Bí ẩn lần thượng đài duy nhất của “tượng đài võ thuật” Lý Tiểu Long
(Dân trí) - Lý Tiểu Long được biết đến nhiều qua màn ảnh rộng qua việc tham gia nhiều phim trong sự nghiệp. Thế nhưng, trong lần thượng đài duy nhất, ông cũng cho thấy đẳng cấp của mình.
Lý Tiểu Long (Bruce Lee) được xem là tượng đài võ thuật. Thế nhưng, tên tuổi của ông trong gần như gắn chặt với những bộ phim võ thuật như The Green Hornet, Đường Sơn Đại Huynh, Tinh Võ Môn, Mãnh Long Quá Giang, Long Tranh Hổ Đấu...
Bên cạnh đó, Lý Tiểu Long còn nổi tiếng khi mở nhiều lò võ trên đất Mỹ và từng dạy võ cho nhiều ngôi sao nổi tiếng như Steve McQueen, James Coburn, James Garner, Lee Marvin, Roman Polanski và Kareem Abdul Jabba.
Thế nhưng, người ta rất hiếm khi thấy Lý Tiểu Long bước lên võ đài. Theo những tài liệu hiếm hoi mà báo giới Trung Quốc ghi nhận được, ngôi sao võ thuật này chỉ có 1 trận đấu chính thức duy nhất với Gary Elms (vô địch quyền anh ở Trường King George V) diễn ra vào năm 1958.
Ở thời điểm ấy, Lý Tiểu Long mới 17 tuổi, đang là học sinh của trường St Francis Xavier. Ông chính là người lên tiếng thách đấu với Gary Elms. Trận đấu diễn ra ở nhà thể chất của Trường St George.
Thực tế, ngay từ ngày ngồi trên ghế nhà trường, Lý Tiểu Long đã có niềm đam mê lớn với võ thuật. Ông đã bắt đầu tiếp cận với trận đấu võ tự do (MMA) đầu tiên khi theo dõi cuộc so tài giữa Wu Gongyi (Thái cực quyền) và Chen Kefu (Bạch Hạc quyền) diễn ra tại Macau vào năm 1954. Cuộc so tài đã thu hút được 9000 người theo dõi và nó đã truyền cảm hứng để Lý Tiểu Long nghiên cứu sâu hơn về võ thuật.
Ngọn nguồn của cuộc so tài giữa Lý Tiểu Long và Gary Elms xuất phát từ mâu thuẫn của nhóm học sinh của hai trường St Francis Xavier và King George V. Thời điểm ấy, Lý Tiểu Long đã nổi tiếng với sự bướng bỉnh, chuyên đi gây sự người khác nhưng cũng biết cách bảo vệ kẻ yếu. Ông cùng một vài người bạn quanh Cửu Long đã gây sự đánh nhau với nhóm học sinh người Anh của trường King George V.
Lý Tiểu Long đại diện cho trường St Francis Xavier thách đấy với Gary Elms đại diện của trường King George V. Thực tế, không có nhiều thông tin về trận đấu này. Tới nay, chỉ còn một vài bức ảnh đen trắng chụp lại.
Theo những thông tin hiếm hoi, trận đấu diễn ra theo thể thức quyền anh. Lý Tiểu Long đã phải cố gắng áp dụng kỹ năng kung-fu cho phù hợp với kiểu đánh của quyền anh. Thế nhưng, những đòn tấn công “lạ” của Lý Tiểu Long đã thực sự khiến đối thủ gặp khó khăn.
Trong cuốn “Bruce Lee: A Life”, tác giả Matthew Polly đã được một vài người chứng kiến trận chiến đó kể lại thêm 1 chút thông tin về trận đấu. Theo đó, Gary Elms là người mạnh mẽ nhưng cũng không có cửa đọ lại với Lý Tiểu Long. Trong trận ấy, Lý Tiểu Long đã một vài lần khiến đối thủ gục xuống sàn nhưng không thể hạ knock-out đối thủ (mà chỉ thắng bằng tính điểm).
Sau trận đấu, Lý Tiểu Long bắt đầu theo học sư phụ Diệp Vấn và được sư huynh Vương Thuấn Lương kèm cặp. Ông cũng tham gia nhiều trận đấu không chính thức trên đường phố và nổi tiếng ở địa phương.
