Bóng đá miền Tây Nam bộ trong cơn khó

(Dân trí) - K.Kiên Giang chờ ngày giải tán, ĐT Long An suýt bỏ, trong khi HV.An Giang cam phận tân binh, bóng đá miền Tây Nam bộ đối diện với một mùa giải nhiều sóng gió ở V-League năm sau.

Chuyện K.Kiên Giang giải tán có lẽ chỉ còn tính từng ngày. Đội bóng này chưa chính thức tuyên bố giải tán, nhưng cầu thủ thì đã tứ tán.

Mà K.Kiên Giang không bỏ sao được khi mà những khoản nợ của họ vẫn còn nguyên đấy, đồng thời những lá đơn đòi nợ hướng về đội bóng này mỗi lúc một nhiều. Hết chuyện nhóm 6 cầu thủ nội viết đơn cầu cứu lên VFF đòi tiền K.Kiên Giang, đến chuyện ngoại binh Felix thuê luật sư đòi làm ra ngô ra khoai với đội bóng miền Tây Nam bộ.

Cùng lúc đó, nhà tài trợ lớn nhất của K.Kiên Giang trong mấy năm vừa rồi là Kienlongbank cũng đã tuyên bố sẽ không tài trợ tiếp mùa sau. Trước hàng loạt thông tin bất lợi nhằm về phía đội mình, lãnh đạo đội bóng miền Tây Nam bộ chọn giải pháp “lặn” kỹ.

Có lẽ lý do lớn nhất để K.Kiên Giang chưa tuyên bố giải tán là chờ vào phép lạ rằng có nơi mua lại suất đá V-League. Tuy nhiên, ngay cả khi đại hạ giá thì K.Kiên Giang vẫn chưa tìm được đối tác để bán suất.

ĐT Long An không còn là anh cả của bóng đá miền Tây

ĐT Long An không còn là "anh cả" của bóng đá miền Tây

Không chỉ có K.Kiên Giang, hàng loạt đội bóng khác thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng không tránh khỏi cơn bão tài chính đang quét qua bóng đá Việt Nam. ĐT Long An một thời giàu có tiếng, cách nay mấy năm còn được đánh giá là “anh cả” của bóng đá miền Tây, giờ cũng thắt chặt chi tiêu đáng kể.

Thậm chí, vài tháng trước, ĐT Long An tưởng như không thể tồn tại nổi, khi bầu Thắng bóng gió đến chuyện buông đội bóng. Chỉ đến giờ chót, khi bầu Thắng và Đồng Tâm tiếp tục ở lại, ĐT Long An mới sống tiếp.

Nhưng khác với thời còn làm mưa làm gió cách nay 5 – 7 năm, ĐT Long An hiện tại chi tiêu dè xẻn hơn nhiều. 2 bản hợp đồng đáng chú ý nhất của họ là Tài Em và Việt Thắng vốn đã qua thời đỉnh cao.

Trong đó, Gạch sở hữu Tài Em theo hình thức chuyển nhượng tự do, vì Tài Em đã hết hạn hợp đồng với XM Xuân Thành Sài Gòn, và đội bóng cũ của anh cũng đã giải tán.

Bản hợp đồng cao giá nhất mà Gạch có được là khoản chi 1 tỷ đồng mà họ đặt ra để chuộc lại 1 năm còn lại mà Việt Thắng còn vướn với B.Bình Dương. Dù vậy, con số này không thấm vào đâu so với những con số khổng lồ mà B.Bình Dương đã bỏ ra để có Trọng Hoàng, Đình Luật hay Tấn Trường, dù có thời Gạch từng cạnh tranh với đội bóng đất Thủ Dầu về ngôi sao và cạnh tranh về danh hiệu.

Đầu tư có chừng mực, có lẽ mục tiêu thiết thực nhất của Gạch chỉ là trụ hạng, một mục tiêu mà ở năm ngoái, có thời điểm Gạch ngỡ như không chinh phục nổi.

Đội bóng miền Tây Nam bộ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua là HV.An Giang. Đội chủ sân Long Xuyên được nhắc đến nhiều chủ yếu bởi chi tiết đã 16 năm rồi, họ chưa đá giải VĐQG, được nhắc đến nhiều bởi khát khao thể hiện trong lần đầu tiên xuất hiện ở V-League.

Ngoài chuyện ấy ra, HV.An Giang vẫn là đội bóng trung bình. Kinh nghiệm là vấn đề cực lớn đối với đội bóng của HLV Nhan Thiện Nhân, bởi như đã nói ở trên, đã 16 năm rồi người An Giang chưa hề thi đấu ở giải VĐQG.

Việc chiêu mộ cầu thủ của HV.An Giang thời gian vừa rồi cũng chưa có gì nổi bật, bản hợp đồng đáng chú ý nhất mà HV.An Giang đã có là Phan Thanh Bình, người thậm chí còn không có nổi vị trí chính thức tại… ĐT Long An. Bản hợp đồng đáng chú ý nhất mà họ sắp có là thủ môn Santos, vốn là hàng… dạt từ V-League.

Bóng đá miền Tây Nam bộ càng sa sút thì người ta càng hoài niệm về một thời hào hùng của bóng đá mảnh đất này. Có lẽ với khó khăn kinh tế như hiện nay, có lẽ với cách chuyển mình chậm chạp như vừa qua, sẽ còn rất lâu nữa người hâm mộ bóng đá vùng đồng bằng sông Cửu Long mới nếm trải lại vị ngọt của ngôi VĐQG mà Đồng Tháp từng có năm 1989, 1996, hay ĐT Long An đã có các năm 2005, 2006.

Kim Điền