Bóng đá Việt Nam “ốm tiền” vì để CĐV đốt pháo sáng trên sân

(Dân trí) - Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vừa nhận án phạt cực nặng từ Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) do để cổ động viên (CĐV) đốt pháo sáng tại các trận đấu vòng loại U23 Châu Á 2020. Tổng mức phạt lên đến 39.500 USD (tương đương 920 triệu đồng). Pháo sáng là vấn đề nhức nhối ở các trận có đội tuyển Việt Nam cho đến các trận đấu ở giải quốc nội.

Án phạt mà AFC vừa đưa ra đối với VFF cụ thể ở 2 trận đấu đội tuyển Việt Nam có chiến thắng trước Indonesia và Thái Lan như sau:

- Phạt 13.750 USD do để khán giả đốt MỘT QUẢ pháo sáng trong trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Indonesia.

- Phạt 25.750 USD do để khán giả đốt BA QUẢ pháo sáng + ném chai lọ xuống sân trong trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 Thái Lan.

Điều này cho thấy VFF cũng như Ban tổ chức sân Mỹ Đình ở thời điểm đó đã không có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn triệt để tình trạng đốt pháo sáng trên sân, đặc biệt là trận đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan có đến 3 quả pháo sáng được đốt một lúc trên sân là điều khó có thể chấp nhận được.

Bóng đá Việt Nam “ốm tiền” vì để CĐV đốt pháo sáng trên sân - 1

Nhìn lại lịch sử, có thể thấy VFF đã “ốm tiền” vì phải nộp phạt cho AFC rất nhiều lần ở các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam. AFC từng phạt VFF số tiền 11.000 USD (khoảng hơn 250 triệu đồng) vì nhóm CĐV đốt pháo sáng trong chuyến làm khách trên sân của Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019; hay vụ việc chiếc xe của đội tuyển Indonesia bị CĐV Việt Nam tấn công, ném đá vỡ cửa kính sau khi đội tuyển Việt Nam bị loại ở bán kết AFF Cup 2016, khiến VFF phải nộp phạt 38.000 USD.

VFF cũng phải móc hầu bao nộp phạt số tiền 12.500 USD (gần 300 triệu đồng) cho AFC ở trận bán kết môn bóng đá nam Asiad 18 giữa Olympic Việt Nam và Olympic Hàn Quốc hồi cuối tháng 8/2018 trên sân Pakansari (Indonesia), khi CĐV quá khích của Việt Nam đã có hành vi đốt pháo sáng trên khán đài làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuyên môn cũng như công tác bảo đảm an toàn trận đấu của đội ngũ an ninh.

Tình trạng đốt pháo sáng ở giải quốc nội của bóng đá Việt Nam cũng xảy ra liên tục khiến các CLB phải lao đao vì nộp phạt, thậm chí phải đá trên sân trung lập hoặc không có khán giả.

Mới đây nhất, trong khuôn khổ trận cầu đinh vòng 6 V-League 2019 diễn ra vào tối 21/4 giữa FC Hà Nội và FC Hải Phòng, hàng chục quả pháo sáng được đốt và ném xuống sân Hàng Đẫy từ khu vực cổ động viên Hải Phòng tạo ra hình ảnh phản cảm, lộn xộn của một giải đấu chuyên nghiệp.

Sau trận đấu đó, VFF đã đưa ra án phạt cực nặng: phạt “treo sân” Hà Nội FC 1 trận, đồng thời phạt đội bóng thủ đô kịch khung mức tiền phạt là 70 triệu đồng vì sự cố. Tương tự, CLB Hải Phòng cũng phải bị phạt tiền 70 triệu đồng. Tuy nhiên, FC Hà Nội sau đó kháng cáo nên VFF xem xét xóa bỏ mức phạt “treo sân” 1 trận cho CLB này, riêng tiền phạt vẫn được giữ nguyên.

Điểm lại lịch sử, CĐV quá khích ở Hải Phòng là nguyên nhân khiến CLB đất Cảng cũng như các CLB trong nước phải ngậm ngùi nộp phạt vì hành vi đốt pháo sáng tại các trận đấu. Chỉ tính riêng mùa 2018, CLB Hải Phòng đã 7 lần bị kỷ luật vì để cổ động viên đốt pháo sáng ở V-League, với tổng tiền phạt 310 triệu đồng.

Bóng đá Việt Nam “ốm tiền” vì để CĐV đốt pháo sáng trên sân - 2

Pháo sáng là nỗi nhức nhối trên khán đài ở mỗi trận đấu có đội tuyển Việt Nam thi đấu

Việc để CĐV liên tục tái diễn hành vi đốt pháo sáng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do công tác kiểm tra phòng ngừa, thắt chặt an ninh của ban tổ chức sân ở mỗi trận đấu là rất kém. Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 1642/BVHTTDL-TCTDTT gửi UBND các tỉnh, thành phố có CLB tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đề nghị chỉ đạo và có biện pháp ngăn chặn tình trạng đốt pháo sáng gây mất an ninh, an toàn trong các trận đấu.

Nếu không làm tốt công tác phòng ngừa ngăn chặn tình trạng đốt pháo sáng trên sân từ giải quốc nội cho các trận đấu quốc tế có mặt đội tuyển Việt Nam, VFF cũng như các CLB còn phải đối mặt với những án phạt lớn hơn chứ không chỉ mỗi tiền phạt trong thời gian tới.

Sông Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm