Biên, biên, biên! Biến, biến, biến!
Chưa bao giờ ĐTVN thi đấu quốc tế mà không khí khắp các tỉnh thành trong cả nước im ắng đến vậy. Chưa bao giờ ĐTVN lọt vào bán kết cúp AFF (cúp Tiger trước đây) mà các nhà chuyên môn, báo giới lẫn người hâm mộ thất vọng về lối chơi của ĐT đến vậy.
Và chưa bao giờ người viết bài này xem đội tuyển Việt Nam thi đấu mà cảm thấy cần phải vận dụng kiên nhẫn nhiều đến vậy.
1. Chẳng qua là chúng ta chơi quá dở. HLV Riedl cho rằng lẽ ra Việt Nam đã thắng Singapore, nếu trọng tài công nhận bàn thắng hợp lệ của Phan Thanh Bình. Ông cho rằng lẽ ra Việt Nam đã thắng Indonesia nếu hàng phòng ngự tập trung hơn ở những phút đấu bù giờ.
Ông cũng cho rằng lẽ ra tuyển Việt Nam đã thắng Lào từ 12 quả trở lên để giành vị trí nhất bảng nếu các tuyển thủ không bỏ lỡ quá nhiều cơ hội.
Tất cả những điều ông nói đều là sự thật, nhưng có một sự thật khác quan trọng hơn, và có tính bản chất hơn: Việt Nam chơi dở hơn Singapore, chơi dở hơn Indonesia - sự thật đó dẫn đến một sự kiện kỳ lạ lần đầu tiên xảy ra ở Việt Nam: bất chấp những cái “lẽ ra” đó, hầu như tất cả các nhà chuyên môn đều tuyên bố rằng Việt Nam hòa Singapore và Indonesia là hợp lý và công bằng.
Còn nếu Việt Nam thắng Singapore và Indonesia trong hai trận đấu đó thì thật là bất công cho đội bạn. Trận thắng Lào lại bộc lộ một cái dở khác của đội Việt Nam: tự phát, hoang phí và cẩu thả.
2. Trong tất cả các giải giao hữu trước đây, tôi không dám nhận xét nhiều về lối chơi của đội tuyển, vì đưa ra một đánh giá chung cục về một lối chơi đang trong giai đoạn thử nghiệm e rằng quá hấp tấp.
Nhưng bây giờ, qua ba trận đấu chính thức của đội tuyển ở vòng đấu bảng cúp AFF, có lẽ các mặt mạnh yếu của đội tuyển đã bộc lộ chính xác và đầy đủ, tiếc thay phần yếu lấn át phần mạnh một cách không thương tiếc.
ĐTVN thi đấu tại Singapore. (ảnh: VTC) |
Về mặt con người, chỉ có ba cầu thủ chơi hay trong ba trận vừa qua: Huy Hoàng, Như Thành và Tấn Tài. Lê Công Vinh lẽ ra là người thứ tư nếu anh không ích kỷ một cách khó hiểu (thật ra là dễ hiểu!).
Số bàn thắng Vinh lãng phí do cẩu thả và nhất là do không chịu chuyền bóng cho đồng đội ở tư thế thuận lợi còn nhiều hơn gấp bội số bàn thắng anh ghi được vào lưới đối phương.
Vậy là giỏi hay dở, công hay tội? Hai tiền vệ trung tâm Minh Phương và Hồng Minh - vị trí cực kỳ quan trọng - chơi bóng có lẽ không thể nào tệ hơn, đến mức có cảm giác cả hai thi nhau xem ai chơi tệ hơn ai.
Cả đội tuyển mà chỉ có ba vị trí chơi tốt, chỉ có thể giải thích bằng lý do thể lực sa sút và chiến thuật không phù hợp - nói khác đi là do phương pháp huấn luyện. Để xảy ra hiện tượng hàng loạt cầu thủ gặp chấn thương trước khi bước vào giải đấu chính thức và không đủ thể lực để chơi sung mãn trong 90 phút, tức là khâu huấn luyện có vấn đề.
3. Tôi từng cho rằng “miếng đánh biên” không hề đồng nghĩa với “lật cánh đánh đầu” nhưng qua hai trận gặp Singapore và Indonesia, ông Riedl đã hùng hồn phản biện: “đánh biên” tức là “lật cánh đánh đầu” chứ chẳng là cái quái gì khác.
Nhưng hỡi ôi, về “không chiến” Indonesia (cả Thái Lan và Malaysia) xứng đáng là “sư huynh” của Việt Nam, còn Singapore thì ta phải bái làm “sư phụ”.
