Bóng đá Trung Quốc: Tiền không mua nổi thành công

(Dân trí) - Chưa có thống kê chính xác người Trung Quốc đã đổ bao nhiêu tiền vào bóng đá, chỉ biết là nhiều, cực nhiều. Nhưng tỷ lệ nghịch với số tiền đầu tư, thành tích của bóng đá Trung Quốc ở mọi cấp độ ngày một tệ.

Không phải đến sau trận U22 Trung Quốc thua 0-2 trước U22 Việt Nam hôm 8/9 vừa rồi tại Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc), người ta mới nói đến thất bại nói chung của bóng đá Trung Quốc trong vài năm qua. Trận đấy, nói cho cùng chỉ là một trận giao hữu, trong khi thất bại của bóng đá của quốc gia đông dân nhất thế giới là thất bại ở nhiều cấp độ khác nhau.

Tại Asian Cup 2019, Trung Quốc bị Iran đánh bại đến 3 bàn không gỡ ở vòng tứ kết, cho dù Iran sau đó cũng chẳng làm nên thành tích gì nổi bật tại giải vô địch châu Á hồi đầu năm nay. Tức là một đội Iran không mạnh lắm vẫn đủ sức thắng đậm Trung Quốc.

Trước đó, tại VCK U23 châu Á ngay trên sân nhà hồi đầu năm 2018, đội tuyển U23 Trung Quốc bị loại ngay vòng bảng. Sau VCK U23 châu Á, đội Olympic Trung Quốc bị loại tại vòng 1/8 Asiad năm 2018, sau trận thua Saudi Arabia 3-4.

Bóng đá Trung Quốc: Tiền không mua nổi thành công - 1
Bóng đá Trung Quốc giàu nhưng không mạnh

Đấy là ở cấp độ các đội tuyển, còn ở cấp độ CLB, các đội bóng Trung Quốc chưa bao giờ được đánh giá ngang hàng với các đại diện đến từ Nhật Bản hay Hàn Quốc, tại AFC Champions League.

Cho dù, giải Super League của Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của những ông chủ CLB cực kỳ giàu có, là giải đấu chi tiền thuộc vào loại hàng đầu thế giới. Nhiều ngôi sao ở tuổi xế chiều thay vì chọn các quốc gia Bắc Mỹ, hoặc Ả rập để vừa đá bóng, vừa “dưỡng già” như trước, hiện nay họ chọn Trung Quốc là điểm đến, với mức lương cao ngất. 

Hàng loạt học viện bóng đá trẻ của Trung Quốc cũng được ra đời, với kinh phí đầu tư cao, nhưng cho dù được “bơm” rất nhiều tiền, bóng đá Trung Quốc chưa bao giờ thành công, ở nhiều cấp độ khác nhau.

Từ sau lần dự VCK World Cup 2002 tại Nhật Bản và Hàn Quốc (một phần nguyên nhân đến từ việc do Hàn Quốc và Nhật Bản đã là đội đồng chủ nhà, không dự vòng loại, nên vòng loại khi đó dễ thở hơn với phần còn lại của bóng đá châu Á), Trung Quốc chưa bao giờ trở lại với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Cho dù, dẫn dắt Trung Quốc thường là những HLV tên tuổi từ châu Âu, những người vừa có kinh nghiệm, vừa có tài năng.

Hiện tại, HLV trưởng của đội tuyển quốc gia Trung Quốc là ông Marcello Lippi – người từng vô địch World Cup 2006 cùng đội tuyển Italia. Còn dẫn dắt đội U22 Trung Quốc là HLV Guus Hiddink – từng vô địch UEFA Champions League cùng PSV Eindhoven (Hà Lan) năm 1988, 2 lần vào bán kết World Cup cùng các đội tuyển Hà Lan và Hàn Quốc các năm 1998 và 2002.

Nhưng ngay cả khi đó, đội tuyển quốc gia Trung Quốc vẫn không được xếp ngang hàng với Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Saudi Arabia, Australia, thậm chí sau này có thêm Qatar tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, còn đội tuyển U22 Trung Quốc không phải là ứng cử viên vô địch của VCK U23 châu Á vào năm sau, cũng như khó cạnh tranh vé dự Olympic Tokyo năm 2020.

Nhiều tiền, chịu chơi, chịu chi, nhưng bóng đá Trung Quốc vẫn chưa có điều kiện đủ để thành công, một phần đến từ cách làm của họ, có vẻ như quá thiếu kiên nhẫn trong các chiến lược đầu tư. Phần khác, “gen bóng đá”, tố chất của cầu thủ Trung Quốc dường như không mạnh, chí ít là không đủ để đưa họ đến với những nấc thang mà họ mong muốn!

Trọng Vũ

Bóng đá Trung Quốc: Tiền không mua nổi thành công - 2