1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bóng đá Việt Nam cần nâng tầm phương pháp huấn luyện của HLV Miura

(Dân trí) - Phương pháp huấn luyện của HLV Miura giúp bóng đá Việt Nam nở mày nở mặt ở sân chơi quốc tế. Nhưng làm gì để kế thừa phương pháp ấy? Làm gì để mỗi lần tập trung đội tuyển không phải là một lần làm mới từ đầu lại là bài toán cần lời giải?

Không mới nhưng lạ!

Những nhà chuyên môn được học qua trường lớp bài bản, thường xuyên cập nhật kiến thức huấn luyện bóng đá đỉnh cao đã nhận định phương pháp huấn luyện, nhất là huấn luyện thể lực mà HLV Miura áp dụng cho các đội tuyển quốc gia không phải là phương pháp mới.

Đấy là những cách nâng cao thể lực, sức bền và khả năng kỹ - chiến thuật đã quen thuộc với làng cầu thế giới. Nhưng dù không mới, phương pháp ấy vẫn lạ so với phần đông giới bóng đá Việt Nam.

Vì lạ nên HLV Miura mới từng bị chỉ trích mạnh sau những cách tân của ông với các đội tuyển quốc gia. Và phương pháp của ông Miura lạ với một số nhà chuyên môn trong nước chủ yếu xuất phát từ chỗ họ thiếu cập nhật, trong khi lại hay mang cái tư tưởng và cái quan niệm cũ kỹ của họ rồi áp đặt vào suy nghĩ của người khác.

Đấy cũng là thực tế không mới trong bóng đá nội. Nhiều HLV, thậm chí ngay cả các HLV của các đội bóng đỉnh cao làm việc theo thói quen từ thời còn đá bóng, huấn luyện cầu thủ dựa trên kinh nghiệm hơn là dựa trên các phương pháp khoa học.

Bóng đá Việt Nam cần nâng tầm phương pháp huấn luyện của Miura
Vì cầu thủ thiếu nền tảng từ CLB, nên mỗi khi đội tuyển tập trung, HLV Miura phải trang bị lại từ đầu cho các học trò (ảnh: Trọng Vũ)

Thói quen ấy theo nhiều HLV năm này qua năm khác, thậm chí từ thập niên này qua thập niên khác, nên chuyện bóng đá nội lạc hậu về mặt phương pháp so với phần còn lại của làng cầu thế giới cũng không còn là chuyện lạ.

Chính những cái thói quen cũ ấy khiến cho những gì mà nhiều nhà chuyên môn trong nước truyền đạt cho các cầu thủ cũng lạc hậu so với tốc độ phát triển chung của bóng đá toàn cầu. Để rồi mỗi lúc các cầu thủ lên tập trung cùng đội tuyển, họ gần như phải được trang bị lại từ đầu, từ thể lực cho đến kỹ - chiến thuật.

Một giải V-League… giật cục!

Có lẽ cũng hiếm có nền bóng đá nào trên thế giới, để đội tuyển U23 tập trung, giải quốc nội phải tạm dừng đến vài tháng trời như ở Việt Nam.

Chưa nói đến chuyện tập trung đội tuyển quá lâu như vậy là trái với thông lệ của FIFA (FIFA quy định các CLB chỉ có nghĩa vụ “nhả” quân cho các đội tuyển trong khoảng 7 ngày trước các trận đấu nằm trong lịch thi đấu thường niên của FIFA), nội chuyện giải trong nước phải tạm dừng vì đội một đội tuyển lứa tuổi U đã là sự lạc hậu.

Và V-League thay vì là cái móng để phát triển phần chân đế của cả nền bóng đá lại đang trở thành sân chơi hạng hai, nơi người ta thích dừng là dừng.

Không nói chi đâu xa, nhìn sang người láng giềng Thái Lan, cách tập trung đội tuyển và cách huấn luyện các đội bóng từ chân đế là giải quốc nội đã là một sự lạc hậu quá lớn.

Đội tuyển U23 Thái Lan chỉ cần gom quân khoảng chục ngày trước khi U23 Thái Lan đá vòng loại U23 châu Á, rồi trong khi đội tuyển U23 nước này tham gia sân chơi châu lục, giải Thai-League vẫn diễn ra song song (vì thực tế quân U23 chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong thành phần nòng cốt của các CLB dự Thai-League).

Thái Lan (hay Nhật Bản, và cả Malaysia) không cần phải dừng giải quốc nội, không cần phải tập trung đội tuyển quá dài ngày nhờ cầu thủ của họ đã có sẵn nền tảng, từ nền tảng thể lực cho đến tư duy chơi bóng, trình độ kỹ chiến thuật, giúp HLV Kiatisuk ở đội tuyển Thái không cần mất nhiều thời gian để tạo nên một đội bóng mạnh.

Ngược lại, nếu U23 Việt Nam tập trung ngắn hạn như cách làm của hầu hết các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới, chắc chắn HLV Miura không đủ thời gian để “nhồi” thể lực cho các cầu thủ, cũng không đủ thời gian để thay đổi tư duy chơi bóng cho nhóm Công Phượng và các đồng đội.

Đấy mới là sự lạc hậu mang tính mấu chốt của bóng đá nội. Muốn thay đổi chất lượng của bóng đá Việt Nam, muốn kế thừa và nhân rộng cái tư duy hiện đại của HLV Miura, trước tiên bộ máy điều hành nền bóng đá phải có biện pháp đồng bộ hóa chất lượng chuyên môn ở từng CLB.

Muốn cầu thủ được trang bị sẵn nền tảng thể lực, tư duy chơi bóng hiện đại thì những người thầy của họ ở từng CLB cũng phải đạt trình độ tương xứng, cũng phải mang trong mình tư duy huấn luyện hiện đại.

Bằng ngược lại, khó tạo nên sự ổn định nơi các đội tuyển, nếu như ngay từ chân đế, những người làm bóng đá Việt Nam toàn làm qua loa, hoặc làm theo kiểu đối phó (như kiểu AFC quy định tất cả các HLV phải có bằng cấp đủ tiêu chuẩn, để đảm bảo nhà chuyên môn ấy thường xuyên được cập nhật kiến thức hiện đại, thì bóng đá nội lại lách luật bằng cách đăng ký nhiều… GĐKT không có bằng cấp làm thay việc của các HLV).

Kim Điền