Việt Nam đòi chơi “không chiến” với các đội bạn, chẳng khác nào rủ Lucky Luke đấu súng hay rủ Đông Phương Bất Bại đấu gươm. Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, duy nhất ông HLV Collin Murphy là dám chủ trương lật cánh đánh đầu.
Đơn giản vì ông là người Anh, tổ sư “không chiến”, hai nữa để phục vụ cho lối chơi kiểu Anh thể lực cầu thủ dưới tài huấn luyện của ông cũng không kém gì cầu thủ đảo quốc sương mù.
Nhưng ngay cả như vậy, Murphy vẫn thất bại. Chẳng qua người ta không thể bất chấp bản sắc và tính đặc thù để bắt ngựa phải bay như chim hay bắt nhím phải leo trèo như sóc.
Công Vinh chơi quá ích kỷ trên hàng công. (ảnh: VTC) |
Bật tường, luồn lách, chơi thông minh và tạo bất ngờ bằng các pha phối hợp nhỏ và trung bình để xuyên phá hàng phòng ngự đối phương là lối chơi phù hợp nhất với tố chất cầu thủ Việt Nam.
Tất nhiên để đa dạng hóa các đòn tấn công, chúng ta vẫn xẻ biên, vẫn chồng cánh, vẫn lật bóng từ biên để đánh đầu, nhưng đó không thể là lối chơi chủ yếu, càng không thể là duy nhất như Riedl quan niệm.
Những đội bóng xuất sắc nhất, chơi đẹp mắt nhất và tiêu biểu nhất của bóng đá Việt Nam qua các thời kỳ đều đặt nền tảng trên lối chơi phối hợp nhóm nhuần nhuyễn: Thể Công, Công An Hà Nội, Cảng Sài Gòn, Đồng Tháp, Hoàng Anh Gia Lai...
Điều đáng ngạc nhiên là tuyển Việt Nam do chính Riedl dẫn dắt ở SEA Games 20 và SEA Games 22 cũng xây dựng trên lối chơi phối hợp nhóm chứ không thuần lật cánh đánh đầu như bây giờ. Riedl thanh minh: vì tuyển Việt Nam hiện nay không có những tiền vệ trung tâm giỏi như Hồng Sơn - Việt Hoàng 1999 hay Hữu Thắng - Quốc Vượng 2003.
Điều đó đúng, nhưng nếu chỉ vì vậy mà đặt cược số phận của tuyển Việt Nam trên lối chơi sở đoản lật cánh đánh đầu thì đó là một giải pháp hoàn toàn sai lầm.
Thực ra chính vì Riedl quan niệm như vậy nên các học trò Hồng Minh và Minh Phương không dám dâng cao, và khi có bóng thì vội vàng đưa ra biên thay vì tung ra những cú chọc thẳng vào trung lộ, điều mà các anh (lẫn Hữu Thắng) đã làm rất tốt trong trận gặp Lào, chỉ tiếc do không được Riedl coi trọng và rèn giũa nên lối chơi này khi bộc phát lại sa vào tự phát, tùy tiện.
Khi ông thầy chỉ biết “biên, biên và biên” vô tội vạ thì tất nhiên cầu thủ lập tức biến thành những “người máy” được lập trình, óc sáng tạo hoàn toàn bị thui chột, và những tiền đạo như Công Vinh có lý do để sa vào lối chơi cá nhân khi tuyệt vọng chờ những đường bóng thuận lợi từ tuyến sau.
4. Gặp Thái Lan ở bán kết hóa ra là điều hay. Gặp và thua Thái Lan ở trận chung kết, VFF và Riedl chẳng học được bài học gì, vì “vào chung kết” được coi là “đạt chỉ tiêu”, là “thành công rực rỡ”, những yếu kém dễ bị ảo tưởng che lấp.
Gặp và thua Thái Lan ở bán kết, cái chúng ta thu hoạch được lớn hơn rất nhiều, vì có nhiều thứ sẽ vỡ ra. Nhưng tại sao lại thua Thái Lan? Tất nhiên, chưa chắc thua nếu Riedl biết cầu thị, thay đổi lối chơi robot của đội tuyển bằng cách chú trọng hơn đến những pha đánh trung lộ, kết hợp với những quả lật cánh.
Còn nếu vẫn trung thành với “biên, biên, biên” một cách mù quáng thì chúng ta sẽ nhanh chóng “biến, biến, biến” khỏi giải lần này, cũng mù quáng không kém!
Theo Đình Ngạn
Sài gòn giải phóng