(Dân trí) - Bóng đá Saudi Arabia đang vươn lên bằng cách chi rất nhiều tiền để tuyển mộ ngôi sao. Đằng sau tham vọng trỗi dậy ấy không chỉ là tạo ra quyền lực mềm mà còn cả khát vọng chữa lành.
Bóng đá Saudi Arabia đang vươn lên bằng cách chi rất nhiều tiền để tuyển mộ ngôi sao. Đằng sau tham vọng trỗi dậy ấy không chỉ là tạo ra quyền lực mềm mà còn cả khát vọng chữa lành.
Al Hilal là câu lạc bộ (CLB) giàu truyền thống nhất lịch sử bóng đá Saudi Arabia và thành công bậc nhất châu Á. Đội bóng này đã giành tổng cộng 66 danh hiệu lớn nhỏ, bao gồm kỷ lục 18 lần đăng quang giải vô địch quốc gia (VĐQG) Saudi Pro League và 4 chức vô địch AFC Champions League (cúp C1 châu Á).
Dù sở hữu thành tích ấn tượng như vậy song ngày 19/8 vừa qua đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử CLB. Al Hilal bước vào kỷ nguyên mới với 65.000 người hâm mộ ngất ngây chiêm ngưỡng màn ra mắt lung linh của Neymar.
Sau những tràng pháo hoa rực rỡ, tân binh người Brazil bước ra sân vận động King Fahd Stadium trong bộ trang phục màu xanh đậm truyền thống của CLB. Ấn tượng hơn nữa, trên nền trời xuất hiện gương mặt tiền đạo này, được "dệt" bằng hiệu ứng ánh sáng từ những chiếc máy bay không người lái.
Neymar mới là một trong hàng tá ngôi sao bóng đá cập bến Saudi Arabia trong kỳ chuyển nhượng hè 2023. Làn sóng này được khởi xướng từ thương vụ Cristiano Ronaldo gia nhập Al Nassr vào tháng Giêng, bằng bản hợp đồng có trị giá hơn 400 triệu USD (370 triệu euro).
Ngoài C.Ronaldo và Neymar, có thể kể đến Karim Benzema và N'Golo Kante gia nhập Al Ittihad, Sadio Mane tới Al Nassr, Riyad Mahrez đầu quân cho Al Ahli, Jordan Henderson khoác áo Al-Ettifaq. Gần 900 triệu USD (hơn 800 triệu euro) là số tiền các đội bóng của Saudi Pro League đã chi ra để chiêu mộ cầu thủ nước ngoài trong "phiên chợ hè 2023".
Con số này chưa hẳn phản ánh đúng tiềm lực tài chính của các đội bóng Saudi Pro League, bởi cuối kỳ chuyển nhượng, Al Ittihad đã hỏi mua Mohamed Salah của Liverpool với giá 175 triệu euro nhưng bất thành.
Chính dòng tiền từ đất nước Tây Á này là thúc đẩy kỳ chuyển nhượng kỷ lục về chi tiêu tại châu Âu. Riêng Ngoại hạng Anh, lần đầu tiên các CLB chi ra hơn 2 tỷ bảng để chiêu mộ tân binh. Cụ thể, theo số liệu từ Deloitte, các đội bóng Ngoại hạng Anh đã chi tổng cộng 2,36 tỷ bảng (2,75 tỷ euro), phá sâu kỷ lục 1,92 tỷ bảng (2,24 tỷ euro) được thiết lập vào mùa hè năm ngoái.
Giá chuyển nhượng bình quân cho mỗi tân binh được Premier League chi ra tăng lên mức 28 triệu euro, so với 22 triệu euro ở kỳ chuyển nhượng mùa hè năm ngoái và 16,3 triệu euro vào hè năm 2018.
Số tiền các đội bóng Premier League thu về từ việc bán cầu thủ trong phiên chợ hè vừa qua đạt gần 650 triệu euro, gấp đôi so với kỷ lục cũ. Một số thương vụ bom tấn đã được thực hiện trong nội bộ Ngoại hạng Anh, bao gồm vụ chuyển nhượng Moises Caicedo từ Brighton sang Chelsea và Declan Rice từ West Ham sang Arsenal đều có mức phí trên 100 triệu euro.
