Chuyện trọng tài V-League:
Biết rồi, khổ lắm… nhưng vẫn phải nói!
(Dân trí) - Huy Hoàng quỳ gối “hành lễ” đúng 3 vái trước “vua” Đào Văn Cường trong trận đấu trên sân Vinh, khán giả Pleiku mạt sát và suýt lao xuống sân ăn thua đủ với người cầm còi Phạm Quốc Dũng. Tất cả đều xuất phát từ những “sai lầm chuyên môn thuần tuý”…
Nếu có giải thưởng cho Giải VĐQG có chất lượng trọng tài tồi tệ nhất, chắc giải thưởng đặc biệt đó khó lọt khỏi tay V-League và Giải Hạng nhất. Nếu có giải BTC xuề xoà với các ông vua sân cỏ nhất, BTC 2 giải đấu cao nhất của BĐVN cũng không dễ có đối thủ xứng tầm.
Khi những vụ đưa - nhận hối lộ bị phanh phui, hàng loạt ông vua áo đen gạo cội trong làng còi VN đã phải khoác lên mình tấm áo sọc. Và vì thế, cái giải V-League non trẻ (nếu như hiểu rằng BĐVN đang đập đi xây lại từ đầu) lâm vào tình trạng khát trọng tài giỏi còn hơn người lữ hàng trên sa mạc khát nước.
Giai đoạn 1 qua đi với bao nhiêu vụ sự xuất phát từ những lỗi lầm sơ đẳng mà người ta đều nhất trí cho rằng là “những lỗi chuyên môn đơn thuần và không thể tránh khỏi”.
Hết Phan Văn Rạng, đến Nguyễn Thanh Phong, Bozik Rastislav và cả “phù thuỷ” Calisto phải “ngậm bồ hòn” chịu án phạt vì mạo muội chỉ tay day trán các vị trọng tài đáng kính.
Có người oang oang ra để rồi ngoan ngoãn nộp phạt, có người hiểu cuộc chơi nên “ngậm miệng ăn tiền”, nhưng có một điều mà không ai phủ nhận là những “sai sót chuyên môn đơn thuần” của các trọng tài đã giết chết những nỗ lực mồ hôi nước mắt của nhiều đội bóng trong nhiều trận đấu.
Hết giai đoạn 1, VFF vẫn xuề xoà kết luận: “Nói chung, các trọng tài đã làm việc có trách nhiệm, vô tư và công bằng. Điều đó đóng góp một phần vào chiến dịch bóng đá sạch của LĐBĐ VN”. Ông Dương Nghiệp Khôi nói thế, nhưng nỗi ấm ức trong lòng những đội bóng bị xử oan thì có trời mới thấu.
Ở vòng đấu mở hàng của Giai đoạn 2, cái sự ấm ức đó lại trỗi dậy thành những phản ứng theo cách khác nhau.
Cứ nhìn cái cách mà trung vệ Huy Hoàng của Sông Lam quỳ xuống vái “vua” Cường thì rõ. Xem trận đấu đó, người viết không khỏi nhịn cười.
Không phải đến khi Hoàng đá bóng chạm chân tiền đạo Tiền Giang ra ngoài sân để rồi nhận … phạt góc thì trung vệ có bản tính nóng nảy này mới ngao ngán như vậy. Trước đó, trọng tài Cường đã có nhiều tiếng còi khiến khán giả Vinh phải ngỡ ngàng.
May cho Hoàng, mà cũng may cho ông Cường, Sông Lam đã được vận đỏ ủng hộ để rồi vượt qua Tiền Giang, chứ không thì không biết cái bắt tay miễn cưỡng của Huy Hoàng và đồng đội ở cuối trận đấu sẽ biến thành chuyện gì.
Nếu bỏ sang một bên cái vỏ bọc buồn cười của sự việc, có thể thấy được Huy Hoàng là người “hiểu lệ” như thế nào. Bao nhiêu người đã phản đối gay gắt, để rồi chuốc lấy hoạ vì tội “có những lời lẽ thiếu tôn trọng trọng tài”, huống hồ một cầu thủ vốn đã bị lắm "lời bấc tiếng chì" như Hoàng.
Do đó, cách phản ứng của Hoàng vừa thể hiện sự chán ngán tột độ, mà vừa không “bất kính” để có thể bị quy khép vào bất kỳ lỗi hành vi nào.
Còn khán giả Gia Lai thì không được uyên thâm và biết phép tắc như Hoàng. Chẳng có luật lệ nào ngăn cản họ la ó cả, nhất là khi tổ trọng tài suýt chút nữa đã bẽ gãy trận đấu bằng các “sai sót thuần tuý chuyên môn”.
