1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Bổ sung cầu thủ “Thái kiều”, Thái Lan có trở thành đội bóng khác tại AFF Cup?

(Dân trí) - Đội tuyển Thái Lan gọi rất nhiều cầu thủ gốc Thái sinh ra và lớn lên tại châu Âu, cho chiến dịch AFF Cup sắp tới. Tuy nhiên, để vượt trội so với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á, đội bóng đất Chùa Vàng vẫn cần phải có nhóm các ngôi sao đang thi đấu tại Nhật và Bỉ.

Hiện tại, trong danh sách sơ bộ của đội tuyển Thái Lan trước thềm AFF Cup 2018, có 5 cầu thủ “Thái kiều”, vốn là những người sinh ra ở châu Âu, hiện quay về đá bóng tại Thai-League, và phục vụ cho đội tuyển quê mẹ.

Nhóm này gồm Philipp Roller (24 tuổi, sinh tại Đức), Manuel Bihr (25 tuổi, sinh tại Đức), Mika Chunuonsee (29 tuổi, sinh tại xứ Wales), Kevin Deeromram (21 tuổi, sinh tại Thuỵ Điển) và Marco Ballini (20 tuổi, sinh tại Italia).

Như chúng tôi từng đề cập, các cầu thủ Thái kiều sẽ giúp đội tuyển Thái Lan cải thiện đáng kể mặt thể hình (riêng trung vệ Marco Ballini cao đến 1m99), có thể đọ về tầm vóc và về thể lực với nhóm các cầu thủ gốc ngoại nhập tịch thuộc các đội Indonesia, Philippines hay Malaysia tại AFF Cup, hoặc các đội bóng khác thuộc châu Á tại Asian Cup 2019. Tuy nhiên, ngay cả khi sử dụng các cầu thủ “Thái kiều” dạng này, về cơ bản, chuyên môn của đội tuyển Thái Lan vẫn không lột xác hoàn toàn.

Nhóm các cầu thủ Thái kiều như Kevin Deeromram...
Nhóm các cầu thủ Thái kiều như Kevin Deeromram...

Họ vẫn là những người đang thi đấu ở Thai-League, tức là trình độ chuyên môn nói chung không vượt quá xa các cầu thủ hiện tại của bóng đá Thái Lan, đồng thời cũng không quá vượt trội so với các đội bóng khác ở Đông Nam Á.

Muốn có sự vượt trội đấy, đội bóng đất Chùa Vàng vẫn cần đến sự phục vụ của nhóm 4 cầu thủ đang thi đấu nhà nghề tại Nhật Bản và Bỉ, gồm Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda, Theerathon Bumanthan (thi đấu tại J-League 1 của Nhật) và thủ môn Kawin (thi đấu tại giải hạng 2 của Bỉ).

Chỉ có điều, các CLB chủ quản của những cầu thủ nêu trên chưa chịu “nhả” người cho đội tuyển Thái Lan tại AFF Cup 2018, nên Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) sẽ phải tiếp tục thương lượng với họ.

Trong trường hợp không thể thương lượng để có sự phục vụ của nhóm Chanathip Songkrasin, Theerathon Bumanthan, Teerasil Dangda và Kawin, đội tuyển đất Chùa Vàng phải trông chờ vào những cầu thủ đang thi đấu tại Thai-League, bao gồm cả những cầu thủ “Thái kiều” nêu trên.

... và Marco Ballini giúp đội tuyển Thái Lan có thể hình như các đội bóng châu Âu
... và Marco Ballini giúp đội tuyển Thái Lan có thể hình như các đội bóng châu Âu

Không có nhóm 4 cầu thủ đang đá bóng nhà nghề tại nước ngoài dự AFF Cup, Thái Lan vẫn là đội bóng rất mạnh ở khu vực Đông Nam Á, nhưng không phải là rào cản không thể khuất phục của phần còn lại của bóng đá khu vực, trong đó có đội tuyển Việt Nam.

Nếu đi tìm chi tiết đáng lưu tâm nhất về đội tuyển Thái Lan ở kỳ AFF Cup lần này so với những kỳ giải trước, thì đấy là chi tiết thể hình của đội bóng đất Chùa Vàng đang thay đổi đáng kể.

Trong thành phần đội tuyển Thái Lan dự AFF Cup vào cuối năm nay, có thể sẽ có rất nhiều cầu thủ có thể hình rất tốt, như trung vệ Marco Ballini (cao 1m99), trung vệ Manuel Bihr (cao 1m84), trung vệ Suphan Thongsong (1m83), hậu vệ trái Kevin Deeromram (1m83), các tiền vệ phòng ngự Tanaboon Kerasat (1m82), Pokklaw Anan (1m80), và nhóm các trung phong Adisak Kraison (1m82), Supachai Jaided (1m83), Chananan Pombuppha (1m82).

Tức là bóng đá Thái Lan có ý thức xây dựng trục dọc (trung vệ - tiền vệ trung tâm – trung phong) với các cầu thủ to, khoẻ, giỏi tranh chấp, theo đúng phong cách của bóng đá châu Âu, và đội tuyển Việt Nam sẽ có thêm bài toán chống bóng bổng cần tìm lời giải trước Thái Lan ở AFF Cup 2018.

Thiện Nhân

Bổ sung cầu thủ “Thái kiều”, Thái Lan có trở thành đội bóng khác tại AFF Cup? - 3