Từ lâu nay, bóng đá Anh đã thống trị thị trường chuyển nhượng, chủ yếu nhờ hợp đồng quảng cáo và bản quyền truyền hình Premier League khổng lồ. Nhiều CLB còn có giới chủ giàu sụ đến từ Trung Đông, Mỹ.
Tuy nhiên, chính cuộc mua sắm rầm rộ của các đội bóng Saudi Pro League đã tạo động lực cho thị trường chuyển nhượng. Mặc dù Chelsea là đội bóng hai năm liền chi tiêu nhiều nhất tuy nhiên Al Hilal (xếp thứ hai) mới là đội chi tiêu ròng mạnh tay nhất.
Theo chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt, gã khổng lồ của bóng đá Saudi Arabia đã chi ra tổng cộng 345 triệu euro (370 triệu USD) để mua sắm cầu thủ, bao gồm 90 triệu euro chiêu mộ Neymar từ PSG và 55 triệu euro cho Wolverhampton để có Ruben Neves.
Điều đáng nói, sự bạo chi của các CLB Saudi Pro League không hề là hiện tượng ngẫu hứng nhất thời. Chính phủ Saudi Arabia đã cam kết hỗ trợ tài chính cho giải VĐQG cho đến khi đạt được mục tiêu trở thành một trong những giải đấu hàng đầu về doanh thu và chất lượng.
PIF (Public Investment Fund - Quỹ đầu tư công Saudi Arabia), với tài sản ước tính 776 tỷ USD, không chỉ sở hữu Newcastle United mà còn hậu thuẫn cho 4 đội bóng hàng đầu quốc gia này, bao gồm Al Hilal, Al Ittihad, Al Nassr và Al Ettifaq.
Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới không chỉ đầu tư mạnh tay vào bóng đá và Saudi Pro League, hàng tỷ USD khác đã được đổ vào Golf và đua xe Công thức 1. Một số nhà quan sát phương Tây mô tả đó là "nỗ lực tẩy trắng" bằng thể thao sau những chỉ trích về vấn đề nhân quyền.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng hình ảnh và danh tiếng không phải lý do duy nhất đằng sau chiến lược đầu tư vào thể thao của Saudi Arabia. Theo Simon Chadwick, giáo sư Kinh tế Thể thao và Địa chính trị tại Trường Kinh doanh Skema ở Paris, "các quốc gia trên khắp thế giới sử dụng thể thao và giải trí như một công cụ chính trị để tạo ra quyền lực mềm".
"Đó là một phần chính sách Saudi Arabia đang triển khai. Chúng ta đang nói về cuộc đua giữa các quốc gia để chinh phục thế giới từ trái tim và tâm hồn. Anh, Mỹ, Pháp, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác cũng thực hiện chính sách này. Bây giờ Saudi Arabia cũng làm điều tương tự", Giáo sư Chadwick nói thêm.
Mục tiêu quan trọng thứ hai đằng sau cuộc mua sắm rầm rộ trên thị trường chuyển nhượng bóng đá của Saudi Arabia là nỗ lực mở rộng và tái tạo nền kinh tế trong bối cảnh doanh thu từ dầu mỏ bắt đầu sụt giảm. Hiện tại, xuất khẩu dầu mỏ vẫn chiếm tới 40% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của quốc gia này.
Thể thao chính là một trong những trụ cột trong dự án "Tầm nhìn 2030" của đất nước Saudi Arabia, do Thái tử Mohammed bin Salman, người đứng đầu Chính phủ và PIF đề ra. Chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế này nhằm giảm sự phụ thuộc của quốc gia vào nguồn thu từ nhiên liệu hóa thạch, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mới và tạo việc làm.
Ông Carlo Nohra, Giám đốc điều hành Saudi Pro League cho biết: "Cung cấp nền tảng giải trí trong nước cho người dân Saudi Arabia là một trong những mục tiêu của "Tầm nhìn 2023", đồng thời phát triển tài năng bản địa để nâng cao chất lượng giải đấu trong tương lai".