Ngoài việc từ chối pha ăn bàn mười mươi của Minh Nghĩa, trọng tài Phạm Quốc Dũng còn liên tiếp gây ngạc nhiên bằng những quyết định sai lè lè của mình. Nếu có thành viên nào của BTC giải lên ngồi trên khán đài làm khán giả, chắc cũng phải kiềm chế lắm thì mới không văng ra những lời lẽ “phạm thượng”.
Những vụ cãi cọ thế này đã xảy ra không ít trong mùa giải năm nay. |
Có lẽ biết mình chưa phải phép với khán giả cao nguyên, ông Dũng đã “chuộc tội” bằng cách thẳng tay rút thẻ đỏ đuổi Almeida ra khỏi sân sau pha va chạm ở những phút cuối trận với Gia Hoàng của HA.GL.
Sẵn điên tiết với những tiếng còi không có trong sách vở của “vua” Dũng, khán giả Gia Lai đã đổ hết thịnh nộ lên đầu trung vệ Mạnh Dũng của Đà Nẵng. Nếu không có sự “chăm sóc” tận tình của cảnh sát cơ động, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra với cái đầu nóng dám “chọc” vào “tổ kiến lửa” này.
Ấy vậy mà sau trận đấu, cả GĐKT HA.GL Nguyễn Văn Vinh lẫn HLV Trần Vũ tỏ ra khá nhẹ nhàng trong những lời nhận xét của mình.
Ông Vũ chỉ dám than vãn vài lời về chiếc thẻ đỏ nặng tay, còn ông Vinh thậm chí còn bảo vệ “vua” Dũng bằng cách vừa đấm vừa xoa: “Sự thiếu chính xác của tổ trọng tài trong trận đấu ngày hôm nay không phải xuất phát từ cái tâm, mà là do non kinh nghiệm trong một trận đấu căng thẳng và tốc độ rất cao”.
Sau bao nhiêu năm gắn bó với BĐVN, và tận mắt chứng kiến không ít đồng nghiệp đã mắc “vạ miệng” ở Giai đoạn 1, cách cư xử “chủ hoà” của ông Vinh là điều dễ hiểu, nhất là khi mà đội ông đã bỏ túi 3 điểm.
Trong cả 2 vụ việc, bên “chịu thiệt” đều có những kết thúc “có hậu”. Có lẽ vì thế nên chuyện này sẽ không bị làm rùm beng lên. Có chăng thì BTC sân Pleiku sẽ bị phạt vì đã để khán giả có những lời lẽ và hành vi khiếm nhã với trọng tài.
Không ai khuyến khích Huy Hoàng nhảy xổ vào vào trọng tài Cường, cũng chẳng hay ho gì nếu BHL HA.GL lại chỉ tay thẳng mặt ông Dũng như cách mà ông Calisto đã làm.
Nhưng nếu những phản ứng kiểu an phận đó là biểu hiện của một của một tư tưởng mới: tư tưởng thừa nhận những sai lầm của trọng tài là một điều hiển nhiên của bóng đá VN, thì đó quả là một điều đáng lo ngại.
Có lẽ chúng ta đã quá ám ảnh với những vụ việc đưa nhận hối lộ mà quên mất rằng trong mọi cái nghề, ngoài đạo đức nghề nghiệp không thể không nhắc đến năng lực chuyên môn.
Đã đến lúc, BTC và Hội đồng trọng tài phải có thái độ cứng rắn hơn với những sai lầm khó chấp nhận của các ông vua áo đen.
Chuyên môn yếu kém sẽ được bù đắp bằng trách nhiệm, và hai chữ “trách nhiệm” sẽ không bao giờ tự sinh ra đời và lớn lên nếu “những sai lầm chuyên môn thuần tuý” cứ mặc nhiên được thừa nhận như một cái lệ đang phát sinh và dần có chỗ đứng kể từ đầu mùa giải đến nay.
Khi những cuộc đua tranh đang ngày trở nên căng thẳng hơn, chẳng có gì đảm bảo những hiện tượng “đi đêm” sẽ không tái diễn. Lúc đó, liệu có dễ dàng để phân biệt đâu là sai lầm “chuyên môn” và “phi chuyên môn”?
Nếu không quyết đấu tranh với cái cớ to “trọng tài trẻ, sai lầm chuyên môn là không tránh khỏi”, rất có thể bóng đá VN sẽ phải trả giá với những “sai lầm thuần tuý chuyên môn”!
Hồng Lê