Bóng đá Thái Lan khủng hoảng: Cuộc chiến giữa nhà chuyên môn và nhà quản lý

(Dân trí) - Người hâm mộ bóng đá Thái Lan tha thiết mong mỏi Kiatisuk trở lại cương vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia, nhưng “Zico Thái” khó mà trở lại chừng nào chủ tịch đương nhiệm của Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT), ông Somyot Poompunmuang, còn tại vị.

Câu chuyện bắt đầu từ khi ông Somyot Poompunmuang lên làm chủ tịch FAT cách nay ít năm. Và việc làm đầu tiên của vị cựu tư lệnh cảnh sát này là gây sức ép buộc HLV Kiatisuk phải từ chức.

Lý lẽ mà ông Somyot đưa ra khi đó nằm ở chỗ Kiatisuk thất bại trong việc giúp đội tuyển Thái Lan giành vé dự VCK World Cup 2018, và tân chủ tịch FAT muốn đội tuyển được nâng tầm, bóng đá Thái Lan được nâng tầm dưới bàn tay thầy ngoại.

Tuy nhiên, từ lúc Kiatisuk từ nhiệm ở đội tuyển quốc gia Thái Lan, cũng là lúc bắt đầu cho giai đoạn đi xuống thê thảm nói chung của bóng đá Thái.

Bóng đá Thái Lan khủng hoảng: Cuộc chiến giữa nhà chuyên môn và nhà quản lý - 1

HLV Kiatisuk chính là nạn nhân của cách làm việc thiếu tôn trọng dân chuyên môn của Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT)

Khi còn Kiatisuk, đội tuyển Olympic Thái Lan vào đến bán kết Asiad 2014 – thành tích tốt nhất của nền bóng đá đất Chùa Vàng trong lịch sử các lần dự Á vận hội, ngang với thành tích mà Kiatisuk từng có được khi còn là cầu thủ.

Khi còn Kiatisuk trong khu kỹ thuật, đội U23 Thái Lan vô địch SEA Games các năm 2013 và 2015, vô địch AFF Cup 2014 và 2016.

Không những là người mang lại thành công cho đội tuyển Thái Lan, cho bóng đá Thái Lan trong khoảng thời gian từ năm 2013 – 2017, Kiatisuk còn là nhân vật góp công lớn chặn đứng đà đi xuống của bóng đá Thái Lan.

Bởi, trước năm 2013, đội tuyển U23 Thái Lan từng mất ngôi vô địch SEA Games về tay Malaysia (2 kỳ vào các năm 2009 và 2011), mất ngôi vô địch AFF Cup về tay Việt Nam, Malaysia và Singapore (các kỳ giải 2004, 2007, 2012 của Singapore, 2008 của đội tuyển Việt Nam và 2010 của Malaysia).

Rồi sau khi Kiatisuk rời ghế HLV trưởng đội tuyển Thái Lan năm 2017, đội bóng đất Chùa Vàng lại mất ngôi vô địch AFF Cup 2018 về tay đội tuyển Việt Nam, thành tích của đội U23 nước này tại các kỳ giải U23 châu Á và Asiad cũng chịu tác động lớn và đi xuống theo.

Thành ra, khi phân tích về chuỗi ngày xuống thành tích thảm hại của bóng đá Thái Lan ít năm gần đây, giới bóng đá và người hâm mộ Thái Lan chỉ ngay ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến đà đi xuống đấy, nằm ở người giữ cương cao nhất trong cơ quan điều hành nền bóng đá, tức chủ tịch FAT Somyot Poompunmuang.

Giai đoạn ông Somyot Poompunmuang nắm quyền điều hành FAT từ năm 2016 cũng là giai đoạn bóng đá Thái Lan có thành tích rất tệ. Điều đáng nói hơn nữa, vai trò của những nhà chuyên môn dường như không được xem trọng trong giai đoạn này.

Ngoài Kiatisuk, cựu HLV đội tuyển U23 Thái Lan, đồng thời là cựu danh thủ Worrawoot Srimaka cũng bị đối xử khá tệ. Ông Worrawoot giúp U23 Thái Lan vô địch SEA Games năm 2017, nhưng sau đó cũng giống như Kiatisuk, bị chê là không thể nâng tầm bóng đá đất Chùa Vàng, nên bị thay bằng các HLV Jankovic (người Bulgaria) và Alexander Gama (Brazil), trước khi các HLV ngoại nêu trên đều thất bại thảm hại.

Đội tuyển Thái Lan sau này túng người đến mức phải giao cho HLV Sirisak Yodyarthai, dù ông Sirisak không đủ bằng cấp theo tiêu chuẩn của FIFA, và ở các giải đấu chính thức do FIFA hoặc AFC tổ chức, ông Sirisak không đủ điều kiện để được đăng ký với vai trò HLV trưởng.

Một thực tế cho thấy giới chuyên môn tại Thái Lan quá ngán cách điều hành của FAT nói chung và chủ tịch đương nhiệm Somyot Poompunmuang nói riêng.

Thành ra, ngày nào người đàn ông này còn ngồi ở vị trí hiện tại, những nhà chuyên môn của bóng đá Thái Lan vẫn còn không mặn mà với đội tuyển. Đặc biệt, Kiatisuk lại càng không, bởi “Zico Thái” chính là nạn nhân từng chịu cảnh ê chề nhất vì cách làm việc thiếu tôn trọng dân chuyên môn của ông Somyot.

Thiện Nhân

Bóng đá Thái Lan khủng hoảng: Cuộc chiến giữa nhà chuyên môn và nhà quản lý - 2