Cần nhấn mạnh, Saudi Arabia là đất nước cuồng bóng đá. 80% dân số quốc gia này tham gia hoặc theo dõi môn thể thao vua. Vẫn còn quá sớm để đánh giá xem khoản đầu tư táo bạo này có đem lại lợi nhuận không, nhưng chiến lược này đã thể hiện ý chí mạnh mẽ để trở thành cường quốc bóng đá của đất nước Tây Á.
Khoản thù lao hấp dẫn và cuộc sống xa hoa, đầy đủ tiện nghi được xem là động lực chính để những ngôi sao rời bỏ bóng đá đỉnh cao ở châu Âu để đến Saudi Arabia chơi bóng. Tuy nhiên, Karim Benzema, đương kim Quả bóng vàng, huyền thoại Real Madrid, tân binh Al Ittihad đưa ra lý do hoàn toàn khác: Để chữa lành.
Phát biểu trong buổi lễ ra mắt đội bóng mới, tiền đạo kỳ cựu người Pháp gốc Algeria chia sẻ đầy tâm tư: "Đây là nơi tôi muốn đến. Điều quan trọng là được sống ở một đất nước Hồi giáo, nơi tôi nhận thấy mọi người giống tôi. Đó là một cuộc sống mới mà tôi rất nóng lòng bắt đầu".
Giống như Benzema, 7 cầu thủ Hồi giáo khác đã chuyển từ châu Âu đến Saudi Arabia chơi bóng trong kỳ chuyển nhượng mùa hè vừa qua: N'Golo Kante, Edouard Mendy, Kalidou Koulibaly, Seko Fofana, Moussa Dembele, Riyad Mahrez và Sadio Mane.
Tại Saudi Arabia, các cầu thủ Hồi giáo không bị phản đối khi thực thi các nghi lễ. Cả nước phải thay đổi lịch trình trong tháng Ramadan và bóng đá không phải là ngoại lệ.
Mặc dù Benzema đã giải thích rất rõ quyết định chuyển đến Saudi Arabia chơi bóng của mình, vẫn còn nhiều câu hỏi khác cần có lời giải đáp. Tầm quan trọng của việc một đất nước Hồi giáo thu hút các cầu thủ đạo Hồi đến thi đấu? Đức tin đóng vai trò như thế nào với các cầu thủ Hồi giáo? Hay làm thế nào để bóng đá Saudi Arabia phát triển trong môi trường tôn giáo nghiêm cẩn?
Dag Henrik Tuastad, giảng viên cao cấp về Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oslo (Na Uy) cho biết: "Trong lịch sử Trung Đông, chế độ gia trưởng không chỉ tồn tại dưới dạng người đàn ông kiểm soát phụ nữ mà còn cả sự kiểm soát của người lớn đối với trẻ nhỏ.
Thanh thiếu niên trở nên thiếu thốn địa điểm tụ tập cùng nhau. Và rồi bóng đá trở thành không gian cho một hình thức trỗi dậy của xã hội, nơi mọi người gặp gỡ và gắn bó bên ngoài chuỗi kết nối gia đình".
Bóng đá từng bị những giáo sĩ Hồi giáo bảo thủ phản đối, coi đó là nguy cơ Tây hóa và thế tục hóa. Nhưng theo thời gian, bóng đá dần được chấp nhận và trở thành môn thể thao phổ biến nhất.
Người hâm mộ Saudi Arabia cuồng nhiệt tới nỗi, Al-Habsi, cựu thủ thành Wigan và Bolton miêu tả: "Al Hilal giống Man Utd. Nếu đội bóng này có sân vận động sức chứa 100.000 người, sân bóng đấy vẫn được lấp đầy trong các trận đấu lớn. Người hâm mộ nơi này phát cuồng vì bóng đá".
Vì vậy, thông qua bóng đá, Saudi Arabia, quốc gia của hơn 30 triệu dân, 80% người hâm mộ bóng đá và 60% người dưới độ tuổi 30, cũng khao khát thể hiện hình ảnh mới cởi mở, tươi trẻ và thân thiện hơn.
Đối với các cầu thủ, theo tiến sĩ Erkut Sogut, người đại diện bóng đá và luật sư thể thao, với Mesut Oezil từng là thân chủ, đánh giá: "Tất nhiên, đối với người theo đạo Hồi, đến sinh sống và làm việc ở quốc gia đạo Hồi là lợi thế lớn.