Năm 1959, do xích mích với Hội Tam Hoàng, Lý Tiểu Long đã bị cảnh sát Hồng Kông điều tra. Vì lo lắng cho tính mạng của con trai, bố mẹ đã đưa Lý Tiểu Long sang Mỹ định cư. Lý Tiểu Long đã đến Mỹ và sống trong nhà người bạn cũ của bố. Ông đã phải lăn lộn kiếm sống, trước khi gia nhập trường Trung học Công nghệ Edison. Tại đây, Lý Tiểu Long kiếm thêm bằng việc dạy võ ở sân trường.
Trong thời gian ở Mỹ, ông bắt đầu khám phá để phát triển triệt quyền đạo của riêng mình. Đây là môn võ kết hợp rất nhiều môn võ khác như quyền Anh, Muay Thái, Karate, Taekwondo Hàn Quốc, Hồng Gia Quyền, và đặc biệt là Vịnh Xuân Quyền. Đây là môn võ được kết hợp giữa tinh hoa võ học của châu Âu và châu Á.
Chỉ đáng tiếc là Lý Tiểu Long qua đời lúc tên tuổi ông đang nổi như cồn vào năm 1973, ở tuổi 32. Tới nay, nguyên nhân cái chết của ông vẫn còn nhiều bí ẩn. Khoảng 6 giờ tối ngày 20/7/1973, Lý Tiểu Long cùng nhà sản xuất phim Raymond Chow tới nhà Đinh Phối (người tình của Lý Tiểu Long) đã dùng bữa tối. Sau đó, ông kêu đau đầu nên được Đinh Phối đưa cho vài viên thuốc giảm đau Acetylsalicylic (hay còn được biết đến với tên là Aspirin). Uống xong, Lý Tiểu Long nằm nghỉ, còn Đinh Phối và Raymond Chow tới gặp diễn viên Lazenby như đã hẹn.
Khoảng 10 giờ tối, khi Đinh Phối trở về nhà thì Lý Tiểu Long đã nằm bất động. Sau đó, cô cùng Raymond Chow đưa Lý Tiểu Long tới bệnh viện nhưng các bác sĩ thông báo rằng, ông đã chết từ lâu.
Tới nay, chưa ai rõ nguyên nhân cái chết của Lý Tiểu Long bởi chẳng ai qua đời vì... Aspirin. Theo tiết lộ của bác sĩ riêng của Lý Tiểu Long, Donald Langford thì cần sa đã được tìm thấy trong bao tử của Lý Tiểu Long. Lý do ông sử dụng tới nó vì trải qua thời gian dài căng thẳng. Sau này, người ta còn dựng lên nhiều tin đồn như việc chính Đinh Phối đã đầu độc Lý Tiểu Long hay bị “tẩu hỏa nhập ma” vì phản bội lời thề với sư phụ, khi đem võ công ra kiếm tiền.
Cuốn sách The Death of Bruce Lee: A Clinical Investigation (Cái chết của Lý Tiểu Long: Điều tra y khoa) chỉ ra rằng ông đã bị phù não sốc nhiệt, dẫn tới cái chết. Hai tuần trước cái chết, Lý Tiểu Long từng bị co giật và ngất xỉu dưới cái nóng khủng khiếp. Sau khi vào viện, các bác sĩ đã nghi ngờ ông bị phù não ở thời điểm đó.
Dù vậy, tất cả đều chỉ là giả thuyết. Cho tới nay, nguyên nhân thực sự gây ra cái chết của Lý Tiểu Long vẫn còn chưa sáng tỏ.
Những kỷ lục Guinness mà Lý Tiểu Long nắm giữ:
1. Làm vỡ bao cát 45 kg bằng một cú đá nghiêng.
2. Tạo ra một lực đánh tương đương 725 kg bằng côn nhị khúc.
3. Lý Tiểu Long có thể đấm 9 lần trong một giây. Cú đấm cự ly 1 inch của ông sẽ khiến đối thủ 75 kg bay xa 5-6 m.
4. Lý Tiểu Long có thể đá túi cát nặng 135 kg chạm trần nhà cao 5m.
5. Lý Tiểu Long là người nhẹ cân nhất sở hữu cú đấm tương đương 159 kg. Ông chỉ nặng 59kg. Trong khi huyền thoại quyền anh Muhammad Ali nặng tới 120kg mới sở hữu lực đấm tương tự.
6. Lý Tiểu Long có thể đá 6 lần trong một giây. Ông có thể đá bay một người nặng 90 kg đi xa 20 m.
7. Lý Tiểu Long thực hiện tối đa khoảng 1500 lần chống đẩy bằng hai tay và 400 lần bằng một tay. Ông còn có thể chống đẩy 200 lần bằng hai ngón tay và 100 lần bằng một ngón tay cái.
H.Long