạo (võ công do Lý Tiểu Long sáng tạo ra) cũng khá tương đồng với Vịnh Xuân Quyền.
Theo đó, ông miêu tả Triệt Quyền Đạo là "nghệ thuật chiến đấu bằng cách chặn đứng đòn đánh của đối phương". Có chăng, Lý Tiểu Long đã biết kết hợp với các môn võ hiện đại như quyền Anh, Karate, Taekwondo, Muay Thái để bù đắp vào điểm yếu của Vịnh Xuân Quyền, tạo nên môn võ với sức chiến đấu cao hơn.