Một người Hồi giáo cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, tuân theo mọi quy tắc một người Hồi giáo nên làm, thế nên môi trường rất quan trọng với các cầu thủ bóng đá".
Đức tin là điều không thể thiếu đối với một người Hồi giáo. Những cầu thủ nổi tiếng như Paul Pogba hay Mohamed Salah cũng nhiều lần viếng thăm thánh địa Mecca và Medina. Bởi vậy, sự quen thuộc về phong tục, tập quán chắc chắn là một trong những nguyên nhân để các cầu thủ theo đạo Hồi chọn đến Saudi Arabia chơi bóng.
Tại Saudi Arabia, các cầu thủ có thể thực hiện những cuộc hành hương đến các thành phố linh thiêng của người Hồi giáo, như Pogba và Salah đã làm, và là điều người Hồi giáo phải thực hiện ít nhất một lần trong đời. Không chỉ vậy, ở Saudi Arabia, họ không bị phân biệt đối xử.
"Tôi có thể gia nhập đội bóng khác tại châu Âu, nhưng tôi thích chuyển đến lục địa khác từ sau sự cố ở Bồ Đào Nha", Moussa Marega chia sẻ. Tiền đạo đang khoác áo Al Hilal này từng tự ức chế tới nỗi bỏ ngang trận đấu khi còn khoác áo Porto vì bị cổ động viên phân biệt chủng tộc.
"Người đại diện gọi cho tôi và nói rằng có lời đề nghị từ Saudi Arabia và hỏi tôi có quan tâm không", Marega tiếp tục. "Chỉ mới cách đó khoảng 1 hoặc 2 tuần, tôi đã nói chuyện với vợ về khả năng chuyển đến chơi bóng ở một quốc gia Hồi giáo, vì chúng tôi là người Hồi giáo".
Cầu thủ người Mali được tiếp đón nồng hậu trong 2 năm qua ở Saudi Arabia và được người hâm mộ Al Hilal đặt cho biệt danh là "Sheikh Moussa" như một sự tôn vinh. Tại quốc gia Trung Đông này, dù bị nói đến nhiều về sự hà khắc song rất hiếm khi xuất hiện trường hợp phân biệt chủng tộc.
Người hâm mộ bóng đá Saudi Arabia không soi mói đến đức tin hay sắc tộc của các cầu thủ. Điều họ quan tâm là mối liên hệ nguồn cội, sự gắn bó giữa cầu thủ và các CLB, cũng như sự quan tâm đến văn hóa Saudi Arabia.
Abdulaziz, một cổ động viên bóng đá Saudi Arabia chia sẻ: "Chắc chắc có nhiều ý nghĩa nếu tân binh là một cầu thủ Hồi giáo. Đó là sự gắn kết về đức tin giữa cầu thủ và người hâm mộ.
Nhưng chúng tôi còn yêu mến hơn nữa khi các cầu thủ nước ngoài cố gắng tìm hiểu và hòa nhập với văn hóa của đất nước chúng tôi. Nếu họ muốn biết về ẩm thực, âm nhạc hay lịch sử Saudi Arabia, người Saudi Arabia rất trân trọng".
Bafetimbi Gomis, cựu tiền đạo Swansea Citry, Marseille và đội tuyển Pháp, không theo đạo Hồi nhưng đã trở thành ngôi sao bóng đá rất được yêu mến tại Saudi Arabia.
Bên cạnh thành tích ghi bàn trong màu áo Al Hilal từ năm 2018 đến 2022, Gomis còn chụp ảnh mặc trang phục truyền thống của người Ả-rập, uống kahwa (cà phê Trung Đông) và đăng tải hình ảnh chuyến viếng thăm những thành phố tại Saudi Arabia trên mạng xã hội.
Ngoài những cầu thủ Hồi giáo đến Saudi Arabia chơi bóng như một sứ mệnh hành hương, chắc chắn nhiều cầu thủ khác cũng tìm thấy sự hạnh phúc và bình yên trong tâm hồn như Marega hay Gomis. Tất nhiên, cuộc sống xa hoa là không thể phủ nhận!