Bóng đá Việt Nam mơ World Cup và câu chuyện CĐV "tấn công" trọng tài
(Dân trí) - Tuyển Việt Nam đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên vào tới vòng loại cuối World Cup 2022. Tuy nhiên, giấc mơ World Cup chưa thể thành hiện thực nếu như chúng ta không thay đổi từ những điều nhỏ nhất…
Chưa đủ đẳng cấp
Kể từ khi trở lại với đấu trường quốc tế, chưa bao giờ người hâm mộ Việt Nam thôi giấc mơ VCK World Cup, dù biết rằng đây chỉ là chuyện xảy ra ở tương lai rất xa.
Vì thế, khi mà đội tuyển Việt Nam vào tới vòng loại cuối World Cup 2022, tất cả đều vỡ òa trong sung sướng, hạnh phúc trong lần đầu tiên làm nên kỳ tích lịch sử.
Như vậy, muốn có mặt ở Qatar năm sau, thầy trò HLV Park Hang Seo phải thi đấu tối thiểu 10 trận và tối đa là 14 trận.
Cụ thể, nếu giành vị trí nhất nhì bảng, đội tuyển Việt Nam sẽ có vé vào VCK World Cup sau 10 trận, còn nếu đứng thứ 3 chúng ta phải thi đấu thêm tới 4 trận play-off để thực hiện được giấc mơ.
Dĩ nhiên đó chỉ là những tính toán theo kiểu… lạc quan, nhưng thiếu cơ sở và thậm chí là không biết mình đang đứng ở đâu. Thái Lan từng 2 lần vào tới vòng loại cuối nhưng kết quả thì tất cả đã thấy, đội bóng xứ Chùa vàng chịu những thất bại "muối mặt".
VCK World Cup là điều gì đó quá xa vời với bóng đá Việt Nam, dù chúng ta đang ở gần nhất có thể. Việc HLV Park Hang Seo đưa tuyển Việt Nam đi xa ở vòng sơ loại World Cup thực sự là vượt quá sự trông đợi của tất cả để điều đó xứng đáng vui, tự hào cũng như hy vọng cho một tương lai xán lạn của bóng đá nước nhà.
Nhưng sau niềm vui ấy có lẽ tất cả phải trở lại với thực tế để hiểu rằng bóng đá Việt Nam còn lâu nữa mới có thể góp mặt ở World Cup.
Trình độ, đẳng cấp của đội tuyển Việt Nam có lẽ sẽ chẳng phải bàn nhiều. Chúng ta vẫn chỉ nhỉnh hơn các đội bóng khu vực Đông Nam Á một chút. Ngay cả kình địch Thái Lan dù đang ở thời điểm yếu nhất trong nhiều năm trở lại đây, cũng đủ sức cầm hòa 0-0 cả trận lượt đi và về trước đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ hai World Cup 2022.
Nhưng chuyên môn là thứ mà mọi nền bóng đá để có thể thay đổi theo hướng tích cực. Nói cách khác, nếu có sự đầu tư tốt hơn, chuẩn bị kỹ hơn, đội tuyển Việt Nam sẽ mạnh hơn hiện tại. Song muốn làm được điều này, bóng đá Việt Nam cần phải có thêm nhiều lò đào tạo bóng đá trẻ chất lượng như HA Gia Lai, Viettel, Hà Nội…
Bên cạnh đó, sự phát triển phải có sự đồng bộ, từ các đội trẻ, V-League và cao nhất là đội tuyển quốc gia. Bóng đá Việt Nam đang làm tốt, nhưng chưa đủ để có thể bứt phá để trở thành một nền bóng đá đẳng cấp.
Chưa đủ tâm thế
Trong 3 trận đấu trên đất UAE, gần như ở trận nào, dù kết quả thắng hay thua, các cổ động viên (CĐV) Việt Nam cũng đều có cách hành xử thiếu chuyên nghiệp. Trọng tài, cầu thủ đối phương và bất cứ ai đều có thể bị trút cơn giận dữ bằng nhiều hình thức khác nhau.
Người hâm mộ quá khích đã "tấn công" trang cá nhân facebook khiến các trọng tài phải khóa tài khoản. Chưa dừng lại ở đó, CĐV Việt Nam sau trận thua UAE đã phản ứng việc tiền đạo Công Phượng không được hưởng quả penalty ở các Fanpage của FIFA World Cup, Euro, hay các diễn đàn bóng đá châu Á, Đông Nam Á…
CĐV Việt Nam thậm chí tìm đến tất cả những bài đăng gần nhất để nói về tình huống của Công Phượng, bất kể đó là nội dung về Ronaldo, Messi hay thậm chí là tri ân… Christian Eriksen (cầu thủ vừa bị đột quỵ tại Euro 2020).
Rõ ràng để có thể mơ World Cup trong tương lai gần, những điều nhỏ nhất như văn hóa cổ vũ, cách ứng xử với thất bại của người hâm mộ, cầu thủ, giới chuyên môn cũng buộc phải thay đổi.
Nếu đội bóng của HLV Park Hang Seo không có những màn trình diễn tốt và kết quả không như mong muốn, chắc hẳn sẽ có nhiều CĐV quay lưng lại với đội tuyển quốc gia. Đó là một thực tế mà chúng ta đã gặp phải trong nhiều năm qua, trước khi ông Park đến và làm nên những kỳ tích lịch sử.
Bóng đá Việt Nam không chỉ đến với World Cup bằng một sự đẳng cấp hàng đầu châu lục, mà còn phải là một nền bóng đá văn minh, có cách ứng xử văn hóa từ những điều nhỏ nhất như đã nói.
Đó chính là chất xúc tác để bóng đá Việt Nam có thêm cơ sở, niềm tin, nỗ lực từng bước hướng tới sân chơi World Cup, để sự góp mặt của chúng ta là xứng đáng và được thừa nhận.