Bê bối doping cử tạ Việt Nam: Nguy cơ bị cấm dự SEA Games

Thùy Anh

(Dân trí) - Bên cạnh việc có thể bị cấm tham dự Olympic 2020, cử tạ Việt Nam đang đối mặt với một lệnh cấm tham dự SEA Games 31 trên sân nhà.

Nếu điều này xảy ra, thể thao Việt Nam sẽ mất một số lượng lớn huy chương, khi cử tạ luôn là thế mạnh hàng đầu.

Liên quan đến sự cố 2 VĐV Nguyễn Thị Thu Trang (17 tuổi) và Bùi Đình Sáng (18 tuổi) bị cấm thi đấu 4 năm vì dính doping, hiện cử tạ Việt Nam đang như ngồi trên đống lửa khi đối diện nguy cơ cao bị cấm dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) vào năm tới.

Theo quy định, bất kỳ quốc gia nào vi phạm doping từ 3 lần trở lên trong thời gian diễn ra vòng loại Olympic, bắt đầu vào tháng 11/2018, sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt, nghiêm trọng nhất là cấm thi đấu.

Bê bối doping cử tạ Việt Nam: Nguy cơ bị cấm dự SEA Games - 1

Cử tạ Việt Nam đối diện nguy cơ bị cấm thi đấu ở SEA Games 2021

Không những vậy, cử tạ Việt Nam thậm chí còn đang đối mặt với nguy cơ nặng hơn là không được tham gia thi đấu ở tại SEA Games 31 được tổ chức ngay tại quê nhà vào cuối năm sau. Đây là kịch bản mà không một ai mong chờ, bởi như đã biết cử tạ luôn đóng góp số lượng huy chương rất lớn cho đoàn thể thao Việt Nam ở sân chơi khu vực.

Thực tế, án phạt với cử tạ Việt Nam là rất hiện hữu, và khả năng rất cao. Ở Đông Nam Á, hai quốc gia đã bị cấm thi đấu cử tạ ở Olympic và SEA Games 31 là Thái Lan và Malaysia, đều vì lý do có nhiều VĐV sử dụng chất cấm.

Cụ thể, Liên đoàn Cử tạ Thái Lan bị tước bỏ tư cách thành viên của IWF trong 3 năm và nhận thêm án phạt 200.000 USD (4,6 tỷ đồng) vì có đến 8 đô cử, trong đó có 2 nhà vô địch Olympic bị dương tính với chất cấm tại hệ thống của các giải vô địch cử tạ thế giới ở Đức và Turkmenistan.

Trong khi đó, Liên đoàn Cử tạ Malaysia đã bị tước bỏ tư cách thành viên IWF trong 1 năm do 3 lực sĩ dính doping năm 2019.

Như vậy, cử tạ Việt Nam với 4 VĐV dính doping trong vòng 2 năm qua, đang đứng trước án phạt từ IWF, ở cả Olympic và SEA Games. Một lãnh đạo Liên đoàn cử tạ cho biết, hiện án phạt vẫn chưa đưa ra, nhưng các nhà quản lý, HLV, VĐV môn cử tạ như đang ngồi trên đống lửa.

Đáng tiếc nhất là các VĐV đã đổ biết bao mồ hôi, công sức để tập luyện, thi đấu, có nguy cơ phải đổi xuống sông xuống biển.

Chia sẻ với báo chí, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT đã cho biết: "Nếu án phạt đưa ra chúng ta cũng phải biết chấp nhận. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có những văn bản kháng nghị, cố gắng làm tất cả để không nhận án phạt nặng. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ văn bản chính thức nào của IWF được gửi đến".

Với các VĐV, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu không được dự Olympic và SEA Games, tất cả đều tỏ ra lo lắng, hoang mang. "Chúng tôi vẫn tập luyện, tuy nhiên ai cũng buồn bởi án phạt có thể được đưa ra bất cứ lúc nào.

Với các VĐV, việc được tham dự SEA Games cũng là cơ hội có huy chương, qua đó có tiền thưởng. Vì vậy, chúng tôi hy vọng điều xấu nhất sẽ không xảy ra với cử tạ Việt Nam", một VĐV đội tuyển cử tạ Việt Nam chia sẻ.